Nữ anh hùng "gan vàng dạ sắt" Huỳnh Thị Ngọc: Giả câm, giả điên để qua mắt kẻ thù

Ở tuổi 21, anh hùng Huỳnh Thị Ngọc khiến quân địch điên đầu bởi sự "lì đòn" và "rắn mặt". Dựa vào vẻ ngoài tiều tụy, Huỳnh Thị Ngọc đã táo bạo giả câm, giả điên để che mắt quân thù.

Đỗ Thu Nga
08:00 07/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Ngọc là ai?

Hiện nay tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trưng bày một bộ hồ sơ bệnh án mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc. Đọc nội dung bệnh án và nghe câu chuyện về người có tên trong bộ hồ sơ, ít ai có thể hình dung được đó là một người phụ nữ. Bởi bộ hồ sơ bệnh án ấy được đánh đổi bằng máu và nước mắt của những năm tháng thanh xuân một đời người.

Nữ anh hùng trung kiên đó là chiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc với tên giả là Nguyễn Thị Thu Cúc tại Dưỡng trí viện Biên Hòa (sau này lần lượt đổi tên Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa; nay là BV Tâm thần TW II, đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 7, phường Tân Phong, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Hồ sơ được lập từ ngày 17/6/1972 - 4/3/1975, khi bà Ngọc giả điên che mắt địch.

Bà Huỳnh Thị Ngọc sinh ngày 20/10/1951 tại thị xã Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ năm 13 tuổi, khi còn là một cô bé, bà đã tham gia hoạt động cách mạng, làm nhiệm vụ hậu cần, cùng mẹ nuôi dấu, bảo vệ cán bộ cách mạng.

Vì gia đình có truyền thống cách mạng nên đã tôi luyện Huỳnh Thị Ngọc thành một chiến sĩ trung kiên, can đảm. Năm 15 tuổi, Ngọc đã được giao nhiệm vụ làm giao liên hợp pháp cho thị ủy và là truyền đạt viên của thị ủy Quy Nhơn đến năm 17 tuổi. 

ky-tich-gia-dien-qua-mat-dich-cua-anh-hung-huynh-thi-ngoc-9
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định Lê Kim Toàn đến thăm Anh hùng LLVT Huỳnh Thị Ngọc nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975 - 31/3/2020)

Từ năm 1969 đến năm 1972, cái tên Huỳnh Thị Ngọc nổi tiếng trong giới thanh niên, học sinh Quy Nhơn. Bà cùng một số đồng chí trong Ban chấp hành Thị đoàn Quy Nhơn tổ chức, lãnh đạo 3 cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước lúc bấy giờ.

Đáng chú ý nhất là sự kiện cuối năm 1971, Đội biệt động Chi đoàn Trần Văn Ơn dưới sự chỉ huy của bà Ngọc đã có trận đánh rúng động tại trung tâm thị xã Quy Nhơn, ngay trong buổi lễ ra mắt tên đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức.

Các chiến sĩ nhỏ tuổi khi ấy đã tiêu diệt một phó tỉnh trưởng, một quận trưởng, một trưởng ty. Tên tỉnh trưởng và nhiều tên khác bị thương. Trận đánh đó được Tỉnh ủy Bình Định đánh giá là trận mở màn cho chiến dịch Xuân - Hè 1972.

Đầu năm 1972, địch khủng bố, phong trào học sinh sinh viên bị tổn thất, nhiều người bị bắt, nhiều cơ sở bị vỡ, riêng Huỳnh Thị Ngọc bị kết án tử hình vắng mặt. Đến tháng 2/1972, Ngọc bị bắt ở thị xã Quy Nhơn. Song quân địch đã phải điên đầu trước sự ky đòn của người chiến sĩ cộng sản 21 tuổi với cái tên Nguyễn Thị Thu Cúc. 

“Chúng dùng rất nhiều hình thức tra tấn dã man, từ thả rắn vào người, dùng máy ly tâm quay đòng đòng để mình mất phương hướng, rồi dùng cả máy phát hiện nói dối... nhưng không moi được gì”, bà Ngọc từng chia sẻ.

Giả câm, giả điên để qua mắt kẻ thù

Theo Báo Pháp luật Việt Nam, tháng 2/1972, do có kẻ phản bội nên bà Ngọc bị bắt ngay trên đường đi từ căn cứ về thị xã. Khi bị bắt, trong người bà có tấm thẻ căn kiểm tra (chứng minh nhân dân) hợp pháp mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc nên bà chỉ một mực khai mình là Thu Cúc.

Tuy nhiên, quân địch đã nắm được tên thật, chức vụ của cũng như mọi hoạt động của bà qua tên chỉ điểm. Vì thế chúng tra tấn dã man hòng bắt bà khai nhận tội ác. 

ky-tich-gia-dien-qua-mat-dich-cua-anh-hung-huynh-thi-ngoc
Bà Huỳnh Thị Ngọc (phải) và bạn tù Thiều Thị Tạo ở nhà thương điên Biên Hòa, tháng 9/1974

Chúng đánh chiến sĩ Cúc đến liệt cả hai chân, dùng nhiều hình thức tra tấn dã man như "tra rắn" (tức là bỏ vào trong ống quần rồi buộc lại), "tra đèn" (dùng hai ngọn đèn hàng nghìn oát chiếu thẳng vào đầu trong nhiều ngày đêm liên tục".

Sau này mỗi lần nhớ lại, bà Ngọc lại rùng mình: "Cái cảm giác lành lạnh, nhồn nhột, ghê tởm của bầy rắn đã làm tôi hoảng loạn đến cùng cực. Còn cách tra tấn bằng đèn làm cho tôi thấy đầu óc lúc trống rỗng, lúc đậm đặc, mọi cảm giác mất hết…”.

Quân địch theo dõi bà Ngọc nhiều ngày, liên tục thay đổi các hình thức tra tấn nhưng không moi được thông tin gì. Khi ấy, bà Ngọc giả câm để đánh lừa địch nhưng đó không phải biện pháp lâu dài. Bởi bà cũng không chắc mình có thể giữ trọn vẹn khí tiết khi cứ bị tra tấn dã man như thế không. Vì vậy, nhân lúc một đồng chí của bà bị tra tấn trong khi bà bị bịt mắt kín mít, bà đã bất ngờ giật khăn và hét lên. Và thật vô tình, bà đã giả điên luôn.

"Chúng biết tôi giả điên nên tìm mọi cách tra tấn rất dã man như cho kiến cắn hay tiêm thuốc vào người để tôi có thể phát ra tiếng keii đau nhưng tôi dứt khoát không. Cuối cùng, hết cách chúng đưa tôi vào Sài Gòn, giấu ở Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Sau 3 ngày bỏ đói, chúng quyết định dựng một trường bắn giả để xác định tôi có thật sự điên hay chỉ giả điên. Chúng bắn cháy xém cả tóc nhưng tôi không có phản ứng gì khác ngoài khóc cười như điên như dại. Thất vọng, chúng đưa tôi đến nhà thương điên Biên Hòa. Mục đích là để khám nghiệm thần kinh cũng vì nghĩ tôi giả đò điên", bà Ngọc hồi tưởng.

Khi bị giam giữ trong nhà thương điên ở Biên Hòa, bà Ngọc đã sống như một người điên giữa thế giữa những người điên trong suốt 3 năm trời. Ghẻ tróc, bị gọt đầu, tiêm thuốc đến tê liệt nhưng ý chí kiên cường của người chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng tất cả. Bà Ngọc cố giữ vững tinh thần bằng cách làm thơ, sáng tác nhạc.

ky-tich-gia-dien-qua-mat-dich-cua-anh-hung-huynh-thi-ngoc-8
Bệnh án của bà Ngọc

“Trong những tháng ngày gian khổ đó, chị đã nghĩ về đồng đội, nhớ về quê hương, nhớ mẹ và nhớ Bác. Tất cả tấm lòng của chị dồn hết vào bài hát Lao tù nhớ Bác mà giờ chị vẫn nhớ trong tâm. Bài hát chị viết vào tháng 9-1974”, dẫn lời bà Ngọc theo báo Quân đội nhân dân.

Sống giữa thế giới người điên, bà Ngọc lúc nào cũng nung nấu ý nghĩ "vượt ngục" để trở về với cách mạng. Sau bao khó khăn chờ đợi, một buổi sớm đầu tháng 3/1975, lợi dụng lúc giám thị, hộ lý bận giải quyết một trường hợp bệnh nhân quấy rối lúc ăn sáng, bà Ngọc đã chạy thoát khỏi khu điều trị, dùng sợi dây xích đã chuẩn bị từ trước, vượt tường rào ra ngoài.

Thoát khỏi bệnh viện, bà chui vào nấp sau một đống rác lớn, thay quần áo, giả làm người đi chợ sớm, đàng hoàng mua vé lên xe buýt. Khi bệnh viện phát hiện ra thì bà Ngọc đã đến nơi ẩn náu an toàn. Không lâu sau, bà hòa vào đoàn quân chiến thắng giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. 

Năm 1990, bà Ngọc quay trở lại Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa để tìm những ký ức xưa. Tại đây, bà đã tìm thấy bộ hồ sơ bệnh án của mình, xin được lưu giữ làm kỷ niệm. Và sau 16 năm nâng niu cất giữ, năm 2016, bộ hồ sơ bệnh án được đổi bằng máu và nước mắt những năm tháng thanh xuân đã được bà trân trọng trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Xem thêm: Huyền thoại "người thép" Nguyễn Văn Thương 6 lần bị địch cưa chân

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận