Nể tài "đánh giặc" bằng bút của Nguyễn Trãi, từng 5 lần thân chinh vào thành dụ địch hàng

Bằng khả năng văn chương hơn người cùng tài năng quân sự, Nguyễn Trãi đã nhiều lần đánh giặc bằng bút, viết thư dụ địch hàng.

Chi Nguyễn
08:27 23/09/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Trãi (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋) là một nhà chính trị, nhà văn, được UNESCO vinh danh là "Danh nhân văn hóa thế giới". Ông tích cực tham gia Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, là khai quốc công thần nhà Hậu Lê trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

nguyen-trai-danh-giac-bang-but-5-lan-vao-thanh-dich-du-hang
Nguyễn Trãi (阮廌), hiệu là Ức Trai (抑齋), là khai quốc công thần nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam

Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, con rể quan Tư đồ Trần Nguyên Đán nhà Trần. Khi nhà Trần bị Hồ Quý Ly lật đổ lập nên nhà Hồ, Nguyễn Trãi tham gia dự thi cử và đỗ Thái học sinh năm 1400. Dưới triều nhà Hồ, Nguyễn Trãi giữ chức Ngự sử đài chính chưởng, làm quan cùng cha.

Khi nhà Minh xâm lược, cha ông bị bắt giải về Trung Quốc. Có tài liệu ghi rằng, sau khi nhà Hồ thất bại, Trương Phụ là tướng nhà Minh đã ép Nguyễn Phi Khanh viết thư dụ hàng. Có tài liệu chép sau khi cha ông bị giải sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đã theo cha lên cửa ải. Ông ngỏ ý muốn đi theo hầu hạ, nhưng cha ông không đồng ý, khuyên con trai lo chuyện cứu nước báo thù nhà.

Gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, vạch ra kế sách mưu phạt

nguyen-trai-danh-giac-bang-but-5-lan-vao-thanh-dich-du-hang
Nguyễn Trãi được cho là gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1420, đồng thời dâng Bình Ngô sách lên Lê Lợi

Các nhà sử học chưa xác định chắc chắn thời điểm Nguyễn Trãi gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn. Theo Việt Nam sử lược, ông được cho là gia nhập vào năm 1420, đồng thời dâng Bình Ngô sách lên Lê Lợi. Trong đó, Nguyễn Trãi vạch ra 3 kế sách lớn đánh bại quân Minh, trú trọng tâm công, đánh vào lòng người. 

Từ đó, Nguyễn Trãi dần được Lê Lợi trọng dụng. Năm 1423, Bình Định Vương (tức Lê Lợi) cử Lê Vận và Lê Trăn làm sứ giả, mang theo lễ vật gồm 5 đôi ngà voi cùng văn thư do Nguyễn Trãi viết đi cầu hòa. Lời lẽ trong thư mềm dẻo lại hợp tình hợp lý, khôn khéo lịch sự nên tổng binh nhà Minh Trần Trí đã chấp thuận. Từ lúc này, mọi thư từ giao thiệp giữa hai bên cũng như các văn thư hiểu dụ đều do Nguyễn Trãi soạn thảo.

Năm 1427, Nguyễn Trãi được phong làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành Khu mật viện sự chuyên bàn luận quân cơ và thảo thư từ đi lại. 

5 lần đích thân vào thành địch dụ hàng

nguyen-trai-danh-giac-bang-but-5-lan-vao-thanh-dich-du-hang
Văn thư do Nguyễn Trãi soạn đã nhiều lần cảm hóa tướng địch

Được biết, văn thư do Nguyễn Trãi soạn đã nhiều lần cảm hóa tướng địch. Khi ấy, Thái Phúc là tướng nhà Minh, là Đô Đốc trấn thủ thành Nghệ An đã nhận được thư của Nguyễn Trãi. Trong đó, Nguyễn Trãi viết:

"Hiện ở quý quốc, bên trong có cái vạ tiêu tường, bên ngoài còn lo Bắc khấu, nắng lụt tiếp nhau, yêu nghiệt đến mãi, đại thần lấn át, cả nước chia lìa, trời làm táng vong chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ minh triết nên sớm biết cơ màu...

Nay kế hay của ông chẳng gì bằng thuận theo cảnh mình gặp, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho ta may được thoát khỏi lầm than mà công nghiệp lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh, há chẳng hay ư?".

Được biết, sau khi đọc thư của ông, Thái Phúc bị thuyết phục và đã đầu hàng quân Lam Sơn.

Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Trãi đã từng 5 lần tới thành địch dụ hàng. Thậm chí, ông còn tới tận Đông Quan khuyên Vương Thông đầu hàng. Trong đó, bức Tái dụ Vương thông thư được coi là tiêu biểu nhất cho kế sách mưu phạt tâm công của Nguyễn Trãi.

Trong thư, Nguyễn Trãi thẳng thắn nêu ra 6 lý do tất bại của quân Minh, sau đó khuyên Vương Thông nên hòa. Ông viết: "Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa.

Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác; lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng; như Trương Phi, Lã Bố, các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên".

Bậc đại nhân đại nghĩa

Nguyễn Trãi sau này thay mặt Lê Lợi soạn Bình Ngô đại cáo,chiếu cáo thiên hạ. Trong đó, ông tổng kết thắng lợi của quân Lam Sơn t khởi nghĩa chống giặc Minh như sau:

"Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt.

Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công".

Quả thực, dù là khi còn tham mưu cho Lê Lợi, hay sau này làm quan dưới triều Hậu Lê, Nguyễn Trãi đều giữ vững tư tưởng nhân nghĩa và hết lòng vì dân, yên dân. Đó cũng chính là lý do quân Lam Sơn khởi nghĩa, tất cả là để trừ bạo để nhân dân thoát khỏi lầm than, hưởng cuộc sống thái bình, thịnh trị.

nguyen-trai-danh-giac-bang-but-5-lan-vao-thanh-dich-du-hang
Thánh tâm dục dữ dân hưu tức, Văn trị chung tu trí thái bình

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cuối năm 1427, lúc này nghĩa quân Lam Sơn đã giành được thế thượng phong, có thể áp đảo 8 vạn quân Minh ở Đông Quan. Một vài tướng sĩ muốn đánh điểm này, với mục đích tiêu diệt hết quân xâm lược và trả thù cho người dân vô tội. Thế nhưng, Nguyễn Trãi một lần nữa đặt đại nghĩa lên đầu, phân tích kĩ và khuyên Lê Lợi nghị hòa.

Ông phân tích rằng, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng dễ bị nhà Minh trả thù về sau. Ông nói: "... chi bằng thừa lúc kẻ thu lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước". Lê Lợi cho là phải, nghị hòa và tha cho tướng sĩ nhà Minh về nước.

Về sau, khi làm quan dưới triều Hậu Lê, ông vẫn giữ nguyên tư tưởng nhân nghĩa, trên vua thánh tôi hiền, dưới không còn tiếng oán hờn. Điều này được Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ Quan duyệt thủy trận (觀閱水陣) như sau: "Thánh tâm dục dữ dân hưu tức, Văn trị chung tu trí thái bình" (lòng vua chỉ muốn dân yên nghỉ, xếp võ theo văn, nước trị bình). 

Xem thêm: Thảm án Lệ Chi Viên: Giai thoại 'rắn thành tinh' gán tiếng xấu cho nữ sĩ nào suốt hơn 5 thế kỷ qua?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận