Quán phở Nam Định 5.000 đồng/bát, 18 năm không đổi giá và ước nguyện "ai cũng được ăn no" của bà chủ có tâm

Chúng ta vừa trải qua đại dịch, kinh tế rất khó khăn, vật giá leo thang, thế nhưng ở TP Nam Định có 1 quán phở vẫn kiên quyết không đổi giá, giữ mức 5.000 đồng/bát. 

Đỗ Thu Nga
08:00 06/04/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nếu là người am hiểu về ẩm thực, được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại phở khác nhau thì chắc hẳn bạn biết rất rõ, giờ chẳng còn mấy quán bán 1 bán phở với giá rẻ hơn 20.000 đồng. Nếu có thì cũng thuộc hàng cực kỳ hiếm. 

Ấy vậy mà ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định) vẫn còn 1 quán phở đi ngược lại xu hướng tăng giá. Suốt 18 năm qua, họ vẫn giữ nguyên giá, mỗi bát phở chỉ 5.000 đồng. Dù đông khách hay vắng khách, chị  chủ vẫn nhất quyết không đổi giá. Bởi chị muốn "sinh viên, học sinh, người lao động, bất kỳ ai cũng đều có thể thưởng thức phở - món "quốc hồn quốc túy" của làng ẩm thực Việt.

Quan-pho-Nam-Dinh-5-000-dong-bat-18-nam-khong-doi-gia-0
Quán phở 5.000 đồng của chị Chung rất nổi tiếng ở TP Nam Định

Theo Dân trí, đó là quán phở của chị Nguyễn Thị Chung, nằm trong con hẻm nhỏ trên đường 19/5, phường Tế Xương, TP Nam Định. Quán mở từ năm 2005, đến nay đã gần 16 năm nhưng vẫn giữ nguyên giá 5.000 đồng/bát - mức giá mà nhiều thực khách gọi là "rẻ như cho".

Quán phở của chị Chung nhỏ chừng 20m2 với vài bộ bàn ghế đơn sơ, quầy đồ ăn đã cũ... nhưng lại trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân thành Nam. Thực khách đến ăn không chỉ vì giá rẻ mà còn bởi chị chủ quán quá đáng yêu. Lúc nào khách đến cũng vui vẻ, xởi lởi. 

Quan-pho-Nam-Dinh-5-000-dong-bat-18-nam-khong-doi-gia-9
Rất đông người đến ăn và trải nghiệm tại quán của chị Chung

Chia sẻ về quán ăn đặc biệt của mình với "Ở Đâu Ăn Gì", chị Chung cho biết: "Bát phở 5.000 đồng không có lãi nhưng mà một quả trứng thì lãi được 2.000 đồng, coi như là bù vào nhau. Mấy năm đầu bán giá 5.000 đồng, có khi bán chỉ 3.000 đồng. Nhưng theo thời gian thì giờ 5.000 đồng là mức tối thiểu, ngoài ra còn bán bát 10, 15, 20.000 đồng. Nhưng bát 5.000 ngày xưa giờ vẫn giữ nguyên giá 5.000 đồng, không bớt thịt hay bún".

Chị Chung tâm sự thêm: "Thực ra đến đây, khách ăn phở 5.000 đồng nhưng họ mua cả đồ ăn kèm. Mình bán với giá trẻ là để cho sinh viên, học sinh, người lao động nghèo ai cũng ăn được. Một tối bán 600 bát thì khoảng 350 bát là phở 5.000 đồng. Có lúc bán được tạ mốt, tạ hai bún. Đêm Noel còn bán được 155 cân bún. Nhiều đoàn từ Hà Nội về ghé vào ăn để trải nghiệm. Hầu như quán lúc nào cũng đông nghịt khách".

Quan-pho-Nam-Dinh-5-000-dong-bat-18-nam-khong-doi-gia-7
Phở 5.000 đồng là món đắt nhất trong quán

Có những hôm đông khách quá mà quán lại nhỏ, chị Chung phải kê thêm bàn ra ngoài vỉa hè. Lúc cao điểm, khách đến phải chờ rất lâu mới có chỗ ngồi. Thỉnh thoảng có khách chờ không được nên "dỗi" bỏ về. Nhưng hôm sau họ lại tới. 

Dù giá 5.000 đồng nhưng bát phở vẫn đầy đặn gà xé, chả lá lốt. Nếu muốn, khách có thể gọi thêm mọc, trứng trần... Chị Chung chia sẻ, vì lúc nào cũng bán với giá "rẻ như cho" nên hầu như không có tiền xây sửa lại quán. Kể cả khách mỗi lúc một đông hơn, quán vẫn chỉ hoạt động trong không gian bé nhỏ vậy, xếp được vài bộ bàn ghế đơn sơ. Nhưng cũng vì vậy mà không gian thêm phần mộc mạc, giản dị, tạo vẻ gần gũi, quen thuộc với nhiều người dân thành Nam hơn. 

"Nhiều người nghi ngờ vợ chồng tôi làm ăn giả dối mới có mức giá đó nhưng thật tình là không phải. Người ta bán giá cao thì lãi nhiều, tôi bán giá này thì lãi ít. Chủ yếu lời lãi nằm ở việc bán thêm những quả trứng vịt lộn, những chai nước ngọt, cháo gà, gà tần… cùng tích cóp lại thì mới có thể tồn tại và có lời được. Nhờ đó gia đình tôi mới đủ trang trải cuộc sống và trả lương cho người làm", chị Chung bày tỏ.

Quan-pho-Nam-Dinh-5-000-dong-bat-18-nam-khong-doi-gia-00

Chị Chung từng khẳng định khi được báo đài phỏng vấn: Phở 5.000 đồng trong tương lai sẽ tiếp tục giữ giá này chứ không tăng. Bởi đây đã là thương hiệu của quán. Nếu nguyên liệu có đắt hơn, chị sẽ điều chỉnh lượng đồ ăn ít đi một chút, nhưng quyết không để mất thương hiệu.

Ở tại TP Hồ Chí Minh cũng có một người đàn ông bán hàng với cái tâm thương người dân nghèo. Đó là ông Lê Công Minh (69 tuổi, chủ quán cháo) cho biết: “20 năm trước, tôi chỉ bán 500 đồng/tô cháo trắng thôi. Bán như vậy để mọi người ai cũng được ăn no. Tôi từng đi làm cực khổ để làm ra đồng tiền nên nếu giúp mọi người tiết kiệm được đồng nào thì tôi luôn cố gắng làm hết sức. 

Quan-pho-Nam-Dinh-5-000-dong-bat-18-nam-khong-doi-gia-5
Ngoài cháo, hai ông bà còn bán thêm nhiều đồ ăn kèm khác

Bây giờ, chúng ta gần như không thể làm gì với 1000-2000 đồng. Thậm chí, nếu tờ tiền này có rơi ngoài đường, nhiều người cũng không thèm nhặt. Nhưng ở đây, 1000-2000 đồng lại có thể mua được một bữa ăn no. Chúng tôi vẫn gọi vui quán là điểm bao no cho người nghèo".

Những quán ăn ở trên đều có một điểm chung đặc biệt, đó là tình thương người. Dù bán ở đâu, món gì thì điều mà họ quan tâm nhất vẫn là làm sao để giúp cho tất cả mọi người khi đến quán đều được vui vẻ, no bụng. Tình cảm đó rất đáng được trân trọng. 

Xem thêm: 10x Gia Lai say mê cống hiến tuổi thanh xuân vì cộng đồng: Nếu mình cho đi, giúp được gì cho ai đó dù lớn hay nhỏ đều rất ý nghĩa

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận