Nghị lực sống và lòng nhân ái: Nữ giám đốc mắc bệnh xương thủy tinh hết mình giúp đỡ người khuyết tật

Không chỉ vượt nghịch cảnh, vươn lên để làm giàu, nữ giám đốc mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Hương còn tạo môi trường làm việc, giúp đỡ người khuyết tật. 

Đỗ Thu Nga
08:00 13/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chị Nguyễn Thị Thu Thương, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade, sinh năm 1983 tại xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Chị có bố là công nhân một công ty xây dựng, mẹ làm nông nghiệp thuần túy kiêm thợ may. Không được may mắn như ba chị em còn lại trong gia đình, ngay từ khi sinh ra, Thương đã bị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Cô không thể ngồi hay đứng mà chỉ nằm và lăn tròn như đứa trẻ. Chỉ cần va đập mạnh, xương của cô có thể bị gãy và đã biết bao lần, sự đau đớn từ va đập đó hành hạ cô, thậm chí, khiến cô phải nằm bất động nhiều tháng.

Không thể theo chúng bạn cắp sách tới trường nhưng Thương không đầu hàng số phận. Cô muốn mẹ dạy chữ để biết đọc, biết viết, rồi được các anh chị tình nguyện viên đến dạy cho học thêm văn hóa.

Năm 1995, cả gia đình Thương chuyển lên phố Lương Định Của (Đống Đa, Hà Nội). Cuộc sống khó khăn, lương ba cọc ba đồng của người bố không đủ trang trải tiền thuốc thang chạy chữa cho con. Mẹ Thương chạy đôn chạy đáo bám chợ lo ăn từng bữa. Hoàn cảnh đã khiến Thương thêm suy nghĩ. Đã nhiều lần Thương khóc vì thương mẹ. Làm gì đây để “đứng” vững và “bước đi” được trên chính đôi chân vốn chưa một lần biết đi?

nu-giam-doc-mac-benh-xuong-thuy-tinh-het-minh-giup-do-nguoi-khuyet-tat-9
Nữ giám đốc.. 80cm

Năm 2005, một ý nghĩ táo bạo lóe lên trong đầu Thương là xin mẹ học lấy một  nghề phù hợp để có thể phụ giúp thêm cho gia đình bởi nhà còn hai đứa em đang tuổi ăn học. Thương con nên bà Viên cũng chẳng đành ngăn cản. Nhưng học gì đây? Cố tìm cho con một nghề để học, nhưng trong thâm tâm bà cũng chẳng hy vọng gì ở con. Thương nhớ lại, năm đó mẹ chở đến Trung tâm “Vì ngày mai” ở quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, lần đầu tiên Thương được tiếp xúc học nghề với các công việc nhẹ nhất và phù hợp là làm những chiếc lọ hoa, đèn bàn bằng khuy áo, đan những túi đựng điện thoại, những chiếc khăn bằng len.

Sau lần đầu tiên ấy, Thương tỏ ra rất thích thú với mấy món nghề này. Cô hì hục, cả ngày vật lộn với những cuộn len to hơn cả cánh tay mình. Đôi bàn tay bé nhỏ ấy ngày càng khéo léo, những đường kim mũi chỉ dường như mềm mại hơn rất nhiều. 5 tháng học việc tại trung tâm, Thương đã tự tay mình hoàn thành được một số sản phẩm theo ý muốn. Những sản phẩm ban đầu của Thương tuy chưa đẹp lắm nhưng trong đó chứa đựng cả một ý chí, sự kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Từ ngày học được nghề, Thương như lạc quan hơn, mọi thứ xung quanh đều là màu hồng. Cả ngày cô làm bạn với những cuộn chỉ, vải vóc, kéo và giấy… Cái gì chưa làm xong cô quyết làm cho bằng được. Nhiều đêm Thương thức trắng làm việc, dù bố mẹ can ngăn.

Những sản phẩm do chính tay Thương làm ra, ban đầu chỉ với ý định mang đi để trang trí quanh nhà, nhất là căn phòng riêng do chính chủ nhân làm ra nó. Thương lại tự mày mò làm những sản phẩm bằng giấy như thiệp, làm tranh từ giấy đẹp mắt và lạ lẫm. Mỗi lúc người thân đến chơi, Thương lại mang tặng họ một sản phẩm. Lâu dần, không ngờ những sản phẩm đẹp và lạ mắt, nhiều sản phẩm mang một ý tưởng độc đáo ấy lại được nhiều người tìm đến để đặt hàng và mua.

nu-giam-doc-mac-benh-xuong-thuy-tinh-het-minh-giup-do-nguoi-khuyet-tat
Không chỉ giúp mình mà chị Thương còn giúp được nhiều người khác

Có cầu sẽ có cung, đầu năm 2009, Thương bắt đầu nghĩ đến việc có thể làm những sản phẩm này đem bán. Để sản phẩm do mình làm ra được nhiều khách hàng biết đến, dù không qua một lớp đào tạo nào về tin học nhưng Thương đã tự mày mò, học hỏi và thành lập một trang web có tên là thuongthuong.net nhằm quảng bá sản phẩm của mình rộng khắp hơn. Thành công đã đến với chị, thông qua trang web này, nhiều khách hàng đã biết đến Thương. Có nhiều khách hàng sau khi đến tận nhà, họ không tin rằng những sản phẩm ấy là do chính đôi bàn tay của chị làm nên. Không chỉ có khách trong nước, những bạn hàng, những vị khách châu Âu, châu Á, châu Mỹ cũng tìm đến với chị. Cũng chính từ đây, Thương ngày càng có nhiều khách hàng.

Điều đáng nói là website thuongthuong.net trở thành nhịp cầu miễn phí cho người khuyết tật quảng cáo sản phẩm và là diễn đàn chia sẻ niềm tin cuộc sống. Đến nay, website đã thành nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng do người khuyết tật làm ra.

Tháng 4 năm 2012, chị cùng một số bạn trẻ vận động gây Quỹ Thương Thương và mở lớp dạy nghề miễn phí cho 5 người.

Ngày 16/3/2014, chị thành lập Trung tâm Dạy nghề và Tạo việc làm Thương Thương tại thôn Nam Phú, xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật. Sản phẩm của công ty là những món quà tặng lưu niệm trang trí thủ công làm bằng giấy, những bức tranh phong cảnh đất nước, con người Việt Nam, hộp đựng trang sức, hộp đựng danh thiếp. Lúc đầu, thu nhập của các lao động là người khuyết tật tại Trung tâm chỉ từ 1,4 - 2 triệu đồng; đến nay, Trung tâm đã giúp cho 20 người khuyết tật có việc làm, hỗ trợ ở miễn phí, với thu nhập trung bình là 3 triệu đồng, thậm chí có người được trên 5 triệu đồng một tháng.

Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương đã trở thành mái nhà thứ hai để những hoàn cảnh đặc biệt từ nhiều miền quê khác nhau tới làm việc và sinh sống.

Để bán sản phẩm, chị Thu Thương đã mở thêm Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Thương Thương Handmade. Những món đồ nhỏ xinh đậm nét văn hóa Á Đông của Thương Thương Handmade đã có mặt ở nhiều nơi và còn được Văn phòng Chính phủ lựa chọn để làm tặng phẩm đối nội và đối ngoại. Công ty bước đầu đã nhận được một số đơn hàng từ Czech, New Zealand, Ấn Độ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, cũng như nhiều doanh nghiệp khác gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, để Thương Thương Handmade không bị ngừng trệ, chị đã tìm hướng đi mới để tồn tại. Cụ thể, lá chắn chống giọt bắn là sản phẩm được chị lựa chọn để sản xuất, kinh doanh, vì sản phẩm này phù hợp với khả năng, sức lao động của các bạn trong xưởng (đã sản xuất 10.000 cái). Hơn hết, họ muốn làm ra những sản phẩm hữu ích cùng cộng đồng chống dịch. Điểm đặc biệt nhất của những tấm lá chắn Covid-19 này là được làm từ chất liệu thân thiện môi trường và bán bằng giá thị trường. Sản phẩm do xưởng Thương Thương Handmade làm ra đã được nhiều người mua về sử dụng và chị cũng đã gửi tặng các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch 2.500 khẩu trang y tế và 120 chai xịt khuẩn.

Bên cạnh đó, chị Thương còn tham gia thực hiện Dự án Thương Thương Handmade hát vì người bệnh, cùng nhau tỏa sáng, chung tay góp sức vì cộng đồng, trao 40 suất quà gồm tiền mặt và nhiều vật phẩm khác cho bệnh nhân khó khăn tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Chị cũng trích doanh thu bán hàng để đi làm từ thiện, tặng quà cho người nghèo và cho các cơ sở nuôi người khuyết tật khác. Thương đã trở thành người chị cả truyền thêm nghị lực sống và vươn lên cho các em, để các em sẵn sàng hòa nhập vào cộng đồng lớn cuộc đời.

Bản thân chị Nguyễn Thị Thu Thương đã được Trung ương Đoàn trao Bằng khen Gương Thanh niên Thủ đô làm kinh tế giỏi năm 2014, góp mặt trong chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt tôn vinh “Tấm gương nghị lực” năm 2014. Chị cũng được nhận giải thưởng “Tầm nhìn Phụ nữ” (Women Vision Award) 2015 do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế Hà nội HIWC trao tặng). Chị cũng được tặng danh hiệu “Anh hùng thầm lặng” của Tập đoàn Microsoft; được tặng Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Hà Nội. Chị cũng nằm trong top 24 gương mặt Hạt giống tâm hồn Việt Nam.

Xem thêm: Nghị lực sống và lòng nhân hậu: Lan tỏa tinh thần tích cực từ người phụ nữ khuyết tật ở xứ Thanh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận