Thái Đức Kiên và hành trình từ cậu học trò "đỗ vớt" đại học đến vị trí giáo sư ĐH Hàn Quốc

Thái Đức Kiên là giáo sư người Việt đầu tiên ở Trường đại học Sejong (Hàn Quốc). Sở hữu hơn 60 công bố khoa học quốc tế, những nghiên cứu của anh góp phần đảm bảo an toàn cho các công trình đặc biệt như lò phản ứng hạt nhân...

Đỗ Thu Nga
08:00 16/04/2024 Đỗ Thu Nga

Từng “đỗ vớt” đại học

Mở đầu cuộc trò chuyện, GS. Thái Đức Kiên (quê ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), không ngại ngùng khi cho biết anh từng “đỗ vớt” đại học. Xuất thân từ gia đình làm nông, ký ức tuổi học trò của anh còn gắn với cả những cánh đồng, ngày hè nhễ nhại mồ hôi ngoài bờ ruộng.

Bạn bè đồng trang lứa của anh nhiều người phải nghỉ học vì nhà nghèo. Nhờ lời nhắn nhủ đầy tình thương của mẹ: “Hãy học, để không phải bước theo sau con trâu”, đã tạo động lực cho anh quyết tâm đỗ bằng được vào đại học. “Thi xong tôi đoán mình sẽ trượt. Nhưng may mắn được cộng thêm điểm ưu tiên dành cho thí sinh khu vực miền núi, tôi vừa đủ điểm đỗ vào Trường Đại học Xây dựng Hà Nội”, anh Kiên nói.

Những ngày đầu đến giảng đường, Kiên e dè, tự ti bởi mình “đỗ vớt” trong khi các bạn đều có điểm cao và đỗ vào 2, 3 trường cùng lúc. Lời mẹ dặn đã tạc ghi trong lòng, vì vậy, anh nỗ lực học hỏi, chỉ trong học kỳ 1 năm thứ nhất, anh đã đứng thứ 2 lớp về thành tích học tập. Sau đó, anh được tuyển thẳng vào khoa Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp - được xem là khoa danh giá nhất của trường.

Tốt nghiệp đại học, anh đầu quân cho Công ty Tư vấn Đại học Xây dựng với dự định sẽ học tiếp thạc sĩ. Rồi anh quyết định nhận lời mời về Đại học Vinh giảng dạy và nghiên cứu, vừa để gần gia đình, vừa lo cho các em ăn học, tranh thủ học thạc sĩ.

Năm 2011, anh nhận được học bổng sang Trường Đại học Sejong làm nghiên cứu sinh. “Ngay trong lúc chuẩn bị bay sang Hàn Quốc, tôi rất sốc khi nghe những người bạn ở Hàn cảnh báo rằng, đừng sang nữa, rồi cũng bỏ sớm. Bởi lẽ, giáo sư hướng dẫn của tôi nổi tiếng khó tính, có những học trò không thể tốt nghiệp và phải bỏ về nước. Vừa hoang mang, vừa sợ, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, vì tôi tin vào khả năng của mình”, anh Kiên chia sẻ.

thai-duc-kien-giao-su-nguoi-viet-dau-tien-o-dh-sejong
GS. Thái Đức Kiên (thứ hai từ trái sang) cùng các học giả quốc tế

Bên cạnh những đóng góp cho khoa học trong nước và quốc tế, GS. Thái Đức Kiên còn xuất hiện với vai trò là người sáng tác nhạc, kêu gọi các bạn du học sinh hướng về biển, đảo quê hương. Trong đó, anh đã sáng tác ca khúc nổi bật có tên “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, mang âm hưởng hùng tráng đã kết nối bao trái tim du học sinh Việt tại các trường đại học ở Hàn Quốc hướng về quê hương.

Tại Hàn Quốc, anh thực sự cảm nhận được sự căng thẳng, áp lực trong môi trường học thuật ở phòng nghiên cứu của giáo sư. “Đọc, học, nghiên cứu mà cứ như đi trong bóng tối, không biết tìm đường đến cái mới bằng cách nào, chưa định hình được đâu là hướng đi mới. Bế tắc, bất lực trong nghiên cứu đã khiến tôi có lúc nghĩ đến việc bỏ cuộc”, anh Kiên nhớ lại.

Hướng về quê hương

Với kinh nghiệm từng chủ trì thiết kế kết cấu cho một số công trình cao tầng như khách sạn, chung cư ở Việt Nam, GS. Thái Đức Kiên đã bắt tay nghiên cứu tìm ra các giải pháp kết cấu mới. Hiện GS. Kiên đã công bố hơn 60 bài báo quốc tế thuộc danh mục tạp chí quốc tế uy tín, chủ yếu là Q1 và Q2.

Trong đó, các nghiên cứu của anh hướng đến việc mô phỏng số kết cấu công trình chịu những tải trọng mang tính đặc biệt và đưa ra giải pháp đảm bảo tính an toàn, nâng cấp kết cấu công trình chịu đựng được tải trọng như bom nổ, tên lửa bắn, hay máy bay đâm. Ngoài ra, anh phát triển các nghiên cứu về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kết cấu xây dựng.

Một số công trình của anh đã có tác động và ứng dụng trong thực tiễn, như đánh giá an toàn lò phản ứng hạt nhân dưới tác động của vụ tai nạn máy bay đâm; giải pháp kết cấu đặc biệt cho tường bê tông cốt thép chịu tên lửa bắn; hay các công thức thực nghiệm để phân tích và tính toán kết cấu tường bê tông cốt thép khi chịu các tải trọng đặc biệt nguy hiểm.

Trở thành giáo sư người Việt đầu tiên ở Trường Đại học Sejong (Hàn Quốc), anh có chủ trương kết nối với nhà khoa học trong nước để hỗ trợ đồng nghiệp xin các đề tài, dự án nghiên cứu. Anh đã tham gia đào tạo, trực tiếp hoặc đồng hướng dẫn cho 8 tiến sĩ người Việt, hiện đã trở về giảng dạy ở Việt Nam.

“Bằng cách này, các nhà khoa học trong và ngoài nước có thêm sự liên kết, tận dụng, sáng tạo, kết hợp những ý tưởng mới với mục tiêu chung, đó là đóng góp và nâng tầm nền khoa học Việt Nam”, GS. Kiên cho hay.

GS. Kiên đang thực hiện mô hình đào tạo sinh viên Việt Nam thành nhóm nghiên cứu mạnh. Cụ thể, anh sẽ chọn những bạn sinh viên có tiềm năng để hướng dẫn kỹ năng nghiên cứu và hướng đến công bố quốc tế.

“Trong tương lai, tôi muốn nhân rộng mô hình để tạo nhiều cơ hội cho những sinh viên giỏi trong lĩnh vực này được phát huy điểm mạnh và tiếp nối những giá trị khoa học của thế hệ trước”, GS. Kiên nói thêm.

(Theo Tiền Phong)

Xem thêm: Nguyễn Tuấn Anh: Từ nam sinh trường làng đến phó giáo sư ĐH hàng đầu thế giới

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận