Nguyễn Tuấn Anh: Từ nam sinh trường làng đến phó giáo sư ĐH hàng đầu thế giới
Vốn sinh ra ở làng quê nhỏ, nhờ nỗ lực học hành mà anh Nguyễn Tuấn Anh trở thành phó giáo sư đại học top 60 thế giới.
Nguyễn Tuấn Anh, 40 tuổi, người Hoa Lư, Ninh Bình, làm việc tại trường Khoa học tự nhiên, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) từ năm 2017, được bổ nhiệm phó giáo sư (Associate professor) hồi tháng 7. Đây là ngôi trường top 60 thế giới, 15 châu Á, theo xếp hạng của QS năm 2024.
Anh giảng dạy các môn về công nghệ sinh học, hướng dẫn học viên thạc sĩ và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Hướng nghiên cứu của anh chủ yếu dùng phương pháp hóa sinh, tin sinh để giải mã cơ chế sinh học phân tử của các protein và enzyme tương tác RNA. Kết quả nghiên cứu góp phần vào việc tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh liên quan đến RNA và phát triển phương pháp mới điều hòa sự biểu hiện của gene bằng RNA.
"Tôi may mắn và tự hào rằng dù sinh ra tại một làng quê nhỏ ở Việt Nam, mình vẫn có thể là đồng nghiệp với những người tới từ các môi trường hàng đầu thế giới", anh chia sẻ.
Ngay từ khi học cấp 3, anh đã say mê môn sinh học. Tuy học hệ đại trà ở trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Tuấn Anh vẫn giành giải nhì thi học sinh giỏi quốc gia, rồi huy chương đồng Olympic Sinh học quốc tế năm 2002. Sau đó, anh được tuyển thẳng vào lớp Cử nhân tài năng, trường ĐH KHTN, ĐHQGHN, theo đuổi nghiên cứu về cơ chế sinh học của các enzyme (men).
Cũng thời gian này, anh nói chuyện với một giáo sư người Hàn Quốc cũng nghiên cứu về enzyme khi ông sang Việt Nam để tuyển sinh. Nhận thấy Hàn Quốc là môi trường học tiên tiến không kém các trường tại Mỹ, năm 2006, Tuấn Anh tới Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), để theo đuổi bằng tiến sĩ Hóa sinh.
Sang nước bạn, anh cố gắng trao đổi và học hỏi những người nghiên cứu đi trước về cách làm việc với máy móc và hóa chất trong phòng thí nghiệm. Mất khoảng một năm để bắt kịp với môi trường quốc tế, nhưng anh lại gặp trở ngại về học thuật.
Dù chăm chỉ, công trình khoa học đầu tiên của anh và đồng nghiệp bị từ chối đăng tải nhiều lần. "Tôi hết sức thất vọng, vì đó là lần đầu tiên, lại rất hứng khởi và nhiều hy vọng", Tuấn Anh nói, cho biết nhiều lần nghĩ mình không đủ năng lực và không hợp, có lẽ nên chuyển sang lĩnh vực khác.
Được giáo sư động viên, anh lấy lại tinh thần để tiếp tục. Công trình sau đó cũng được xuất bản ở một tạp chí khoa học nhỏ. Tuấn Anh được thầy tin tưởng, giới thiệu học sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul.
Năm 2017, Tuấn Anh chọn HKUST để theo đuổi tiếp sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy. Anh cho rằng Hong Kong vừa có sự tương đồng với quê nhà về con người và khí hậu, vừa cởi mở và quốc tế hóa cao. Ngoài giảng dạy, Tuấn Anh thường đi đá bóng với đồng nghiệp và sinh viên vào cuối tuần.
Phó giáo sư nhìn nhận HKUST đủ tốt để sinh viên có thể học tất cả ngành công nghệ. Chính quyền Hong Kong đầu tư về nghiên cứu cơ bản, cấp visa thuận lợi, thị trường nhiều cơ hội việc làm. Hơn nữa, du học sinh được đào tạo ở môi trường tiên tiến sẽ là nguồn nhân lực góp phần phát triển nền khoa học sinh học ở trong nước.
Đó là lý do anh thường đưa các giáo sư về Việt Nam tham gia hội thảo khoa học, cũng như giới thiệu học bổng. Từ ba, bốn sinh viên Việt Nam học tại HKUST vào năm 2017, con số này đã lên hơn 50 người. Hầu hết sinh viên được học bổng toàn phần.
"Thế hệ kế tiếp phải đông và giỏi hơn để cùng các thế hệ trước thay đổi nền sinh học đất nước", anh Tuấn Anh nói.
Mỗi lần về Việt Nam, Tuấn Anh cũng đến giảng bài và trò chuyện với sinh viên. Với những người trẻ muốn theo đuổi khoa học, anh cho rằng cần xác định đây là con đường dài, nên tiếp cận những môi trường mới và kiên nhẫn để bắt kịp với thế giới.
Theo Khánh Linh/VnExpress
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận