Thời xưa, trở thành trạng nguyên được ban thưởng những gì?
Để trở thành trạng nguyên, các học trò thời xưa phải vượt qua 3 kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Hầu hết các trạng nguyên thời xưa đều làm quan trong triều.
Trạng nguyên là một danh hiệu thuộc học vị tiến sĩ của người đỗ thứ hạng cao nhất trong các khoa đình, thời phong kiến ở Việt Nam, Trung Quốc, Cao Ly. Người đỗ trạng nguyên và tất cả những người đỗ tiến sĩ đều vượt qua 3 kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa lần lượt là các danh hiệu dành cho các vị trí nhất, nhì, ba.
Ngoài ra, Trạng nguyên cũng là một tước hiệu trong triều đình phong kiến Việt Nam. Trạng nguyên tương tự như là cố vấn cấp cao nhất của các Hoàng đế Đại Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép, đời Trần Anh Tông, năm Hưng Long thứ 12 (1304), trong khoa thi Đình lấy Mạc Đĩnh Chi danh hiệu Trạng nguyên, Bùi Mộ làm Bảng nhãn, Trương Phóng làm Thám hoa, Nguyễn Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; thì ba vị tam khôi được "dẫn ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày".
Đến triều nhà Lê, năm Đại Bảo thứ 3 (1442), đời Lê Thái Tông, sau khi thi Đình, nhà vua mới sai soạn văn dụng bia đề tên các tiến sĩ. "Bia tiến sĩ bắt đầu có từ đây", "Toàn thư" viết. Triều đình cũng bắt đầu tổ chức xướng danh, sau khi công bố các danh vị trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa, các tiến sĩ và phụ bảng, nhà vua ban ăn yến tiệc, mũ áo, cân đai và cho về vinh quy về làng. Sau đó, đây trở thành việc thành lệ khi kỳ thi Đình kết thúc, trạng nguyên xuất hiện.
Các bộ sách về sau thống kê các thể lệ mà Tam khôi cũng như tất cả các tiến sĩ được hưởng có rất nhiều, từ Lệ xướng danh; Lệ đại thần chúc mừng tân khoa; Lệ rước và treo bảng vàng; Lệ ban áo mũ, cân đai, phẩm phục; Lệ đãi yến tiệc ở vườn Quỳnh Lâm; Lệ tân khoa nghe hát; Lệ ban cành hoa bạc; Lệ ban thưởng vật phẩm, tiền bạc. Lệ rước tân khoa đi chơi phố phường; Lệ phong tước trật; Lệ làm nhà cho tân khoa ở; Lệ vinh quy bái tổ…
Vào khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 12 (1481) đời vua Lê Thánh Tông. Toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng 4, thi hội cho các cử nhân trong nước. Ngày 27, vua ngự điện Kính Thiên, thân hành ra đầu bài văn sách hỏi về lý số. Cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu, Nguyễn Doãn Định ba người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.
Tháng 5 ngày 21, triệu bọn tiến sĩ Phạm Đôn Lễ vào trong Đan Trì. Vua ngự điện Kính Thiên, các quan Hồng lô truyền lệnh gọi tên. Lại bộ ban ân mệnh. Lễ bộ bưng bảng vàng, rồi trống nhạc, rước ra ngoài cửa Đông Hoa treo lên. Xong rồi ty Mã cứu đem ngựa tốt đưa Trạng nguyên về nhà".
Như vậy, Phạm Đôn lễ chính là Trạng nguyên đầu tiên được vua ban Lệ vinh quy bái tổ và được triều đình cấp ngựa công để cưỡi.
Năm 1502, đời vua Lê Hiến Tông, sử viết tiếp: "Mọi năm bảng vàng vẫn treo ở ngoài cửa Đông Hoa, đến nay vua sai Lễ bộ bưng ra, đánh trống nổi nhạc rước ra treo ở cửa nhà Thái học. Bảng vàng treo ở cửa nhà Thái học bắt đầu từ đó".
Trong sách Khoa mục chí trong bộ bách khoa "Lịch triều hiến chương loại chí" do nhà bác học Phan Huy Chú soạn cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, những nghi thức của các kỳ thi của triều Lê trung hưng được ghi chép đầy đủ. Theo đó, vào ngày xướng danh các tiến sĩ thông báo kết quả cuộc thi đình, tất cả các tân tiến sĩ đều được gọi vào hoàng thành yết kiến vua ở điện Thị Triều.
Vua Lê đội mũ xung thiên, mặc áo hoàng bào, đai ngọc, ngồi ngự tọa trên điện. Chúa Trịnh đội mũ xung thiên, mặc áo bào tía, đeo đai ngọc, ngồi ở ngự tọa bên trái nhà vua. Sau những nghi lễ chào nhà vua và chúa, là lễ xướng danh. Quan nghi lễ đem bảng vàng ghi danh các tiến sĩ đứng về phía Đông.
Xướng tên xong, quan nghi lễ dẫn các tiến sĩ vào quỳ giữa ngự đạo. Quan bộ Lễ đến giữa ngự đạo, quỳ xuống rồi đọc to: Niên hiệu, năm, tháng, ngày, bọn chúng tôi phụng sắc cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (tam khôi, gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) mấy người, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất (Hoàng giáp) thân mấy người, đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân (dân gian vẫn gọi chung là tiến sĩ) mấy người.
Tiếp đó, quan Lễ cùng các quan nghi lễ mang bảng vàng từ sân rồng vào, có trống và nhạc đi trước, rước bảng vàng đến cửa nhà Thái học, treo lên. Buổi lễ hoàn thành, vua Lê về điện riêng, chúa Trịnh về phủ.
Nghi lễ ban áo, mũ, đai cho các tiến sĩ sẽ diễn ra vào một ngày khác. Ngày đó, các tân tiến sĩ vào điện quỳ tạ nhà vua, rồi bộ Lễ tâu xin được đưa họ ra cửa Đoan Môn để ban phát áo, mũ. Mỗi người được phát một áo, một mũ và một đai áo. Như vậy, các tân tiến sĩ đều phải tự trang bị hia để đi trong các dịp này. Áo, mũ, đai của các tiến sĩ do triều đình sản xuất.
Lịch triều hiến chương loại chí cho biết có thời gian, các vị tam khôi, tiến sĩ còn được nhà vua ban thưởng thêm cành hoa bạc. Tiền để mua vải, bộ Hộ lĩnh ở Hộ phiên (cơ quan có trách nhiệm quản lý tài chính, tài sản thuộc về phủ chúa), còn bạc thì lĩnh ở hiệu Thị nhị, đem về chuyển cho các cơ quan thuộc bộ Công đúc hoa, may áo, mũ, chế tác đai.
Sau khi quỳ lạy cảm tạ vua ban mũ, áo, các tân tiến sĩ sang phía Đông cửa Đoan Môn để mặc áo, đóng đai, đội mũ. Chỉnh đốn trang phục xong, quan nghi lễ dẫn các tiến sĩ đến giữa ngự đạo bái tạ nhà vua, sau đó lại được dẫn sang Thái miếu làm lễ 5 lạy, 3 vái để báo cáo với tổ tiên các vua Lê nữa là xong.
Việc ban yến tiệc cho các tân tiến sĩ được tổ chức ở công đường bộ Lễ. Trước yến tiệc, các tiến sĩ phải làm lễ vọng nhà vua với 5 lạy, 3 vái. Theo sách Quốc dung chí trong bộ sách của Phan Huy Chú thì: chuẩn bị cho lễ ban yến, bộ Hộ sẽ lĩnh tiền gạo, muối mắm và dầu thắp từ Hộ phiên rồi phát cho Thái quan thự và Lương uẩn cục, tức các cơ quan chuyên lo việc cỗ bàn, để làm cỗ.
Trước khi vinh quy, tam khôi cũng như toàn thể các tiến sĩ lại mặc áo đóng đai mới được ban vào điện nhà vua để lạy tạ bệ từ nhà vua.
Cũng từ các triều vua Lê Thánh Tông, sau khoa thi 1472, triều đình mới định phẩm hàm cho các tiến sĩ. Khoa này, Vũ Kiệt đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ (Trạng nguyên).
Nhà vua sắc cho từ lúc này, Trạng nguyên được hàm chánh lục phẩm, Bảng nhãn được hàm tòng lục phẩm, Thám hoa được hàm chánh thất phẩm. Các Hoàng giáp được ban hàm tòng thất phẩm, còn tiến sĩ đều hàm chánh bát phẩm. "Tiến sĩ có tư cách (phẩm hàm) bắt đầu từ đây", Toàn thư chú thích.
Nước ta có 46 vị trạng nguyên:
Năm 1246, vua Trần Thái Tông mở khoa thi Thái học sinh, lấy đậu theo tam giáp: Nhất giáp, Nhị giáp, Tam giáp. Năm 1247, nhà vua đặt lại thứ bậc trong Tam giáp: bậc Nhất giáp có Tam khôi: Trạng nguyên (Đệ nhất giáp tiến sĩ cấp đệ đệ nhất danh); Bảng nhãn (Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh); Thám hoa (Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh).
Từ khoa thi tuyển Minh Kinh bác học đầu tiên (Ất Mão-1075), đời vua Lý Nhân Tông, đến khoa thi cuối cùng (Kỷ Mùi- 1919) đời vua Khải Định, có 185 khoa thi với 2898 vị đỗ đại khoa, trong đó có 46 trạng nguyên, 48 bảng nhãn và 76 thám hoa, 2462 tiến sĩ và 266 phó bảng.
Triều Lý và những năm đầu triều Trần chưa lấy Trạng nguyên. Để khuyến khích việc học tập ở những tỉnh xa kinh đô, Triều Trần có hai khoa thi (1256 và 1266) đã lấy đỗ hai Trạng nguyên: Kinh Trạng nguyên cho từ Ninh Bình trở ra Bắc; Trại Trạng nguyên cho từ Thanh Hóa trở vào.
Xem thêm: Trần Ích Phát - thầy giáo duy nhất trong lịch sử Việt Nam có 74 học trò đỗ trạng nguyên, tiến sĩ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận