Người duy nhất trong sử Việt Nam được phong Thái tử khi cha chưa làm vua là ai?

Hồ Hán Thương là con trai Hồ Quý Ly và cũng là vị vua cuối cùng của nhà Hồ. Ở ngôi trong thời gian ngắn, thông tin về thân thế, hậu vận của vị vua này còn nhiều điều chưa sáng tỏ.

Đỗ Thu Nga
09:00 05/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Người duy nhất được phong Thái tử khi cha chưa làm vua

Hồ Hán Thương (? – 1407), Minh thực lục và Minh sử ghi Hồ Đê, là hoàng đế thứ hai và cũng là cuối cùng của nhà Hồ. Từ năm 1401 đến khi bị nhà Minh đánh bại vào năm 1407. Ông bị giải về Kim Lăng (Trung Quốc) rồi bị giết. Cuộc đời của Hồ Hán Thương có rất nhiều điểm kỳ lạ mà không phải ai cũng biết... 

Đầu tiên là chuyện phong Thái tử. Được chọn vào ngôi vị Thái tử là người sẽ kế vị ngôi báu sau này, nhưng trong sử Việt có một trường hợp phong Thái tử trong khi cha chưa làm vua, đó là Hồ Hán Thương.

nguoi-duy-nhat-duoc-phong-thai-tu-khi-cha-chua-lam-vua-la-ai-0
Hồ Quý Ly

Sử chép, vào tháng 3 năm Mậu Dần (1398), Hồ Quý Ly ép vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Án mới hơn 2 tuổi, rồi lại ép vua đi tu theo đạo Lão. Thái tử lên ngôi ngày 15/3 nhưng còn quá nhỏ nên sử sách sau này thường gọi là Trần Thiếu Đế; còn Hồ Quý Ly chính là ông ngoại của vua Thiếu Đế, nắm toàn bộ quyền hành, tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt đại vương và năm Kỷ Mão (1399) xưng đế, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 6, Quý Ly tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng đế, mặc áo màu bồ hoàng (màu vàng như nhị hoa xương bồ - TG), ở cung Nhân Thọ, ra vào theo lệ thiên tử, dùng 12 chiếc lọng vàng”.

Đến tháng 3 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly đoạt ngôi của Trần Thiếu Đế, đăng cơ, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, lập ra nhà Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Thế nhưng trước đó, vào tháng giêng cùng năm, dù chưa lên ngai vàng nhưng Hồ Quý Ly đã lập Hồ Hán Thương làm thái tử, định chọn người con thứ này nối nghiệp mình.

Vì sao Hồ Hán Thương được truyền ngôi báu?

Hồ Hán Thương là con thứ của Hồ Quý Ly, thân mẫu là công chúa Huy Ninh, hiệu là Nhất Chi Mai (con gái của vua Trần Minh Tông, em gái của Nghệ Tông). Công chúa vốn lấy một người tông thất là Trần Nhân Vinh, nhưng Nhân Vinh qua đời sớm, anh của công chúa là Trần Nghệ Tông muốn thắt chặt quan hệ với Quý Ly nên bắt em gái gả cho Quý Ly, sinh ra Hán Thương và một con gái nữa là Hồ Thánh Ngâu.

Thông thường, ngôi báu sẽ được truyền cho con trưởng, nhưng dù là con thứ, Hồ Hán Thương vẫn được chọn bởi mẹ ông - công chúa Huy Ninh nhà Trần. Hồ Quý Ly biết rằng, chuyện thoán ngôi đoạt vị sẽ là cái cớ để nhà Minh ở phương Bắc tìm cách can thiệp vào nội bộ nước Nam, để Hồ Hán Thương với danh nghĩa cháu ngoại nhà Trần nối nghiệp thì sẽ dễ biện bạch trong đối sách ngoại giao.

Chính sử có chép, sau khi nhường ngôi cho con vào cuối tháng 12 năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly “sai sứ sang báo nhà Minh, nói rằng họ Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là cháu ngoại Minh Tông, tạm trông coi việc nước” (Đại Việt sử ký toàn thư).

nguoi-duy-nhat-duoc-phong-thai-tu-khi-cha-chua-lam-vua-la-ai-6
Tranh minh họa sứ giả nhà Minh

Đại Việt sử ký tiền biên cũng dẫn lời bình của sử thần Ngô Thì Sĩ về chuyện này như sau: “Quý Ly cướp ngôi chưa được một năm đã truyền ngay cho Hán Thương, để tiện đặt lời nói với nhà Minh”.

Trong Việt sử tiêu án cung chép rằng: "Quý Ly giao hết ngôi vua cho Hán Thương, tự xưng là Thượng hoàng, hai cha con cùng giữ chính quyền; sai sứ sang báo với nhà Minh, nói rằng họ Trần hết người rồi, Hán Thương là cháu ngoại vua Minh Tông quyền giữ việc nước.

Vua Minh sai sứ sang hỏi các kỳ mục nước ta xem con cháu nhà Trần còn hay không? Người trong nước lập Hán Thương lên là sự thật hay dối? Hán Thương liền cho người sang cống nhà Minh và xin phong vương, nhà Minh phong cho Hán Thương làm An Nam quốc vương”.

Vua Hồ Hán Thương có vợ con không?

Chính sửa chép rất ít về gia thất của vua Hồ Hán Thương. Một số sử liệu cho biết, vợ của vua là Hiến Gia Hoàng hậu Trần Thị Hiến, các con có Hồ Nhuế (được phong Thái tử), Hồ Lỗ, Hồ Phạm, Hồ Ngũ Lang.

Ở làng An Phú (tên Nôm là làng Đó) ở xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình nay vẫn bảo lưu được một nghi lễ truyền thống là lệ chiềng rối với những đầu người sơn son thiếp vàng, chỉ được mang ra trong ngày lễ gọi là giỗ rối, chiềng rối diễn ra vào mùng 6 tháng 4 âm lịch hàng năm.

Tương truyền, Hoàng hậu của vua Hồ Hán Thương sinh được 1 bọc con, đầu tròn lông lốc, không có chân. Bài giáo rối làng An Phú có câu rằng:

Vua Hồ Hán Thương,

Trị vì thiên hạ.

Mong cho bệ cả,

Con nối cha truyền.

Cầu lạy Hoàng thiên,

Sớm sinh quý tử.

Việc lành hóa dữ,

Hoàng hậu mang thai.

Đủ một ngàn ngày,

Sinh con một bọc.

Đầu trọc long lóc,

Chẳng có chân tay.

Sự lạ nhường này,

Cổ kim chẳng thấy.

Khi con sinh ra, vua cho là quái thai nên đã sai vứt xuống sông, bọc thai đó trôi đến bến sông làng An Phú thì dừng lại. Dân làng được thần báo mộng, kéo nhau ra thấy trên cây cổ thụ có một lá cờ ghi rõ sự tích bọc thai và lời ủy thác nếu nơi nào vớt được bọc thai này thì phải khắc tượng để thờ.

Từ đó, làng An Phú khắc 8 tượng đầu rối (6 nam, 2 nữ) để thờ và hàng năm đều làm lễ tế. Khi tế xong có biểu diễn rối, một người gọi là giáo trò đứng đọc lời giáo rối; trong tiếng trống, thanh la rộn rã, 8 người điều khiển đầu rối nhô lên hạ xuống, quay trái quay phải, nhìn ngang ngó dọc… Đây là nghi thức cầu may, bởi thế trong đoạn kết của bài giáo rối có câu:

Theo lệ hàng năm,

Đèn nhang cúng rối.

Trống, chiêng vang dội,

Múa hát xênh xang.

Cầu chúc xóm làng,

An khang thịnh vượng.

Cũng theo nội dung bài giáo rối, những người con kỳ lạ của vua Hồ Hán Thương được đặt tên là Hồ Qúy, Hồ Vị, Hồ Hoan, Hồ Sĩ, Hồ Ban, Hồ Báo và 2 người con gái tên là Hồ Lan, Hồ Điệp.

Hồ Hán Thương trị vì đất nước ra sao?

Trong thời gian ở ngôi, Hồ Hán Thương đã 2 lần đánh Chiêm Thành. Lần đầu ăm 1402, quân Đại Ngu thắng lợi, khiến vua Chiêm phải dâng Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam và bắc Quảng Ngãi hiện nay). Nhà Hồ chiếm được đất ấy đặt ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa.

Vào năm 1403, Hồ Hán Thương lại sai Phạm Nguyên Khôi đi đánh Chiêm. Quân Đại Ngu vây kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành trong 9 tháng không hạ được, bị hết lương phải rút về. Lãnh thổ Đại Ngu dưới thời Hồ Hán Thương được mở rộng về phía Nam (đến bắc Quảng Ngãi hiện nay).

Cũng trong năm 1403, Hồ Hán Thương cử sứ giả sang nhà Minh xin thụ phong, lấy cớ nhà Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là con của một nữ tộc họ Trần được nhân dân tôn kính và xin thay thế thụ phong. Nhà Minh bèn sai sứ sang điều tra thực hư.  Hán Thương cử sang nhà Minh xin thụ phong, lấy cớ nhà Trần đã tuyệt tự, Hán Thương là con của một nữ tộc họ Trần được nhân dân tôn kính và xin thay thế nhận phong. Nhà Minh bèn sai sứ sang điều tra thực hư.[4] Tháng 5, sứ nhà Minh là Dương Bột (Yang Bo) được cử sang An Nam điều tra. Tháng 12 cùng năm, sứ đoàn trở về Trung Quốc và báo cáo việc trên đúng như Hán Thương nói. Nhà Minh khi đó mới quyết định gia phong Hán Thương làm An Nam quốc vương.

Nhà Hồ và cả Hồ Hán Thương không được lòng nhân dân do việc thoán đoạt, cướp ngôi. Nhiều danh sĩ đương thời tỏ thái độ bất hợp tác với vương triều mới, dù vua nhà Hồ cũng chiêu hiền đãi sĩ. Câu chuyện Hồ Hán Thương đốt núi Na là minh chứng cho điều đó.

Núi Na ở xứ Thanh Hóa (nay thuộc xã Cổ Định, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) xưa kia là một ngọn núi cao, nhiều cây cối. Tương truyền trong núi có một động dài, hẹp rất hiểm trở, là nơi sinh sống của một ẩn sĩ, tính tình vui vẻ, ai cũng quý mến nhưng hỏi đến tên họ, nhà cửa thì ông chỉ cười mà không trả lời.

Một năm nọ, Hồ Hán Thương đi săn, tình cờ gặp ẩn sĩ ấy vừa đi vừa hát nên vua đoán là ẩn giả, không phải người thường. Ông liền sai viên quan tên Trương Công đuổi theo mời lại nhưng không kịp. Viên quan nọ đến được nơi ở của ẩn sĩ, truyền ý vua muốn mời ông ra giúp nước nhưng ẩn sĩ từ chối.

Thuyết phục nhiều lần không được, viên quan về tâu vua, Hồ Hán Thương vì muốn tuyển được nhân tài bèn sai viên quan kia đi thuyết phục lần nữa. Nhưng ông này vào tìm thì không thấy người đâu, chỉ thấy trên vách đá trong động đề hai câu thơ:

Kỳ La hải khẩu ngâm hồn đoạn,

Cao Vọng sơn đầu khách tứ sầu.

Nghĩa là:

Kỳ La cửa biển hồn thơ dứt,

Cao Vọng đầu non dạ khách buồn.

Ông lại ra kể lại, bấy giờ mọi người không hiểu ý câu đó là gì, chỉ thấy có vẻ hơi hướng trào phúng. Hồ Hán Thương giận quá sai đốt cháy cây cối trong rừng, cháy hết vẫn không thấy gì, chỉ thấy con hạc đen lượn trên không bay múa.

Hậu vận mờ ảo trên đất khách

Năm 1406, quân Minh đem quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến do triều Hồ lãnh đạo thất bại. Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), Thượng hoàng Hồ Qúy Ly bị quân Minh bắt được ở ghềnh Chẩy Chẩy (có sách ghi là bãi biển Chỉ Chỉ) gần cửa biển Kỳ La (nay thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh); còn vua Hồ Hán Thương bị bắt ở  núi Cao Vọng; nhiều thân thuộc, quan lại nhà Hồ cũng sa vào tay giặc.

Khi sự việc xảy ra người ta mới biết ý tiên đoán của hai câu thơ, Kỳ La còn được dân địa phương đọc chệch là Kỳ Lê có nghĩa là trói họ Lê, tại đó có núi Thiên Cầm có nghĩa là trời bắt và Cao Vọng cũng là nơi mà cha con Hồ Quý Ly bị bắt. Câu thơ đọc lên khiến người ta cứ có cảm nghĩ như đây là những câu sấm ký của người ẩn sĩ về số phận của các đế vương một triều đại.

nguoi-duy-nhat-duoc-phong-thai-tu-khi-cha-chua-lam-vua-la-ai-4
Cha con Hồ Quý Ly bị bắt sang nhà Minh

Sau khi bị bắt, quân Minh giải Hồ Hán Thương cùng Hồ Quý Ly và nhiều quan lại khác về phương Bắc. Sử chép, vua Minh ra lệnh giết ông và tất cả các tướng, trừ Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng và Thái tử Hồ Nhuế, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: “Chỉ tha cho con là Trừng, cháu là Nhuế. Sau, Quý Ly ở trong ngục được tha ra, bắt đi thú thủ ở Quảng Tây; Trừng vì lành nghề chế binh khí, dâng phép chế súng lên vua Minh, nên được tha ra để dùng”.

Như vậy, vua Hồ Hán Thương bị giặc Minh giết hại tại nước của chúng nhưng không rõ là vào cuối năm Đinh Hợi (1407) hay đầu năm Mậu Tý (1048), thi hài ông được chôn cất ở đâu.

Hồ Hán Thương ở ngôi được 6 năm, trong thời làm vua sử dụng hai niên hiệu là Thiệu Thành (1401 – 1402) và Khai Đại (1403 – 1407). Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết: “Hồ Hán Thương nối ngôi soán đoạt, lạm chính hại dân, người Minh lấn vào cõi bờ mà không giữ được, xã tắc tan hoang, lồng lộng lưới trời, thưa mà không lọt. Than ôi! Lễ không gì lớn bằng phận, phận không gì bằng danh, danh phận là bờ đê của nhà nước, không thể không cẩn thận”…

Sử gia Ngô Sĩ Liên gọi hai cha con họ Hồ là loạn thần tặc tử. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí coi cha con Hồ Quý Ly là phần phụ, phần Nhà nhuận Hồ, nhuận tức phần thừa, không có tính chính thống.

Xem thêm: Hồ Quý Ly, kẻ "đại nghịch bất đạo" hay bậc anh tài bị buộc dùng biện pháp mạnh để cải cách?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận