Người mẹ nghèo vất vả bán từ mớ rau nuôi 2 con khiếm thị giành học bổng du học danh giá

Người mẹ nghèo sẵn sàng bỏ tất cả ở quê lên thành phố theo từng bước chân giúp 2 con khiếm thị với niềm tin mãnh liệt con sẽ thành công. Và thật sự 2 cô gái của bà đã làm nên kỳ tích.

Đỗ Thu Nga
10:00 08/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phận đời nghiệt ngã, cả hai cô con gái của bà Vũ Thị Hương (52 tuổi, Hóa Xá, Ứng Hòa, Hà Nội) đều mắc căn bệnh khiếm thị bẩm sinh. Người con gái cả tên Nghiêm Thị Thu Trang (1992) và cô con thứ là Nghiêm Vũ Thu Loan (1998).

Hàng ngày bà Hương vẫn đưa đoán Thu Loan đi học, tham gia các dự án xã hội mà cô là thành viên chủ chốt. Hơn 5 năm qua, bà Hương lên Hà Nội thuê nhà, bán quán nước vỉa hè, buôn rau từ quê lên thành phố để đồng hành cùng cô con gái khiếm thị.

Theo bà Hương, từ lúc sinh ra Loan đã bị thiên đầu thống bẩm sinh. 15 ngày tuổi cô bé đã phải lên Viện mắt trung ương phẫu thuật, tránh mất thị lực hoàn toàn. Chị gái Loan là Nghiêm Thị Thu Trang cũng bị bệnh tương tự, thị lực của cả hai chị em là 1/10.

me-ngheo-ban-rau-nuoi-2-con-khiem-thi-gianh-hoc-bong-du-hoc-danh-gia
23 năm nay, bà Hương luôn đồng hành cùng con gái trong mọi công việc

Mắt Loan kém hơn mắt chị, cô chỉ nhìn rõ được 7 màu cơ bản dưới ánh sáng mặt trời, còn dưới đèn, chỉ phân biệt được 2 màu đen trắng. Từ lúc sinh ra cho đến khi được 5 tuổi, Loan trải qua 5 - 6 cuộc phẫu thuật. Mỗi lần mở băng là một lần bà Hương hy vọng rồi lại thở dài vì bệnh tình của con không có gì thay đổi. "Sẽ sống chung với bệnh cả đời vì không có cách chữa trị", bác sĩ nói với người mẹ.

Khi con 6 tuổi, bà Hương xin cho đi học nhưng không trường nào nhận. Hàng ngày, Loan đi theo chị họ học lớp 2 đến trường đứng ở cửa lớp học mót, nắng mưa không chịu nghỉ. Năm 7 tuổi, bà Hương năn nỉ 1 trường tiểu học nhận con nhưng Loan bị xếp ngồi cuối lớp. 

Mặc dù mắt không tin nhưng trí óc Loan lại rất nhanh nhạy, cô bé tiếp thu nhanh, các bạn đọc thơ, đánh vần, cô bé đều ghi nhớ trong đầu, đọc vanh vách nhưng không biết viết vì không ai dạy.

Học được 2 - 3 tháng thì phải bỏ dở vì mắt đọc nhức, Loan được mẹ đưa lên Hà Nội thăm khám. Cũng vì mắt kém mà Loan nghỉ 2 năm tiếp theo.

Lên 9 tuổi, Loan được Hội người mù tỉnh Hà Tây cũ tiếp nhận, cho học chữ nổi. Nhưng trong năm đó, Loan được chẩn đoán vỡ nhãn cầu, phải tiến hành phẫu thuật khâu giác mạc bảo tồn để tránh ảnh hưởng đến mắt. Từ hai mắt nhìn lờ mờ, đủ để phân biệt ngày đêm, giờ Loan lại chỉ còn 1 mắt.

me-ngheo-ban-rau-nuoi-2-con-khiem-thi-gianh-hoc-bong-du-hoc-danh-gia-8

Để có tiền trả viện phí cho con, bà Hương bán tất cả những gì giá trị nhất trong nhà. Nhà có 3 sào ruộng làm không đủ ăn, vợ chồng bà xuôi ngược khắp nơi buôn bán. Ngày nào cũng dạy từ 2h sáng làm cỏ rồi đem ra chợ phiên bán. Chiều tối lại cùng chồng chăn nuôi lợn gà. 

Có lần đi bán rau xa, bão lớn đến nhanh vợ chồng bà Hương không kịp về nhà. Mưa táp thẳng vào mắt bỏng rát, gió mạnh tạt xe đổ nghiêng nhưng vẫn cố đạp về vì lo cho 2 con. 

"Về đến nhà nhìn hai con, đứa 4 tuổi, đứa 10 tuổi ngồi ôm nhau trên giường, nước mưa dột tứ tung khiến chúng co rúm rất tội nghiệp", bà Hương kể. Từ đó, bà dạy hai con các kỹ năng như nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đóng cài cửa khi bố mẹ về muộn...

20 năm ròng rã, cứ hè là bà Hương lại đưa 2 con lên Viện mắt Hà Nội điều trị. Ở viện, một mình bà lo liệu, chồng ở nhà ruộng vườn kiếm tiền gửi lên thuốc thang cho hai con gái.

Dù thị lực chỉ 1/10 nhưng Trang (con gái lớn của bà Hương) vẫn có thể đi lại, học tập như các bạn bè cùng trang lứa. Nhờ gánh hàng rau của mẹ mà Trang được đi học đại học, tốt nghiệp ngành ngôn ngữ học với tấm bằng hạng xuất sắc. Đến năm 2017, Trang giành được học bổng thạc sĩ phát triển quốc tế tại Úc. Hiện cô đã về nước và mở lớp dạy tiếng Anh cho học sinh ở quê.

Không giống như chị gái, mọi việc với Loan khó khăn hơn khi năm 11 tuổi bị một thanh sắt đâm trúng vào mắt còn lại, phải phẫu thuật đeo mắt giả. Từ một cô bé thích vẽ từ những màu sắc còn cảm nhận được, sau ca mổ, Loan mất thị lực vĩnh viễn.

me-ngheo-ban-rau-nuoi-2-con-khiem-thi-gianh-hoc-bong-du-hoc-danh-gia-0

Lên lớp 10, bà Loan muốn xin cho con vào trường học như các bạn bình thường. Hai mẹ con rong ruổi khắp nơi nộp đơn nhưng chẳng nơi nào nhận. "Chúng tôi không có chương trình riêng để dạy học sinh khiếm thị", người ta nói với bà.

Sau nửa tháng đi khắp Hà Nội, nhờ có kết quả học tập tốt và 2 lần đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU dành cho trẻ khiếm thị, Loan được hiệu trưởng một trường trung học ở Cầu Giấy chấp nhận.

Trong 3 năm cấp 3, Loan học bằng chữ nổi, môn xã hội trả bài kiểm tra bằng miệng. Loan được bạn bè, thầy cô yêu quý nên mọi người thường ở lại ngoài giờ để chép bài, giảng bài cho em. Tổng kết 3 năm học, Loan cũng được trên 8,5, thường đứng top 3 của lớp.

Cũng vì việc học của con, bà Loan bỏ lại ruộng vườn ở quê lên Hà Nội thuê một căn nhà gần trường. Hàng ngày bà dậy từ 4h sáng đun nước rồi mang ra bán ở vỉa hè gần 1 khu chung cư cách nhà 5km để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Loan gặp khó khăn trong việc đăng ký vào trường đại học. Bà Hương lại quyết định nghỉ bán nước để đi học cùng con. 

Không được nhận vào ngành nghề như mong muốn, Loan xin mẹ ở nhà một năm học tiếng Anh, viết sách, dạy ngoại ngữ cho người khiếm thị để ‘săn’ học bổng giống chị gái mình.

Năm 2019, một trường quốc tế chi nhánh ở Việt Nam đã trao học bổng toàn phần trị giá 1,5 tỷ đồng cho Loan. Trong đơn xin học bổng, cô viết về bản thân và nỗ lực vượt khó khi là một người khiếm thị, đồng thời nêu rõ mục tiêu mình cần đạt được trong 4 năm học đại học. "Tôi sẽ tốt nghiệp loại xuất sắc", Loan cam kết với nhà trường.

Ở đại học, Loan thành lập và làm chủ nhiệm CLB dành cho sinh viên khiếm thị với khoảng hơn 60 thành viên ở Hà Nội. Loan còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội khác cho người khiếm thị như dạy tiếng Anh, nhân vật truyền cảm hứng, làm người dẫn cho các chương trình dành cho người khiếm thị... Dù đi đâu Loan cũng có mẹ đồng hành.

Mỗi lần con gái đến trường, đi hoạt động đều do bà Hương chuẩn bị váy áo, tô son đánh phấn cho. Không lúc nào bà Hương buông tay con. Bà luôn đồng hành theo sát từng bước trưởng thành của con gái.

Vào năm 2019, sau 1 năm ở nhà, Loan đã xuất bản cuốn sách mang tên "Giấc mơ nơi thiên đường". Trong sách có đoạn viết: "Con cảm ơn bố mẹ đã mang con tới thế giới này, đã hy sinh mọi điều mình có để con được lớn lên và thực hiện sứ mệnh cuộc đời".

Câu chuyện của mẹ con bà Hương giờ đã trở thành thông điệp nhân văn gửi đến các bậc phụ huynh có con khuyết tật. Còn nghị lực của Loan đã trở động lực để những bạn trẻ có chung số phận biết cách vươn lên trong cuộc sống.

Xem thêm: Chân dung cặp vợ chồng nghèo chạy ăn từng bữa nuôi 9 tiến sĩ, phó giáo sư và 23 cháu là thạc sĩ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận