Vua Lê Đại Hành và màn "dằn mặt" khiến sứ thần nhà Tống sợ mất mật
Vua Lê Đại Hành chính là người đầu tiên phá bỏ lệ quỳ lạy khi tiếp chiếu từ phương Bắc. Ông cũng là người không ít lần khiến sứ thần nhà Tống sợ mất mật.
Vị vua kiệt xuất đánh tan quân xâm lược
Lê Đại Hành (941 – 18 tháng 4 năm 1005) tên húy là Lê Hoàn, là vị Hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt, trị vì nước Đại Cồ Việt trong 24 năm. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cha ông là Lê Mịch, mẹ ông họ Đặng. Tuy nhiên, xung quanh thân thế của Lê Đại Hành vẫn còn được kể nhiều với các tình tiết khá ly kỳ. Chẳng hạn, thân mẫu Lê Hoàn, khi đang mang thai ông bỗng nằm mơ thấy bụng mình nở hoa sen và kết thành hạt sen. Bà lấy hạt sen ấy đem chia cho mọi người những phần mình lại không ăn. Khi tỉnh dậy, bà lấy làm lạ lắm.
Đến khi sinh ông, vừa thoáng thấy mặt mũi đến hình dáng đều khác thường, bà nói với mọi người: "Thằng bé này về sau ắt sẽ được sang giàu hơn người, chỉ tiếc là tôi không kịp hưởng lộc mà thôi". Thế rồi vài năm sau bà mất.
Bấy giờ có viên quan họ Lê, người Ái Châu (nay là thuộc Thanh Hóa) thấy vua có dung mạo khác thường nên đem về nuôi. Một hôm mùa đông giá rét, Lê Hoàn phải nằm phục xuống như hình cái cối úp cho đỡ buốt, chẳng dè đêm ấy, cả nhà sáng rực cả lên vì có con rồng vàng nằm che lên...
Lớn lên, Lê Hoàn trở thành bộ hạ của Nam Việt vương Đinh Liễn. Ông vốn là người thông minh, phóng khoáng nên được cha con Đinh Bộ Lĩnh hết sức quý mến. Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (968), lập ra nhà Đinh. Lê Hoàn lúc này mới 27 tuổi đã được phong làm Thập đạo tướng quân (chỉ huy 12 đạo quân). Sau đó trở thành người chỉ huy tối cao của quân đội Đại Cồ Việt.
Khi vua Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị sát hại (9/979), nhà Tống ráo riết chuẩn bị tiến quân xâm lược nước ta. Vua mới Đinh Toàn còn quá nhỏ, thái hậu Dương Vân Nga cùng các đại thần đã tôn Lê Hoàn làm vua.
Dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn, quân và dân Đại Cồ Việt đã đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Tống vào năm 981, do tướng Hầu Nhân Bảo chỉ huy, bảo vệ vững chắc nền độc lập của nước nhà. Sau chiến thắng này, Lê Hoàn lần lượt đánh bại quân Chiêm Thành, cũng như đập tan các cuộc nội phản, hoàn thành thống nhất đất nước.
Bên cạnh việc ổn định về mặt quân sự, Lê Hoàn còn rất chú trọng phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi. Ông trở thành vị minh quân đầu tiên tiến hành lễ cày "tịch điền" để làm gương cho nhân dân, khích lệ phát triển nông nghiệp. Dưới thời Lê Đại Hành, Đại Cồ Việt vững vàng cả về quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao.
Nhận xét về Lê Hoàn, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bậc anh hùng nhất đời vậy”.
Chuyện vua Lê Đại Hành dọa sứ thần nhà Tống sợ mất mật
Nếu tính từ thời độc lập bắt đầu do Ngô Quyền tạo dựng thì lần đầu tiên triều đình hù dọa sứ phương Bắc là Ngô Xương Văn - con thứ của Ngô Quyền. Sau đến đời nhà Đinh, rồi đến thời Lê Hoàn cũng có không ít lần hù dọa sứ thần Trung Quốc khiến họ kinh hãi.
Sử sách cũng nhận xét rằng, vua Lê Đại Hành không chỉ là một tài năng kiệt xuất về quân sự mà còn có tầm nhìn sâu rộng trong phát triển kinh tế, ổn định đất nước. Ông cũng là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao nước nhà.
Đó chính là chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cũng không kém phần cứng rắn. Chính sách ngoại giao khôn khéo đó đã buộc nhà Tống - triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời - vốn mang nặng tư tưởng bành trướng cũng phải từng bước thừa nhận sức mạnh của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư có chép, mỗi lần tiếp sứ nhà Tống, Lê Đại Hành có những chính sách khác nhau, luôn khiến sứ thần phải nể phục. Ví dụ như năm 987, đón sứ thần nhà Tống, Lê Đại Hành sử dụng các nhà trí thức Phật giáo để đối đáp với Lý Giác - một viên sứ thần hay chữ của nhà Tống khiến hắn phải kinh ngạc trước trí tuệ của Đại Cồ Việt. Thậm chí sau chuyến đi sứ này, Lý Giác còn làm thơ ca ngợi vua Lê không khác gì vua Tống.
Với sứ thần "biết điều", vua Lê Đại Hành sử dụng chính sách mềm dẻo nhưng với kẻ hống hách, ngạo mạn coi mình là bề trên thì vua Lê sẽ trừng trị thẳng tay. Chuyện kể rằng, vào năm 990, vua nhà Tống đưa một đoàn sứ giả sang Đại Cồ Việt, mang chiếu thư của vua Tống phong thêm chữ trong chức cho Lê Hoàn. Việc chỉ có thể mà nhà Tống phái 1 đoàn sứ giả đi, đứng đầu là Tống Cảo chánh sứ và Vương Thế Tác phó sứ.
Hai viên chánh, phó sứ này tỏ ra ngạo mạn, hống hách. Chúng báo sang là ta phải cho thuyền sang đón chúng ở Liêu Châu (thuộc Quảng Đông). Khi đó, ta đáp lại bằng cách cho thuyền sang đón nhưng đi từ Quảng Đông về Hoa Lư mà mất cả tháng trên thuyền. Trước hết là để hành xác cho mấy sứ giả bớt ngạo mạn và sau là để chúng cảm thấy muốn dùng thủy quân tiến đánh nước ta cũng rất khó.
Khi sứ giả nhà Tống đến nơi thì được tiếp đón vô cùng sơ sài. Nơi sứ quán đồ cung cấp không đầy đủ. Khi sứ bộ nhà Tống sắp vào thành thì mới biết có gian nhà lợp tranh đê chữ “Mao kính dịch” (trạm qua đường lợp tranh).
Mặc dù cho sứ nhà Tống ở nhà đơn sơ nhưng vua Lê Đại Hành lại kỳ công cho quân tinh nhuệ diễu võ giương oai làm cho sức thần nhà sợ mất mật. Bởi vậy khi đưa chiếu vua Tống sang, vua Lê Hoàn không thèm lạy mà bảo đang đau chân. Sứ Tống cũng phải im.
Ấy vậy nhưng lúc sau vua Lê Đại Hành cho đặt yến tiệc tại bãi biển, để chủ và khách vừa ăn yến vừa liên hoan ca múa nhạc, lấy trò bắt cá làm vui. Rồi Lê Hoàn tuy là vua nhưng tự cởi mũ áo, bỏ giày, đi chân không lội xuống nước đâm cá không hề có dấu hiệu đau chân.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, sau bữa tiệc ở bãi biển, vua Lê Hoàn lại cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến sứ quán, nói với sứ nhà Tống: "Nếu ăn được, sẽ cho làm cỗ để mời". Sứ thần khi ấy khiếp sợ, không dám nhận.
Một buổi khác, Lê Hoàn lại dắt hai con hổ tới sứ quán để sứ thần vui chơi. Sứ thần sợ, không dám nhận (Những chuyện ta tiếp sứ Tống Cảo đều có ghi trong tờ tâu của Tống Cảo với vua Tống và chép trong Tống sử).
Sau đó, Tống Cảo, Vương Thế Tác xin phép về nước, Lê Hoàn bảo thẳng vào mặt sứ: "Sau này có quốc thư thì nên để giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa" (Đại Việt sử ký toàn thư). Vua Tống biết chuyện cũng phải bằng lòng sau khi nghe 2 sứ kể về sức mạnh quân sự của Đại Việt lúc ấy.
Từ năm 983 tới 1009, nhà tiền Lê chỉ sai sứ sang Biện Kinh 6 lần. Ngược lại, các vua Tống 9 lần phái sứ giả sang Đại Cồ Việt để giữ quan hệ hòa hiếu phía Nam.
Trong những lần đón tiếp sứ thần này, bằng các biện pháp khác nhau, Lê Hoàn luôn chứng minh cho sứ thần thấy sức mạnh của Đại Cồ Việt, cũng như ý chí độc lập, tự cường, tự chủ, quyết bảo vệ non sông gấm vóc của nhà Tiền Lê. Đó là đường lối ngoại giao đầy chất trí tuệ và uyên bác.
Xem thêm: Lý lẽ đanh thép đòi lại đất của vị quan Đại Việt Lê Văn Thịnh khiến sứ thần nhà Tống "cứng họng"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận