Lính Mỹ sợ nhất chiến thuật nào của bộ đội Việt Nam?
Quân đội Mỹ hùng mạnh với nhiều vũ khí hạng nặng, hiện đại. Thế nhưng tại chiến trường Việt Nam, lính Mỹ luôn rất sợ những trận đánh giáp lá cà và cái chết từ lưỡi lê.
Chiến tranh Việt Nam giữ kỷ lục là cuộc chiến có số lượng bom đạn được thả nhiều nhất trong lịch sử, với 7.662.000 tấn chất nổ đã được Không quân Mỹ sử dụng, nhiều gấp 3,7 lần so với con số 2.150.000 tấn mà tất cả các nước sử dụng trong Thế chiến thứ hai.
Một nguồn thống kê khác cho rằng, lượng bom đạn quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam là vào khoảng 15,35 triệu tấn. Trong đó có 7,85 triệu tấn thả từ máy bay và 7,5 triệu tấn khác sử dụng trên mặt đất (đạn pháo, bộc phá, các loại mìn,...).
Mỹ mang rất nhiều vũ khí hạng nặng cùng những đội quân hùng dũng đến xâm lược Việt Nam. Trên không có máy bay ném bom, dưới đất có súng đạn của binh lính, xe tăng bọc thép... Thế nhưng, lính Mỹ không ngờ lại nhận kết cục thảm bại nặng nề tại Việt Nam.
Những ngày đầu đối mặt với quân Mỹ, chúng ta đã nhận thức được chỗ mạnh, điểm yếu của họ. Trong cuốn hồi ký Chiến trường mới của Thượng tướng Nguyễn Hữu An có ghi lại nhận định của những người lính lần đầu tiên giáp mặt quân đội Mỹ.
Hồi ký viết: "Anh Chu Huy Mân gặp một số chiến sĩ từ trận đánh trở về, anh hỏi: các cậu thấy đánh Mỹ có đặc điểm gì? Anh em không nhận ra vị tướng của mình, vì anh không đeo quân hàm và không ai giới thiệu nên họ nói năng thoải mái. Một chiến sĩ nói: đánh nhau với bọn bộ binh Mỹ cũng dễ thôi, nhưng nó lắm máy bay, lắm bom, lắm pháo quá, không lúc nào ngớt, nhức đầu nhức óc”.
Lý thuyết tác chiến của Mỹ cho rằng, mỗi khi quân đội của họ bị đối phương dồn ép, họ sẽ dùng máy bay ném bom, pháo tạo thành bức tường lửa để ngăn chặn đối phương. Trong thời gian đó, bộ binh sẽ tranh thủ củng cố thế trận, phản công chủ động và kết thúc trận đánh.
Ngược lại, quân đội Việt Nam có ít vũ khí hạng nặng hơn. Chúng ta hoàn toàn không có máy bay ném bom, pháo bắn yểm trợ cũng ít. Do đó, người lính trên chiến trường chủ yếu trông vào chính vũ khí nhẹ của mình và sức mạnh đoàn kết. So sánh về vũ khí theo lý thuyết, quân đội ta chẳng bao giờ dám đương đầu với bộ binh Mỹ.
Thế nhưng, quân ta nhanh chóng nhận ra điều đó và tìm ra giải pháp là đánh giáp lá cà với lưỡi lê, lưu đạn. Đây là sách lược có lợi trong tình hình đó.
Lối đánh này của quân ta đã có truyền thống từ kháng chiến 9 năm chống Pháp và là một trong những nỗi ám ảnh với lính Pháp. Trong hồi ký về Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dẫn lời khai của 1 tù binh Pháp ở Điện Biên Phủ rằng: trong những cái chết ở chiến trường, binh lính của họ sợ nhất là chết bằng lưỡi lê khi đối mặt với Việt Minh. Giờ đây, nỗi kinh hoàng ấy, người Mỹ lại tiếp tục được nếm trải.
Quan trọng hơn, lối đánh này giúp hạn chế tác dụng của bom pháo Mỹ. Khi quân hai bên ở quá gần nhau, việc ném bom sát thương vào bất kỳ khu vực nào cũng đều gây ra thương vong cho cả hai.
Trong trận đụng độ đầu tiên tại thung lũng Ia-Drang vào tháng 11/1965, lối đánh này đã khiến quân Mỹ lúng túng. Ở hồi ký của tướng An có viết: "Sau khi dùng hỏa lực súng cối chế áp ngắm vào đội hình địch, quân ta dũng cảm đồng loạt xung phong chia cắt đội hình và đánh giáp lá cà với địch. Cả đôi bên lúc này đội hình xen kẽ nhau đến độ chỉ cho phép dùng tiểu liên bắn găm, dùng lưỡi lê, lựu đạn mà chiến đấu”.
Ký giả Gallo Way - người đi cùng đơn vị lính bộ binh Mỹ cũng mô tả lối đánh của quân đội Việt Nam như sau: “Tình hình đã xấu lại trở nên xấu hơn. Đến bây giờ quân Bắc Việt Nam đã có mặt ngay trong hàng ngũ quân Mỹ và trên các ngọn cây cao. Bất cứ ai vận động lên đều bị bắn chết. Thiếu tá Henri và trắc thủ pháo binh đã cố gắng dùng điện đài của họ để gọi pháo binh và không quân chi viện. Điều này làm giảm bớt sự chết chóc, nhưng với đội hình kéo dài hơn 100 Yard giữa bãi cỏ cao rậm thì các quả đạn pháo và napan sát thương quân Bắc Việt Nam đồng thời cũng sát thương cả quân Mỹ”.
Để chứng minh điều này, năm 1993, tướng Harold Moore, người trực tiếp chỉ huy đơn vị tham chiến trong trận Ia-Drang khi trở lại thăm chiến trường, đã chỉ cho tướng Nguyễn Hữu An vị trí mà 2 quả bom Napan của không quân Mỹ đã ném đúng đội hình bộ binh Mỹ khiến nhiều lính Mỹ chết cháy.
Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến thuật đánh gần được toàn quân vận dụng vào mọi trận đánh dù là chiến đấu trên bộ hay trên không. Lối đánh đó được tóm tắt trong phương châm "nắm thắt lưng địch mà đánh".
Lính Mỹ trên chiến trường dính lưỡi lê chết còn thấy được nguyên nhân. Nhưng có những quan chức, viên chức Mỹ chết ngay giữa Sài Gòn và các thành phố lớn mà không kịp tìm hiểu nguyên nhân. Những người gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng đó chính là Biệt động Sài Gòn.
Theo thống kê sơ lược, trong suốt cuộc chiến, Biệt động đã liên tục tấn công hàng nghìn trận, gây thương vong cho hàng chục nghìn lính và quan chức Mỹ cùng đám tay sai.
Trong cuốn Biệt động Sài Gòn - Những chuyện chưa kể có viết, nét đặc trưng của Biệt động là lối đánh bí mật, bất ngờ. Giữa thành phố vài triệu dân, Biệt động bình thường như bất kỳ ai. Họ âm thầm nghiên cứu các mục tiêu và nghĩ ra kế hoạch tấn công vượt ra ngoài mọi dự liệu của địch.
Những phi vụ của Biệt động Sài Gòn khiến từ tướng tá đến binh lính Mỹ không bao giờ yên tâm dù ở ngay trong trụ sở hay căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt. Đến nỗi, các lính Mỹ phải thốt lên rằng: Ở xứ này, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu.
Xem thêm: Chân dung cựu binh chuyên làm căn cước giả giúp điệp viên cộng sản thâm nhập vào sâu trong lòng địch
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận