"Quỷ vương" Lê Uy Mục: Bạo chúa hoang dâm vô độ, sát hại tổ mẫu, chết không toàn thây
Lê Uy Mục là vị vua tàn bạo nhất sử Việt, bị người đời gọi là "quỷ vương". Tội ác của ông chồng chất không có sách vở nào ghi hết được.
Lê Uy Mục lên ngôi thế nào?
Lê Uy Mục (5/5/1488 - 1/2/1509) đôi khi gọi là Mẫn Lệ công. Ông là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Lê Sơ. Ông được xem là vị hoàng đế tàn bạo, hoang dâm, nổi tiếng là một bạo chúa, người đời gọi là "quỷ vương".
Lê Uy Mục tên húy là Lê Tuấn, còn có tên khác là Lê Huyên hay Lê Nghị. Ông là con thứ 2 của vua Lê Hiến Tông, mẹ là Chiêu Nhân Duệ Hoàng hậu Nguyễn Thị Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, Bắc Giang. Ông cũng là anh thứ của vua Lê Túc Tông.
Lê Uy Mục lên ngôi vào ngày 22/1/1505 sau khi vua em là Lê Túc Tông lên ngôi năm 1504 - mất sớm ở tuổi 17. Việc lên ngôi của Lê Uy Mục được Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Tháng 12, năm 1505, ngày mồng 6, vua Lê Túc Tông sắc dụ triều thần là Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng và các quan văn võ rằng: Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham.
Con thứ 2 của Tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiền minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống, để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân.
Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn. Thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi.
Ngày mồng 7, vua ốm nặng. Ngày mồng 8, vua băng hà ở điện Hoàng Cực, có di chiếu cho các quan để tang theo đúng lễ cổ.
Ngày 18, trung quân đô đốc phủ tả đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Tông nhân lệnh Tự ân sứ Lê Năng Nhượng cùng các công, hầu, bá, phò mã, đô uý, các quan năm phủ, sáu bộ, Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm, Lục tự, Lục khoa, đề hình các quan 13 đạo, đến điện Hương Minh kính đón con thứ hai của Hiến Tông là Tuấn lên ngôi Hoàng đế. Đại xá, đổi niên hiệu lấy sang năm là năm Đoan Khánh thứ 1”.
Lê Hiến Tông chọn người kế vị xứng đáng bao nhiêu thì Lê Túc Tông lại có quyết định sai lầm, để rồi từ khi anh của ông là Lê Tuấn lên ngôi, vương triều Hậu Lê bắt đầu suy yếu nhanh chóng.
Giết tổ mẫu vì lý do không ngờ
Mặc dù được Lê Túc Tông chỉ định lên ngôi nhưng Lê Tuấn gặp phải sự phản đối của tổ mẫu (bà nội) Thái Lạc Thái hoàng thái hậu (Nguyễn Thị Hằng - vợ vua Lê Thánh Tông) và một số triều thần vì không tin tưởng giao phó việc nước vào tay một người có tư cách đạo đức không tốt.
Một lý do khác, Trường Lạc Thái Hoàng thái hậu cho rằng, Lê Tuấn có người mẹ xuất thân nô tì hèn kém, không thể "nối đại thống được", vì thế bà muốn lập Lã Côi Vương làm vua.
Bấy giờ Kính phi Nguyễn (mẹ nuôi của Lê Tuấn) lập kế cùng hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi lừa Thái Hoàng Thái hậu ra khỏi cung sau đó đóng chặt các cửa thành lại, gọi triều thần đến tuyên di chiếu của Túc Tông rồi lập Lê Tuấn làm vua. Hay tin, bà hoàng Trường Lạc đành chấp nhận sự việc đã rồi.
Sau khi lên ngôi, Lê Tuấn lấy niên hiệu Đoan Khánh (sử thường gọi là Lê Uy Mục). Vì căm giận chuyện cũ mà Lê Uy Mục sai người bí mật giết tổ mẫu rồi dâng thụy hiệu là Huy Gia Tĩnh mục Ôn cung Nhu thuận Thái hoàng thái hậu; sau đó vua còn giết cả những đại thần từng phản đối không muốn đưa mình lên ngôi như Nguyễn Quang Bật, Đàm Văn Lễ...
Hôn quân bạo chúa giết người không ghê tay
Trong thời gian 5 năm làm vua (1505-1509), Lê Uy Mục trở thành một hôn quân bạo chúa, tàn bạo và hoang dâm, chủ trương giết hại từ tôn thất gồm 26 thân vương là các chú và anh em, rồi đến nô tì người Chiêm trong các điền trang của các thế gia, công thần cũng không toàn mạng sống; bề tôi có công tôn lập là hoạn quan Nguyễn Nhữ Vi về sau cũng bị giết.
Sử sách có chép, đêm nào Lê Uy Mục cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết. Phó sứ thần nhà Minh là Hứa Thiên Tích khi sang nước ta, trong tướng mạo nhà vua đã làm thơ gọi Lê Uy Mục là vua quỷ (Quỷ vương): “An nam tứ bách vận vưu trường/Thiên ý như hà giáng quỷ vương?” (Nghĩa là: Vận An Nam còn dài bốn trăm năm/ Ý trời sao lại sinh ra vua quỷ?). Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết:
“Vua thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Qủy vương, điềm loạn hiện ra từ đấy”.
Lê Uy Mục hoang dâm tàn ác đến mức những người hầu hạ trong nội dung, các phi tử đầu ấp tay gối cũng bị giết. Sở thích giết người của vua Lê Uy Mục khiến cho ai cũng kinh sợ. Nhưng vì quyền uy quyền tối thượng của vua, nên không dám chống đối, hay tìm cách trốn tránh.
Thú vui giết người của Lê Uy Mục còn được thể hiện thông qua việc vua ra lệnh giết hết những người thời đó bị bắt làm gia nô trong các điền trang của các thế gia, công thần. Vì mải mê hành lạc và thỏa mãn những sở thích quái đản của mình, vua Lê Uy Mục không hề chăm lo đến việc nước.
Lê Uy Mục chỉ tin tưởng, giao quyền hành cho những người trong họ hàng bên vợ và bên mẹ. Vậy nên, lúc bấy giờ, quyền binh trong triều đều rơi vào tay ngoại thích. Mặt đông thì ngoại thích ở Hoa Lăng, quê của cha nuôi. Mặt Nam có ngoại thích ở Nhân Mục, quê của vợ vua. Mặt Bắc có ngoại thích Phù Chẩn, quê của mẹ vua. Bọn ngoại thích cậy quyền của mua mà ức hiếp trăm quan, nghìn dân. Kẻ thì vì ý riêng mà giết hại sinh dân. kẻ thì dùng ngón kín mà yêu sách tiền của.
Mọi thứ súc vật, hoa màu của dân, chúng đều cướp đoạt cả. Nhà nào có đồ lạ, vật quý, chúng đánh dấu chữ vào và đòi lấy. Muôn dân ta oán mà vua vẫn không chừa, lại mang lòng ngờ vực, đố kỵ.
Các quan nào ngày trước không lập mình, thì thường giết đi. Rồi chúng tìm mọi mánh khóe để lấy của báu trong thiên hạ. Ác độc hơn, chúng giết hại sinh dân, tước đoạt của cải trong dân gian. Thêm vào đó, lúc bấy giờ bọn ngoại thích là Khương Chủng và Nguyễn Bá Thắng tự tiện làm oai làm phúc, quyền thế nghiêng lệch trong triều ngoài trấn, dân chúng không dám cất tay động chân…
Sau này, bọn Thừa Giáo, Thừa Nghiệp đi đường, quan viên và dân chúng trông thấy chúng từ xa một dặm đã phải chạy trốn vào các nhà ở phố xá hàng chợ, đợi chúng đi qua rồi mới dám ra.
Nguyễn Đình Khoa ngầm sai người đến Thừa Hiến phủ huyện các xứ trong nước, tới cả dân gian, cưỡng bắt những cô gái chưa chồng, làm khốn khổ nhân dân, khắp nước mất hết hy vọng. Dân đau khổ, kêu than, oán hờn mà vua không biết, vẫn tiếp tục ăn chơi, hưởng lạc và bỏ mặc triều chính.
Không những ăn chơi, hoang dâm vô độ, Lê Uy Mục còn nghi kỵ tông thất, giết cả anh em cha chú của mình, từ quần thần đến người thân thích đều sơn hãi càng quyết tâm diệt kẻ tội đồ.
"Quỷ vương" Lê Uy Mục chết không toàn thây
Năm 1509, em họ Lê Uy Mục là Giản Tu công Lê Oanh liên kết với đại thần Nghĩa quận công Nguyễn Văn Lang phất cờ nổi dậy ở Tây Đô (Thanh Hóa), dẫn binh tới Đông Kinh, đánh bại tất cả các đạo quân do Lê Uy Mục gửi đến.
Lê Oanh vào kinh bắt giam Lê Uy Mục. Lúc này, quỷ vương phải uống thuốc độc tự sát. Giản Tu công Lê Oanh căm hận Uy Mục giết hại tàn nhẫn gia đình mình, chưa nguôi giận, sai người dùng súng lớn, để xác Uy Mục vào miệng súng, rồi bắn cho nổ tan hết hài cốt chỉ lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng tại làng Phù Chẩn (nay là xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh).
Điều đáng nói, diệt trừ Lê Uy Mục tàn ác xong thì Giản Tu công tự lập làm vua, tức vua Lê Tương Dực - vị vua thứ 9 của nhà Hậu Lê. Song Lê Tương Dực cũng bị xếp vào diện bạo chúa.
Khoảng thời gian đầu lên ngôi, Tương Dực tỏ ra mình là một vị minh quân, nhưng càng về sau ông càng sa đà vào việc chơi bời xa xỉ, trụy lạc, bỏ bê việc nước.
Ông ra lệnh cho xây Cửu trùng đài hao tổn tiền của, dân làm trong mấy năm trời không xong, chết hại nhiều vô số; Cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở hồ Tây; Cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm.
Lê Tương Dực hoang dâm, chơi bời khiến triều chính rối ren, loạn lạc xảy ra khắp nơi trong nước. Quận công Trịnh Duy Sản đã giả mượn tiếng đi đánh giặc để đem binh vào cửa Bắc Thần giết Lê Tương Dực, chấm dứt 7 năm cầm quyền.
Xem thêm: Cái chết đầy nghi vấn sau 8 tháng đăng cơ của vị hoàng đế triều Nguyễn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận