Nghệ thuật quân sự “tâm công kế” của Nguyễn Trãi: Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn

Thay vì tàn sát kẻ thù trên sa trường, Nguyễn Trãi đánh giặc bằng nghệ thuật "tâm công" - đem nhân nghĩa để thắng hung tàn. 

Đỗ Thu Nga
11:00 14/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Trãi (1380 – 19 tháng 9 năm 1442) hiệu Ức Trai, tổ tiên ông ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là 1 trong số ít những nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Vai trò của ông không khác gì Khổng Minh Gia Cát Lượng ở Trung Quốc, Đào Duy Từ của chúa Nguyễn. Dù không trực tiếp cầm quân trên sa trường nhưng những tư tưởng quân sự của ông có tác động vô cùng to lớn đến kết cục của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.

Tư tưởng quân sự xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của Nguyễn Trãi là "trọng nhân nghĩa". Đó là nghệ thuật quân sự tốt đẹp của ông cha ta. Trong các tác phẩm còn lưu lại đến hôm nay thì chữ "nhân" đã được Nguyễn Trãi nhắc đến 59 lần và chữ "nghĩa" là 81 lần. Tổng cộng hai chữ "nhân" - "nghĩa" được ông sử dụng đến 140 lần.

nguyen-trai-va-nghe-thuat-lay-nhan-nghia-de-thang-hung-tan-7
Tranh vẽ Nguyễn Trãi

Kể tội giặc Minh làm khổ dân Việt bằng ngòi bút

Tháng 11/1406, quân Minh vượt biên tiến vào Đại Việt. Đến tháng giêng năm sau thì chiếm được Đông Đô (Hà Nội). Chế độ thống trị của quân xâm lược hà khắc khiến nhân dân rơi vào cảnh lầm than, oán thán.

Trong Bình Ngô đại cáo (bản dịch của Ngô Tất Tố) viết: "Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa/Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ. Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế/ Gây thù kết oán trải mấy mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả đất trời/ Nặng thuế khóa sạch không đầm núi... độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội/ Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi".

Vậy "nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn" là thế nào? Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép: Khi thắng quân hậu Trần, tướng nhà Minh là Trương Phụ cho quân gây ra nhiều tội ác trên đất Việt. "Trương Phụ thắng trận, đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc xếp thây người làm quả núi, hoặc bồn ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui".

Bào lạc có nghĩa là gì? Bào lạc do vua Trụ thời nhà Thương nghĩ ra. Hình phạt này được miêu tả như sau: Dùng cái cột đồng bôi mỡ sẵn, hơ lửa nóng, xung quanh cột đồng đều có lửa đốt. Bọn hung ác bắt người ta đi trên cột đồng, nếu rơi xuống thì rơi vào đống lửa. Chúng thấy thế thì cười hả hê.

nguyen-trai-va-nghe-thuat-lay-nhan-nghia-de-thang-hung-tan-6
Hình ảnh vua Lê Lợi và Nguyễn Trãi

"Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ" là thế nào? Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép về tội ác của Trương Phụ như sau: "Có người theo lệnh giặc, mổ bụng người đang chửa, cắt lấy hai tai của mẹ và con dâng lên cho giặc". 

Khâm định Việt sử thông giám cương mục giải thích việc "cắt 2 tai" như sau: "Đời cổ, binh sĩ đi đánh trận khi giết được địch thì xẻo lấy bên tai trái của địch, dâng lên chủ súy để tính công, cứ mỗi cái tai tính là một mạng. Ở đây, quân của Trương Định mổ bụng người có chửa, xẻo lấy tai mẹ và tai con (đều tai trái) dâng lên cho Phụ; đang cả tai mẹ và tai con như thế, vừa tỏ ra là tay giết người táo bạo, vừa được tính là hai mạng người".

Nguyễn Trãi căm thù quân giặc đến tận xương tận tủy. Sự căm thù ấy đã được hoa chuyển hóa dưới ngòi bút thành những áng văn sắc lẹm, tố cáo tội ác của kẻ thù. Trong Quân trung từ mệnh tập, ông từng viết: "... Chuyện chém giết để thị uy, coi mạng người như cỏ rác. Trói bắt vợ con của dân ta, cuốc đào lăng mộ của nước ta. (...) Chính thì hà khắc hình thì thảm thương, dân chẳng nhờ đâu để sống. Kẻ vô tội kêu trời oán trách, người trung nghĩa nghiến răng căm hờn, đều muốn liều chết diệt giặc". 

Lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn

Cuộc đời Nguyễn Trãi như hòa vào bối cảnh đau thương của nhân dân. Ông cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau của người Việt và sự tàn ác đến rợn người của quân Minh. Khi giặc Minh chiếm đóng đất nước, cha con Hồ Quý Ly bị đưa sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi và cha buộc phải lưu vong. Nhưng theo truyền thuyết thì theo lời khuyên của cha (người luôn mong Nguyễn Trãi có tương lai rực rỡ), Nguyễn Trãi đã bước lên con đường trở về quê hương, nuôi mộng lớn thay vì theo cha làm tròn chữ hiếu.

Năm 1417, ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn (lúc này mới 37 tuổi). Nhận thấy Nguyễn Trãi là người học rộng, mưu cao, Lê Lợi đã dùng ông làm quân sư cho chính mình. Trong suốt cả thời kỳ kháng chiến (1418-1427), Nguyễn Trãi đã thay vua soạn thảo toàn bộ thư từ gửi cho các tướng lĩnh của giặc, các thuộc quan người Việt cũng như toàn thể dân chúng mà Lê Lợi đang muốn lôi kéo về phía mình. 

Đánh vào lòng người (tâm công kế) là chiến lược cơ bản đã được Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi trong Bình Ngô sách, góp phần quyết định vào cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Trong Ức Trai di tập, Nguyễn Trãi chỉ chú trọng "đánh vào lòng người". Tâm công kế là chủ trương đánh vào lòng địch với hai phương thức chủ yếu là dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ của địch và ngụy quân, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng, khi ưu thế thuộc về nghĩa quân thì dùng lý lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước. 

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã triệt để tiến công ngoại giao, kết hợp với đấu tranh quân sự. Khi quân địch bị dồn vào thế bất lợi, nghĩa quân Lam Sơn không tiến hành đánh địch ngay mà kết hợp giữa việc bao vây và kêu gọi kẻ địch đầu hàng. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh của Nguyễn Trãi.

Coi đánh vào tinh thần, tư tưởng quân địch, làm suy yếu ý chí chiến đấu của chúng, thực hiện "không đánh mà thắng". Đó là 1 trong những tư tưởng quân sự xuyên suốt và độc đáo nhất của Nguyễn Trãi. 

Với "tâm công kế", Nguyễn Trãi đã 5 lần trực tiếp vào thành quân MInh vận động chúng đầu hàng. Bản thân ông cũng đã nhân danh lê Lợi và nghĩa quân viết trên 60 bức thư cho các viên tướng chỉ huy của nhà Minh như Vương Thông, Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Dã Tung, Liễu Thăng… để lên án hành động của quân xâm lược và dụ chúng đầu hàng để tránh phải đối đầu trực tiếp.

Quan điểm của Nguyễn Trãi, đánh vào tinh thần trước rồi mới đánh vào thành trì. Trong 15 thành quân Minh trấn giữ, nghĩa quân chỉ tiêu diệt hai thành bằng bạo lực vũ trang, số còn lại đều bằng vận động, dụ hàng hoặc buộc địch phải giao nộp đại bản doanh của chúng. Nhờ nghệ thuật đúng đắn này Nguyễn Trãi vừa tránh cho nghĩa quân Lam Sơn chỗ mạnh của quân Minh trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, vừa tiết kiệm xương máu binh sĩ để kháng chiến lâu dài.

Không những vậy, Nguyễn Trãi còn rất khoan dung với kẻ thù nhằm giữ tình hòa hiếu lâu dài giữa hai nước. Đâu cũng là một trong những tư tưởng quân sự chủ đạo của Nguyễn Trãi.

nguyen-trai-va-nghe-thuat-lay-nhan-nghia-de-thang-hung-tan-4
Đền thờ Nguyễn Trãi tại Thái Nguyên

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau trận tập kích thành Đa Căng trên đường tiến vào Nghệ An vào tháng 9/1424, nghĩa quân Lam Sơn càng đánh càng thắng lợi. Trong trận chiến ở Tây Đô, nghĩa quân Lam Sơn bắt được nhiều vợ con quân địch, nhưng đều tha cho về nhà làm ăn, khiến danh tiếng của nghĩa quân lại càng vang dậy.

Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã ở vào thế hoàn toàn có thể áp đảo được hàng trăm nghìn quân Minh ở Đông Quan. Một số tướng sĩ muốn đánh Đông Quan để giết hết quân xâm lược cho hả giận. Nhưng lúc ấy "hành khiển Nguyễn Trãi ở nơi màn trướng biết rõ chỗ mạnh yếu của giặc, nên mới chuyên chú về mặt nghị hòa".

Nguyễn Trãi hiểu rõ tính chất, đặc điểm của mối quan hệ bang giao, nhất là với triều Minh nên Hội thề Đông Quan là một hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do ông và Lê Lợi tổ chức.

Ở Hội thề này, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã buộc Vương Thông và 100.000 quân sĩ nhà Minh đều phải lần lượt thề trước nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân nước ta không chỉ là rút nhanh, rút hết mà chủ yếu là không bao giờ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa và khi về đến Trung Quốc cũng phải tâu lên với triều đình Nhà Minh như vậy.

Trên đường về nước, Vương Thông đã sang chào từ biệt đại bản doanh của nghĩa quân và ở lại 1 đêm cùng tướng lĩnh, binh sĩ Lam Sơn trò chuyện, vui chơi. Sáng hôm sau, Vương Thông lên đường về nước và được nghĩa quân tặng trọng hậu: Trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ và nhiều tặng vật khác.

Hành động hòa hiếu của Lê Lợi, Nguyễn Trãi không chỉ tướng lĩnh mà cả 100.000 hàng binh địch đều rất cảm động, vui sướng trước thái độ khoan hồng, nhân đạo và cử chỉ cao đẹp của quân đội và nhân dân Đại Việt.

Đường lối kết thúc chiến tranh ấy là một trong những nghệ thuật quân sự đặc sắc của Nguyễn Trãi, là bài học cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nước ta sau này.

Xem thêm: Nể tài "đánh giặc" bằng bút của Nguyễn Trãi, từng 5 lần thân chinh vào thành dụ địch hàng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận