Hỗ trợ người khiếm thị “chạm” nghệ thuật kịch sân khấu bằng mô hình 3D
Từ trăn trở “nghệ thuật dành cho rất cả mọi người”, một hành trình ý nghĩa hỗ trợ người khiếm thị tận hưởng trọn vẹn những vở kịch sân khấu đã được bắt đầu từ dự án “Từ tai đến mắt”.
Còn chưa đến 30 phút trước giờ mở màn vở diễn “Nơi kết thúc bắt đầu”, trời vẫn mưa không ngớt. Trong hậu trường, anh Lương Linh - đồng sáng lập dự án “Từ tai đến mắt” bồn chồn dõi ra ngoài, lo lắng không biết những khán giả khiếm thị có kịp đến để anh giới thiệu mô hình sân khấu 3D trước khi vào rạp hay không.
Trên chiếc bàn nhỏ gần sảnh chờ, các mô hình sân khấu thu nhỏ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Mỗi khi có 2–3 khán giả khiếm thị đến, anh Linh sẽ hướng dẫn họ sờ nắn mô hình, kết hợp mô tả bằng lời để giúp họ hình dung bố cục sân khấu và các đạo cụ chính nhưng vẫn giữ lại phần kịch tính của câu chuyện.
Vào trong rạp, mỗi khán giả khiếm thị được bố trí cùng tình nguyện viên và đeo tai nghe để nghe mô tả trực tiếp. Trong góc tối sau hàng ghế cuối, anh Linh cầm micro cách âm, quan sát và thầm thì vào tai nghe: từng hành động, từng biểu cảm của nhân vật, nhất là những lớp diễn không thoại.
Công việc không quá nặng nhọc, nhưng đòi hỏi sự tỉnh táo cao độ. Anh phải kịp thời chen lời mô tả vào các khoảng lặng giữa các câu thoại để khán giả khiếm thị kịp cảm nhận nội dung như bao người khác, mà không bị quá tải vì cùng lúc phải nghe hai luồng thông tin.
“Người mô tả không chỉ cần quan sát nhanh mà còn phải giữ được trung lập, tuyệt đối không được ‘diễn giải’ thay cho người xem”, anh Linh chia sẻ.
Ý tưởng làm sân khấu cho người khiếm thị đến với anh từ một câu hỏi đơn giản: Nghệ thuật có dành cho tất cả mọi người? Và nếu câu trả lời là có, thì mọi người ấy có đang bao gồm người khuyết tật?

Qua nhiều tìm hiểu và trải nghiệm các dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị tại Vương quốc Anh, trong đó có dịch vụ hỗ trợ người khiếm thị đi xem kịch tại rạp, tháng 12-2024, anh Linh đã bắt đầu thử nghiệm mô hình này ở Việt Nam. Với đội ngũ vận hành mang tên Sunbox, dự án "Từ tai đến mắt" đã ra đời và miệt mài thử nghiệm, dần hoàn thiện qua từng suất diễn trong nửa năm qua.
Theo anh Linh chia sẻ, khó khăn lớn nhất là tạo dựng thói quen xem kịch cho khán giả khiếm thị, những người vốn ít có cơ hội tiếp cận sân khấu từ nhỏ. Nhưng rồi, sự kiên nhẫn và tinh thần sẻ chia đã giúp anh và các tình nguyện viên xóa đi khoảng cách ấy.
"Niềm vui lớn nhất của mình khi làm công việc này là được thấy giấc mơ của nhiều bạn thành hiện thực. Nhiều khán giả khiếm thị từ bé đã có niềm đam mê với kịch nói, thần tượng chú Thành Lộc nhưng không nghĩ sẽ có cơ hội đi xem kịch và gặp chú ở ngoài đời, nên nhiều bạn rất vui khi được trực tiếp lên sân khấu tặng hoa, nắm tay hay chụp hình chung với chú", anh Linh bộc bạch.
Mỗi suất diễn hiện tại phục vụ từ 5–6 khán giả khiếm thị. Sau 25 - 30 suất được Viện Goethe TP.HCM đồng hành và hỗ trợ, dự án sẽ tinh gọn và hoàn thiện chương trình hơn hướng đến việc trở thành một dịch vụ hoạt động thường xuyên với hai suất mỗi tuần phục vụ khán giả khiếm thị, đặc biệt sẽ hỗ trợ thêm khán giả khiếm thị nhỏ tuổi.
Sau buổi diễn, cô học trò lớp 12 Huỳnh Thanh Yến Vy vỡ òa xúc động. Đây là lần đầu tiên em được thật sự xem kịch mà không cần người thân giải thích. “Em biết ơn các anh chị của dự án “Từ tai đến mắt” đã giúp em chạm tới vở diễn. Mong rằng dự án sẽ lan tỏa để thêm nhiều bạn khiếm thị như em được trải nghiệm nghệ thuật”, Vy chia sẻ.
Xem thêm: Đội tuyển Việt Nam giành 4 huy chương vàng Olympic Hóa quốc tế 2025
Tin liên quan
Dưới đây là danh sách 39 trường đại học miễn phí học phí cho mọi sinh viên theo học. Quý phụ huynh và học sinh có thể tham khảo.
Bé gái 2 tuổi bị bỏng nặng đến 60%, nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghép da cứu sống từ chính da của mẹ ruột.
Dù chỉ mới 16,17 tuổi và không phải là những thợ xây chuyên nghiệp nhưng nhóm bạn trẻ đến từ Mỹ đã không ngại ngần xắn tay áo, khiêng gạch, trộn xi măng giúp người dân Quảng Ngãi xây nhà tình nghĩa.