Phạm Hy Hiếu - 9x Việt duy nhất khiến Google nhận ra "họ đã sai" trong chính sách tuyển dụng, thu hút nhân tài

Sau 1 lần bị Google đánh trượt, Phạm Hy Hiếu đã gửi thư cho "gã khổng lồ" chỉ ra "cái sai" của họ trong chính sách tuyển dụng. Cho đến khi Google "sửa sai" Hiếu mới "đầu quân".

Đỗ Thu Nga
10:16 09/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bên cạnh danh sách bình chọn 30 Under 30 năm 2018, Forbes còn đặc biệt chú ý đến 10 gương mặt bước đầu hứa hẹn triển vọng tiến xa trong lĩnh vực họ đang làm. Một trong số đó là Phạm Hy Hiếu (sinh năm 1992) - chàng tiến sĩ trẻ quen mặt trong làng toán học Việt Nam.

Hiện Phạm Hy Hiếu tập trung nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, tham gia chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ CMU. Theo Forbes, từ 2015-2017, Hiếu công bố 6 báo cáo khoa học trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy học với 630 lần được trích dẫn.

9x mê toán, ăn ngủ với toán

Phạm Hy Hiếu sinh năm 1992 tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm lớp 4, Hiếu đã bắt đầu thích toán. Nhưng 4 năm trung học, cậu tự nhận mình kém nhất lớp môn này. Chính vì kết quả học tập không tốt nên bố Hiếu không thích con cố gắng thi vào trường Phổ thông năng khiếu và khuyên nên học trường thường.

Với sự quyết tâm cao, Hiếu đã thi đỗ trường phổ thông năng khiếu và khi gặp được thầy cô đã khởi dậy trong Hiếu niềm đam mê toán học. Với Hiếu, lúc này việc giải toán là điều mang lại nhiều hứng thú nhất. Hiếu từng chia sẻ rằng, mỗi lần giải được bài toán khó đều cảm giác thỏa mãn giống như người khác bứt phá được một kỷ lục nhảy cao hoặc chạy nước rút.

Hiếu học toán cũng có kế hoạch cụ thể, cũng đặt ra mục tiêu nhất định. Vào năm lớp 10, Hiếu giành được huy chương vàng Olimpiad 30/4, huy chương bạc Singapore Mathematical Olimpiad, giải khuyến khích HN-AMS Olimpiad. Sang năm lớp 11, Hiếu đạt giải 3 quốc gia môn toán, huy chương bạc toán Olympic quốc tế IMO 2009 và nhiều giải thưởng khác.

Pham-Hy-Hieu-va-moi-luong-duyen-voi-ga-khong-lo-Google-3
Phạm Hy Hiếu tại vòng chung kết thế giới cuộc thi lập trình quốc tế ACM ICPC ở Nga hồi 6/2014

Khi ấy, ước mơ của Hiếu là được nhận vào 1 trường ĐH nào đó ở Mỹ với chuyên ngành toán ứng dụng. Sau đó chuyển hướng sang tài chính cũng như cố gắng lấy bằng tiến sĩ trước năm 30 tuổi. 

Tấm huy chương bạc Olympic quốc tế môn Toán năm 2009 đem lại học bổng toàn phần tại ĐH Quốc gia Singapore cho Phạm Hy Hiếu. Thế nhưng, Hiếu từ chối để luyện thi TOEFL và SAT xin học bổng tại Mỹ.

Năm 2011, Hiếu được 5 trường đại học nổi tiếng ở Mỹ thông báo nhập học. Cuối cùng cậu quyết định chọn ngành khoa học máy tính của ĐH Stanford với học bổng toàn phần cho cả 4 năm học tại đây.

Để có suất học bổng này, Hiếu đã phải đánh đổi thời gian để học tiếng Anh, kỹ năng Toán bị hao mòn. "Mỗi ngày, để nạp thêm 30 từ vựng SAT thì tôi lại quên mất một phương trình toán học. Đến khi bước vào Stanford, tôi mang một cái đầu trống rỗng và một trái tim đã nguội lạnh đam mê", Hiếu từng chia sẻ.

Giết chết đam mê này để tìm một đam mê khác

Con đường đến Stanford của Hiếu không trải đầy hoa hồng. Thời gian đầu Hiếu không thích học bất cứ môn nào, kể cả Toán. Anh hứng thú với việc tham gia các cuộc thi mang tính Olympic nhưng lại rất hiếm tại bậc học Đại học. Từ đó Hiếu chuyển qua các cuộc thi lập trình trong đó có cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC. Nhóm của Hiếu đoạt giải nhì khu vực Bắc Thái Bình Dương năm 2012.

Từ đây Hiếu xác định được việc mình thích tin học hơn toán nên anh tập trung vào việc học tập nghiên cứu đồng thời tìm hiểu để được vào thực tập tại các công ty lớn như Google, Facebook, Microsoft, Apple, Snapchat, Whatsapps.

Pham-Hy-Hieu-va-moi-luong-duyen-voi-ga-khong-lo-Google-8
Phạm Hy Hiếu báo cáo tại một sinh hoạt học thuật khi còn là sinh viên tại ĐH Stanford

Năm thứ 2 đại học, Hiếu trượt phỏng vấn thực tập sinh của Google nhưng không nhận ra với lý do thiếu kinh nghiệm và không hợp với đề án. Điều này khiến anh tổn thương. Anh cho rằng, lý do từ chối quá cảm tính và quyết tâm sẽ cho Google nhận ra sai lầm của họ.

Năm thứ 3, Google quay lại mời Hiếu thực tập nhưng anh từ chối. Khoảng 1 năm sau, Hiếu được Google mời làm việc chính thức. Lần này anh vẫn từ chối vì chính sách của "gã khổng lồ" tìm kiếm với thực tập sinh vẫn như cũ.

Trong thời gian này, Hiếu được một công ty chuyên làm phần mềm ảo có tên Vmware nhận thực tập và thay đổi quan điểm về khoa học máy tính của anh. Theo đó máy tính và các kỹ thuật lập trình để phục vụ cuộc sống con người thay vì giải quyết những bài toán nặng về đánh đố. Từ đó Hiếu chọn hướng đi tập trung vào trí tuệ nhân tạo. Luận văn của anh được giải thược Luận văn khoa học máy tính xuất sắc nhất cả Đại học Stanford.

9X Việt duy nhất khiến Google nhận ra "họ đã sai"

Tốt nghiệp Đại học Stanford, Hiếu nhận được lời mời làm việc của “các ông lớn”: Apple, Facebook, Microsoft và Google. Các công ty này mời Hiếu về làm việc đều đưa ra mức lương “sáu con số”, đặc biệt Apple còn cho phép Hiếu được mua các sản phẩm của công ty với giá 25% ưu đãi suốt đời, nhưng cậu đã lần lượt từ chối tất cả. 

Hiếu từng tâm sự, anh đã từ chối vì nó chưa đúng với ước mơ và khát khao cống hiến của bản thân. “Ở Apple, Facebook hay Microsoft nghiên cứu nhiều công nghệ tiên tiến giúp máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người, tuy nhiên các nhân viên của họ đều phải ký một giao ước rằng không bao giờ được công bố các phát minh của mình ra bên ngoài công ty. Tôi muốn những nghiên cứu của mình đến được với cả thế giới, muốn mọi người có thể trực tiếp sử dụng và phát triển các nghiên cứu đó xa hơn, rộng hơn”, Hiếu chia sẻ. 

Pham-Hy-Hieu-va-moi-luong-duyen-voi-ga-khong-lo-Google-0
Phạm Hy Hiếu (đầu tiên bên phải) cùng các đồng nghiệp người Việt tại Google năm 2019

Còn với Google, Hiếu đã nhiều lần từ chối. Mỗi lần từ chối Google, Hiếu lại gửi một tâm thư cho công ty, chỉ ra các điểm anh cho là vô lý trong chính sách tuyển dụng của họ. Mãi đến tháng 3/2016, ở lần thứ 3 ngỏ lời, sau khi biết Google đã thay đổi chính sách, Hiếu mới đồng ý làm việc tại Google Brain - nhóm nghiên cứu chuyên phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo trên dữ liệu lớn.

“Ngôn ngữ là một điều kỳ diệu. Nó cho phép chúng ta biểu đạt những tư duy phức tạp bên trong não bộ của mình một cách phổ quát, ai ai cũng hiểu được. Mình đang tập trung giải quyết một trong những thử thách lớn nhất của trí tuệ nhân tạo là làm cho máy tính hiểu được ngôn ngữ của con người và giao tiếp trở lại”, Hiếu chia sẻ.

Hiện Phạm Hy Hiếu đang theo học chương trình tiến sĩ của ĐH Carnegie Mellon (CMU) với học bổng toàn phần. Đây là một trong 4 trường đào tạo về khoa học máy tính hàng đầu của Mỹ cũng như thế giới (ĐH Stanford, ĐH UC Berkeley và Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT).

Xem thêm: 9x bỏ lương 6.000 USD/tháng ở Google về nước khởi nghiệp: Ở trời Tây sống như thiên đàng, nhưng vẫn chọn trở về

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận