Trương Đăng Quế: Tể tướng không danh hiệu, liêm khiết suốt 1/3 thời gian tồn tại triều Nguyễn
Trương Đăng Quế làm quan trải 4 triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông được chính sử ca ngợi là vị quan liêm khiết, nặng lòng với quê hương.
Thân thế của Trương Đăng Quế
Trương Đăng Quế (1793 - 1865) tự Diêm Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê. Ông là danh thần trải 4 triều nhà Nguyễn. Trong 43 năm làm quan, có 20 năm ông giữ trọng trách lớn (có 2 lần nhận di chiếu tôn phò vua mới). Bên cạnh đó, ông còn là nhà thơ, nhà sử học, là thầy của vua Thiệu Trị và một số quý tộc khác, trong đó có Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương.
Nói về thân thế, theo Wiki: Ngô Đăng Quế là người làng Mỹ Khê, huyện Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tiên tổ của ông là người huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Vào năm Lê Hy Tông thứ 10 (1622), tổ đời thứ 6 là Trương Đăng Trường vào Nam, làm quan đến Cai quản, tước Nham Lĩnh bá. Nhân tế, ông Trương làm nhà ở tại làng Mỹ Khê. Trải qua bốn đời truyền nối làm quan, đến đời cha ông Quế là Trương Đăng Phác, làm Tri phủ cho triều Tây Sơn. Vợ ông Phác là bà Đỗ Thị Thiết, sinh hạ được 8 người con (4 trai, 4 gái), trong đó Trương Đăng Quế là người con thứ 5.
Chính sử có chép, Trương Đăng Quế từ nhỏ đã nức tiếng gần xa về tài thơ văn. Vừa tròn 8 tuổi thì mất cha, gia thế trải qua không ít biến cố. Song nhờ tài học thiên bẩm cùng nỗ lực không ngừng nghỉ mà vào năm Gia Long thứ 18 (khoảng năm 1819), ông đỗ Hương tiến - một chức quan tương đương với học hàm Cử nhân, tại trường thi hương Thừa Thiên Huế.
Riêng về chi tiết này cần nói thêm, ngay từ khi đăng cơ, vua Gia Long đã ban hành hàng loạt định chế khá kỳ quặc nhằm tập trung quyền lực vào vương triều. Trong đó có định chế "4 không": Không Trạng nguyên - Tiến sĩ; Không Thừa tướng - Thái sư; Không Thái tử - Hoàng hậu; Không phong Vương cho người ngoài hoàng tộc.
Song hành cùng "4 không" này là việc bãi bỏ hàng loạt các cuộc thi thường nên trong lịch sử như kỳ thi Hội, thi Đình. Vậy nên, Trương Đăng Quế đỗ danh vị Cử nhân là hết sức dễ hiểu và có thể coi là đỗ đạt cao nhất vào thời điểm bấy giờ.
Nói cách khác, Trương Đăng Quế là 1 trong số những người khai khoa, đỗ đạt cao đầu tiên của Quảng Ngãi dưới triều nhà Nguyễn. Sau khi vua Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi đã bổ nhiệm Trương Đăng Quế từ chức Hành tẩu Bộ lễ lên làm việc ở Hàn lâm viện, giữ chức Biên tu - chuyên dạy học cho các hoàng tử, công chúa.
Vị quan thanh liêm thờ 4 đời vua Nguyễn
Chính sử nhận xét, bước đường quan lộ của Trương Đăng Quế hết sức thênh thang. Chỉ trong vòng 18 năm sau khi đỗ và triều và 7 năm khi chính thức vào chính trường, ông đã bước lên vị trí cao tột bậc trong hàng ngũ quan lại triều Nguyễn.
Trải qua 3 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông lần lượt giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình như: Thượng thư Bộ Binh, Cơ mật viện đại thần (1831), Chánh chủ khảo thi Hội (1833, 1838), Thượng thư Bộ Lễ (1839), Quốc sử quán Tổng tài (1841), Cần chánh điện Đại học sĩ (1848)…
Vào khoảng năm 1836, Trương Đăng Quế nhận nhiệm vụ vua giao, đi tổ chức thực hiện chỉnh đạt điền thổ, thiết lập địa bạ, định bà ở Nam kỳ lục tỉnh, góp phần quan trọng trong công cuộc ổn định vùng đất mới, đem lại nguồn thu cho Nhà nước tăng gấp 3 lần. Nhiệm vụ này ông hoàn thành tốt đến mức người đương thời khen ngợi hết lời. Trong đó, có nhiều học giả Pháp, đánh giá công trình đạt điền khoa học này lớn nhất thế kỷ XIX ở Việt Nam.
Dù là vị quan có chức cao vọng trọng trong triều nhưng Trương Đăng Quế luôn giữ hình ảnh hết mực giản dị, liêm khiết. Trong nhiều sớ tấu dâng vua, ông luôn đề nghị tiết kiệm công quỹ, không xuất của kho mua hàng xa xỉ phương Tây. Đồng thời đề nghị chấn chỉnh, tinh giản hàng ngũ quan lại, chú trọng bổ nhiệm, cất chức cho người có thực tài.
Trong cuốn dịch Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn chép: "Quế lúc làm quan giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, và lại có tính siêng năng... Triều đình lấy làm trọng, các tiên thánh vốn vẫn chọn dùng... Các danh thần lúc bấy giờ như Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương, mà vua cũng bảo là phong độ không bằng Quế.
Sau khi Quế chết, Hoàng thượng thương nhớ, triều đình lấy làm tiếc. Các hoàng thân, công chúa và sĩ phu trong ngoài đều làm thơ văn, câu đối đem đến phúng”.
Trương Đăng Quế còn khiến người đời thán phục bởi tính cách thanh bạch, đức độ của mình. Đơn giản như chuyện làm quan cao, lộc hậu nhưng ông không ham tài, ham chức, níu kéo danh vọng. Đang nhắc đến nhất là chuyện, khi quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (1859), thấy mình đã già nua, không có kế sách chống xâm lăng cứu nước, ông xin từ chức.
Sách Đại Nam thực lục còn chép lại đoạn sớ tâu của Trương Đăng Quế: “Từ khi Tây dương đến đây đã ba năm nay, mà ngồi trơ mặt ở triều ban, không vạch ra được một mưu chước gì để đánh lại được giặc Tây dương, tội ấy chối sao được. Lại bóng chiều đã xế, bệnh tật luôn luôn, gần tới cõi chết mà cố giữ địa vị, thực đáng hổ thẹn. Vậy xin cho về quê để nhường chỗ cho lớp trẻ”.
Nhận được sớ, vua quyết ý không cho từ chức, ông lại dâng sớ khác xin tự giảng chức, bỏ hẳn tước Quận công, xin giảm nửa lương... Trong 3 năm đã dâng sớ 6 lần, mãi tờ sớ cuối (khoảng 1863) vua mới ưng thuận. Khi về hưu, ông không ở lại kinh thành mà xin về quê nghèo. Ngay cả khi nhà vua nể nang, thăng cho con trai chức Hàn lâm viện thừa chỉ, lấy cớ con mình tài hèn, đức bạc ông cũng xin vua rút lại quyết định này.
Một số công lao nổi bật của Trương Đăng Quế
Văn học, sử học
Vốn có một kiến thức uyên bác, một tâm hồn nhạy cảm và yêu thơ nên đi đến đâu ông cũng để lại nhiều bài thơ, được sử Nguyễn khen là "bình hòa điển nhã", được Phan Thanh Giản khen là: "Không có sách nào là ngài không đọc, lại sở trường thơ ca" [9]. Ông có chân trong Tùng Vân thi xã (còn gọi là Mặc Vân thi xã) do Tùng Thiện Vương (là học trò và là con rể ông) làm "chủ súy".
Sáng tác của Trương Đăng Quế khá nhiều, tiêu biểu là các tập: Quảng Khê văn tập (Tập văn Quảng Khê); Trương Quảng Khê thi văn (Thơ văn Trương Quảng Khê); Trương Quảng Khê tiên sinh tập tự (Tuyển tập của tiên sinh Trương Quảng Khê).
Khi làm Tổng tài ở sử quán, ông tham gia biên soạn các bộ sử và điển lệ: Đại Nam liệt truyện tiền biên (Truyện các nhân vật nước Đại Nam, phần tiền biên); Đại Nam thực lục tiền biên (Ghi chép xác thực sử nước Đại Nam, phần tiền biên); Đại Nam hội điển toát yếu (Tóm lược những điều cốt yếu của điển lệ nước Đại Nam); Nam Giao nhạc chương (Âm nhạc lễ Nam Giao),...
Ngoài ra, thơ văn của ông còn đượcn chép trong các sách như: Đại Nam anh nhã tiền biên (Lời hay ý nhã của nước Đại Nam, phần tiền biên), Quốc triều hàn quyển (Vườn văn của bản triều), Thi tấu hợp biên (Hợp biên các bài thơ và tấu), Thịnh thế giai văn tập (Tập văn hay đời thịnh), Thúy Sơn thi tập (Tập thơ về núi Thúy Sơn), Từ uyển xuân hoa (Hoa xuân vườn văn),v.v...
Lập địa bạ, đinh bạ Lục tỉnh Nam Kỳ năm 1836
Đầu năm 1836, vua Minh Mạng cho 6 tỉnh Nam Kỳ, sau khi xảy ra sự biến thành Phiên An, việc binh đinh, điền thổ cần sửa sang nên điều Trương Đăng Quế làm Kinh lược đại thần đi kinh lý Nam kỳ. Ông đến Sài Gòn vài ngày 24/2 năm đó.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, thì chỉ trong 5 tháng, Trương Đăng Quế đã hoàn tất mọi việc, và thành công nhất là công tác duyệt tuyển và đạc điền. Ông viết: "Cuộc kinh lý năm 1836 đã giải quyết nhiều việc như duyệt dân tuyển lính, thanh lọc hàng ngũ quan lại, xếp đặt thể lệ chuyển vận đường sông, chia cắt lại đơn vị hành chính, xếp đặt lính tráng bố phòng những đồn bảo trọng yếu, định thưởng, định việc thưởng phạt trong việc khai hoang lập ấp,v.v… Song đáng kể hơn cả là lập được đinh bạ và địa bạ cho mỗi thôn xã ở Nam Kỳ; đối với nhà nước, thì đỡ tình trạng trốn xâu lậu thuế hay lẩn vào bưng biền để "tụ tập khởi loạn"; đối với xã hội thì "bờ cõi đã đúng, kẻ giàu không được bá chiếm, người nghèo đều có tư sản". Cách làm sổ bộ đó khá chính xác. Sau này, người pháp cai trị thuộc địa cũng rất thán phục, nhất là "địa bạ", có trường hợp, đến đầu thế kỷ 20, họ vẫn lấy đó làm căn cứ để giải quyết các vụ tranh chấp ruộng đất. Kết quả cụ thể của cuộc kinh lý năm 1836, là tạm thời làm chậm tình trạng phân hóa giai cấp ở nông thôn Nam Kỳ".
Giúp trị an trong và ngoài nước
Năm Minh Mạng thứ 12 (1881), vua Minh Mạng thăng Trương Đăng Quế lên Thượng thư bộ Binh. Kể từ đó, ông ra sức giúp vua trị an trong và ngoài nước. Sử triều Nguyễn có chép về công lao nổi bật của ông ở mấy việc cụ thể như sau:
- Năm Minh Mạng thứ 14 (1833),Lê Văn Khôi ở Gia Định, Nông Văn Vân ở Cao Bằng cùng khởi binh chống Nguyễn. Thư cáo cấp liên tục gửi về kinh. Bấy giờ "Đăng Quế ngày đêm mưu tính, các việc được đúng khớp, đến sau việc yên. Quế được thưởng gia hàm Thái tử thiếu bảo"…
- Năm 1836, khi nhận trọng trách đi kinh lược Nam Kỳ (1836), song song với việc lập đinh bạ và địa bạ cho mỗi thôn xã, Trương Đăng Quế còn xin và được chấp thuận việc đặt phủ lỵ, đồn bảo ở nơi trọng yếu để "bên trong làm phên che cho Gia Định được vững, bên ngoài làm cho tăng thêm thanh thế của Trấn Tây" (Chân Lạp).
- Đến cuối năm 1836, thuận theo lời xin của Trương Đăng Quế, vua Minh Mạng sung ông làm Kinh lược sứ Thanh Hóa để tiễu trừ cuộc nổi dậy của Quách Tất Công và Quách Tất Tại. Đến nơi, ông cho quân đóng ở Lang Chánh rồi vừa chiêu an, vừa chia quân xây đánh. Tháng 3 (âm lịch) năm sau (1837), quan binh bắt sống được Quách Tất Tại. Đến tháng 4 (âm lịch), lại bắt sống được hai nhân vật trọng yếu của quân nổi dậy là Lê Duy Hiển (minh chủ) và Hoàng Nguyệt Đồng (quân sư, dọc đường cắn lưỡi chết). Sang khoảng tháng 5 (âm lịch) thì Thanh Hóa được yên, sau khi các viên chỉ huy quân nổi dậy bị bắt hoặc bị diệt gần hết.
Để giữ yên tỉnh Thanh lâu dài, Trương Đăng Quế đã xin đắp một bảo lớn (gọi là bảo Ninh Lương), đắp đồn ở động Khương Chánh và ở Trịnh Vạn...Ngoài ra, ông còn xin chia động Trịnh Vạn ra làm 2 tổng (Trịnh Vạn và Quân Nhân), đồng thời xin lấy tổng Như Lăng (thuộc huyện Nông Cống) và tổng Luận Khê (thuộc huyện Lôi Dương) làm thành châu Thường Xuân...Tất cả đều được vua y cho.
Năm 1847, trong một sắc của vua Thiệu Trị, những đóng góp của ông về việc này lại được nói đến như sau: "Ta chịu mệnh trời đất Tổ khảo, cai trị nước Đại Nam. Năm trước đất miền Tây (thuộc Nam Kỳ) chưa được mở mang, thường lấy làm thẹn. Năm Ất Tỵ (1845), cất quân đi đánh nước Chân Lạp, dẹp được. Năm Bính Ngọ (1846), ta lên thọ 40 tuổi, đến 30 lần ân dụ ban ra, năm ấy nước Xiêm phục, nước Miên hàng, nộp lễ cống, chầu hầu. Năm nay (1847), tướng quân kéo về, tâu thắng trận, thôi không đi đánh, võ công cáo thành, sai công thần trông nom chế ra ba cổ súng đồng thượng tướng quân, truyền đến con cháu, giữ thứ bảo khí ấy lâu dài, không say mê tửu sắc, nghĩ làm việc mới, noi việc cũ, theo noi mưu mô công liệt, trọng văn tạp võ ức muôn năm làm mạnh nước Đại Nam ta. Vả lại, ngự ban cho cố mệnh lương thần, Thái bảo, Tuy Thạnh bá Trương Đăng Quế, trước kia vâng cố mệnh của tiên đế khi gần băng hà để lại, cùng ta trù tính việc biên cương, rồi thành tựu được võ công, giúp rập đức tốt, thực không phụ ơn tri ngộ. Vậy cho khắc vào cỗ súng thứ nhất".
Trương Đăng Quế còn là một nhà giáo giỏi, vị quan tốt
Như đã nói, Trương Đăng Quế là thầy dạy vua Thiệu Trị và một số quý tộc nổi tiếng. Các công chúa như Nguyệt Đình, Huệ Phố, Mai Am..., dù không theo học, nhưng vẫn xưng là học trò ông. Đương thời, ông được đông đảo giới trí thức lúc bấy giờ kính trọng về học vấn sâu rộng và nhân cách khiêm nhường.
Nói về vai trò một vị quan, trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện có đoạn chép về ông như sau: "(Trương Đăng) Quế lúc làm quan, giữ mình khiêm tốn, chính trực, kiến văn nhiều, xử đoán khéo, trải làm quan hơn 40 năm, ngồi ở chức Tể tướng; thế mà ăn mặc giản tiện sơ sài, không khác gì lúc còn chưa làm quan, và lại có tính siêng năng như bộc sạ họ Phòng (tức Phòng Huyền Linh), có mưu trí như Ngụy Công họ Hàn (tức Hàn Kỳ), đã biết thì không điều gì không nói, đã nói thì không có điều gì không nói hết lời. Triều đình lấy làm trọng, các tiên thánh vốn vẫn chọn dùng...Các danh thần lúc bấy giờ, như Tráng liệt bá Nguyễn Tri Phương, mà vua cũng bảo là phong độ không bằng (Trương Đăng) Quế. Sau khi (Trương Đăng) Quế chết, hoàng thượng (Tự Đức) thương nhớ, triều đình lấy làm tiếc. Các hoàng thân, công chúa và sĩ phu trong ngoài đều làm thơ văn câu đối đem đến phúng. Ấy là (Trương Đăng) Quế làm cho người ta cảm mộ đến như thế...".
Ghi nhận công lao Trương Đăng Quế, hiện ở quận Gò Vấp thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên ông.
Xem thêm: Nguyễn Tri Phương - Danh tướng quyết chống Pháp đến hơi thở cuối cùng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận