Nghị lực sống và lòng nhân hậu: Lan tỏa tinh thần tích cực từ người phụ nữ khuyết tật ở xứ Thanh
Luôn lạc quan, giàu nghị lực và ý chí vươn lên, đó là phương châm sống của người phụ nữ khuyết tật Lê Thị Thuận, 63 tuổi, thôn Viên Khê 1, xã Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa).
Theo cán bộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, chúng tôi tìm đến nhà cô Lê Thị Thuận ở thôn Viên Khê 1. Ấn tượng đầu tiên về cô Thuận chính là một người phụ nữ tự tin, năng động. Cô cho biết: “Một chân bị tật không thể làm nhụt đi ý chí, tinh thần của mình. Tôi vẫn tìm việc làm, tìm niềm vui cho mình, cho những người khó khăn, khuyết tật như mình để cùng dựa vào nhau, cùng mang hạnh phúc cho nhau”.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại huyện Đông Sơn. Cuộc sống của cô tuy có phần vất vả nhưng tương đối ổn định, hạnh phúc bên gia đình, chồng con. Nhưng bất ngờ tai ương ập đến, cô Thuận không may bị tai nạn giao thông. Hậu quả của vụ tai nạn khiến cô bị liệt một chân. Hoang mang, suy sụp, đó là cảm giác khi không thể di chuyển bằng đôi chân bình thường như trước. Tưởng chừng số phận mình phải gắn bó với đôi nạng, song, với nghị lực và ý chí vượt lên đau đớn, bệnh tật và luôn suy nghĩ làm sao để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ đã giúp cô rời bỏ đôi nạng, tự đi lại được dù vẫn còn gặp khó khăn.
Với tinh thần “tàn nhưng không phế”, cô Thuận vừa điều trị vừa tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương. Cô chuyển sang làm tại hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của địa phương. Chứng kiến cảnh người khuyết tật khó khăn, vất vả mưu sinh, thương cảm và hiểu được những khó khăn trong cuộc sống mà người khuyết tật phải trải qua, cô Thuận đã tìm tòi, học hỏi các ngành nghề phổ thông với mong muốn người khuyết tật sẽ có việc làm, có thu nhập để cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Thời gian đầu cô đã thành lập tổ đan lát và vận động những người khuyết tật tham gia. Không ngại khó khăn, cô tập tễnh đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh để đấu mối với các công ty, doanh nghiệp mở các lớp/đợt đào tạo nghề cho người khuyết tật. Nghị lực vượt lên số phận cùng sự nhiệt tình của cô Thuận đã lan tỏa trong cộng đồng, thu hút nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn tham gia tổ sản xuất. Đến năm 2016, cô Thuận thành lập doanh nghiệp “Tạo việc làm tươi sáng”, thu hút khoảng 70 người tham gia, có thời điểm thu hút khoảng 200 người tham gia. Đến nay, doanh nghiệp tạo việc làm cho 120 người, trong đó có 12 người khuyết tật. Trung bình mỗi người có thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Cô Nguyễn Thị Quế (60 tuổi, xã Đông Khê), người khuyết tật cho biết: “Từ khi tham gia sản xuất cùng chị Thuận, tôi có thêm thu nhập, giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn. Đặc biệt, tinh thần và nghị lực của chị giúp tôi lạc quan, vui vẻ hơn”.
Nghĩ về những tháng ngày lăn lộn khắp nơi, cô Thuận chia sẻ: “Doanh nghiệp của tôi đã làm rất nhiều nghề: may, đan lát, mây tre đan, làm chiếu, gắp mắt dứa. Nghề nào không hiệu quả, không phù hợp thì tôi lại tìm học nghề khác. Mặc dù thất bại cũng nhiều nhưng quan trọng, tôi và những người có hoàn cảnh khó khăn có động lực, niềm vui để sống”.
Không chỉ thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, cô Thuận còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển huyện Đông Sơn. Cô cùng với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện đã vận động người khuyết tật tham gia câu lạc bộ. Qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, cô đã động viên tinh thần, giúp đỡ người khuyết tật khó khăn trên địa bàn huyện tham gia học nghề, tìm kiếm việc làm, sống có ích hơn. Cùng với đó, cô Thuận cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội vươn lên trong cuộc sống.
Cô Trần Thị Oanh, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Đông Sơn, Phó Chủ tịch Liên chi hội người khuyết tật tỉnh, cho biết: Cô Thuận là một người khuyết tật tiêu biểu, luôn nỗ lực vượt qua trở ngại, khó khăn. Tinh thần và ý chí vượt khó đã giúp cô vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, tạo nguồn thu, tiếp thêm tinh thần, nghị lực phấn đấu cho người khuyết tật nói riêng và người dân địa phương nói chung. Cô Thuận xứng đáng là tấm gương người khuyết tật nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để những người khuyết tật khác học tập, noi theo. Để tiếp tục tạo điều kiện cho cô Thuận và người khuyết tật ở địa bàn cải thiện, nâng cao đời sống, thời gian tới, hội tiếp tục tuyên truyền, vận động xã hội hóa hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật. Qua đó, giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống bằng chính nghị lực, khả năng của mình.
(Theo Báo Thanh Hóa)
Đọc thêm
Giúp mình và giúp người khó khăn thoát nghèo là tinh thần mà chị Ngô Thị Bích Huyền đã làm dù bản thân bị khuyết tật đôi chân.
Cô gái "tí hon" Phạm Thị Kim Anh vừa tốt nghiệp xuất sắc ngành Công tác xã hội, Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), là một cô gái luôn biết vươn lên trong học tập và giàu nghị lực sống.
Anh Bình bị ảnh hưởng chất độ màu da cam nên đôi chân đi khập khiễng. Nhưng suốt nhiều năm qua, anh vẫn miệt mài làm từ thiện, mang niềm vui đến cho người khó khăn.
Bài mới

Với nam sinh Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.