Huyền thoại "người thép" Nguyễn Văn Thương 6 lần bị địch cưa chân

Trước hàng loạt đòn tra tấn dã man và cả những lời dụ dỗ bằng vật chất, "người thép" Nguyễn Văn Thương không hề lung lay ý chí. Thiếu tá tình báo 6 lần bị cưa chân đã khiến quân địch thét lên: "Tao thua mày, mày là sinh vật thép".

Đỗ Thu Nga
09:00 31/07/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sắc đẹp và kim tiền không lung lay được ý chí người chiến sĩ tình báo

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (1938 - 2018), quê ở xã Hưng Lộc, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Lên 3 tuổi, ông được gửi cho 1 người cô nuôi dưỡng để bố mẹ đi hoạt động cách mạng. Năm 8 tuổi, mẹ bị địch bắt, đày ra Côn Đảo rồi hy sinh. Năm 1959, bố cũng hy sinh trong một lần hoạt động quân báo.

Tháng 5/1959, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng. Năm 1961, ông chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy T4 Sài Gòn - Gia Định). Sau này, ông Thương chuyển sang hoạt động tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Mười Nho (Đại tá Nguyễn Nho Quý, Trưởng ban Tình báo khu Sài Gòn - Chợ Lớn).

Vào ngày 10/2/1969, vì 1 tên chiêu hồi tên là Chiến Cá chỉ điểm mà thiếu tá Nguyễn Văn Thương bị địch bắt khi đang trên đường công tác trước ngày ra Bắc học. Sau 1 đêm tra tấn, hành hình khốc liệt nhưng thiếu tá Thương không chịu khai báo thông tin. Địch liền đưa ông về 1 căn biệt thự rộng ở Sài Gòn giam giữ. Chúng đã đập mắt cá chân của ông Thương ở chính ngôi biệt thự rộng lớn, xung quanh có tường bao cao, trước sân rộng với nhiều khóm hoa hồng đỏ rực.

nguoi-thep-nguyen-van-thuong-6-lan-bi-dich-cua-chan-8
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương thời còn trẻ

Tại phòng khách của căn biệt thự này, một tên Đại tá Mỹ cao to, lịch sự, tổng có học thức bước ra chào ông. Gã nở nụ cười rồi hỏi thăm sức khỏe, sau đó chỉ xuống bàn - nơi có tấm ngân phiếu và nói: "Đây là tấm ngân phiếu trị giá 100.000 USD, ông muốn chuyển vào ngân hàng nào cũng được. Xe hơi, ngôi biệt thự này tất cả là của ông. Không chỉ vậy, nếu ông chịu hợp tác thì chúng tôi sẵn sàng trao cho ông 1 bộ quân phục 2 bông mai cấp Trung tá”.

Nghe vậy, thiếu tá Thương đã biết địch đang dùng đủ mọi cách để mua chuộc với mục đích để ông khai ra tổ chức cách mạng. Nhưng chúng đã quá sai lầm bởi ông là chiến sĩ tình báo từng trải, kiên định với lập trường, trung thành với tổ chức. Ông không hề hé răng nói lời nào trong suốt quá trình bị tên Đại tá Mỹ dụ dỗ. 

Thấy cách dùng kim tiền không ăn thua, tên sĩ quan Mỹ liền đưa một cô gái tên là Thùy Dương vào rồi bỏ đi. Thùy Dương thoạt nhìn là người rất đẹp, thông minh, lịch sự. Cô đẹp thật nhưng không phải kiểu cách, phô trương mà là nét đẹp tự nhiên, kín đáo, thanh tú toát lên vẻ dịu dàng, ánh mắt thân thiện làm người đối diện phải xiêu lòng ngay lập tức.

Nhưng thiếu tá Thương biết thừa đây là chiêu của quân địch. Chúng biết dùng tiền không mua chuộc nổi nên đã dùng "mỹ nhân kế". Dù Thùy Dương có dù đủ mọi cách, ông Thương vẫn không lộ ra điều gì.

nguoi-thep-nguyen-van-thuong-6-lan-bi-dich-cua-chan-0
Trong nhà ông Thương vẫn còn lưu giữ rất nhiều bức ảnh có giá trị

Lúc này, ông Thương nhẩm đi nhẩm lại trong đầu lời khai lý lịch ban đầu để không bị lộ thân phận: "Mình vì trốn lính bị bắt, mù chữ, tên Nguyễn Trường Hân, quê ở Bình Dương, cả gia đình đã chết trong 1 trận càn, ngoài ra không có gì hết".

Trong khi đó, Thùy Dương cũng cao tay không kém, cô nàng không tỏ rõ ý kêu gọi ông chiêu hồi, chỉ nói lời êm ái, tâm sự chuyện tâm tình như rút ra từ gan ruột, về gia cảnh, về lỗi lầm tuổi trẻ cô từng trải qua. Thỉnh thoảng Dương lại có động tác ân cần kiểu tình yêu lãng mạn, đánh vào tâm lý bản năng con người hòng lay chuyển ông.

“Chúng ta sẽ không ở đây nữa, chúng ta sẽ cầm theo tấm ngân phiếu này rồi đi du lịch Canada, khi nào chán chúng ta sẽ đi nước khác. Số tiền 100.000 USD này là của chúng ta, số tiền này lớn lắm đấy.

Em biết anh không thích Mỹ hay mình sang Châu Âu, đi cả mấy nước xã hội chủ nghĩa để so sánh xem nước nào giàu mạnh hơn. Em thích đi du lịch với anh lắm”, Thùy Dương thủ thỉ.

nguoi-thep-nguyen-van-thuong-6-lan-bi-dich-cua-chan
Khi bị bắt, dù địch dùng mọi quỷ kế, ông Thương vẫn quyết không khai báo nửa lời

Trong suy nghĩ của mình, ông Thương cũng phải công nhận Thùy Dương khéo léo khi không hề dụ dỗ đầu hàng hay nhắc đến chữ chiêu hồi, chỉ rủ đi du lịch. "Suốt 100 ngày cô chỉ có những lời êm ái hỏi thăm gia cảnh, chăm sóc sức khỏe và những tâm tình tưởng chừng như được rút ra từ trong sâu thẳm tâm hồn cô, rồi những lời nói về tình ái, những động tác thân xác đúng “bài” tình yêu lãng mạn, đánh vào tâm lý và bản năng con người hòng làm tôi lay chuyển, lơ là mà tiết lộ thông tin về tổ chức cách mạng của ta”, ông Thương chia sẻ ở thời điểm khi còn sống.

Nhiều lần, Dương dùng cách ăn mặc khiêu gợi để hy vọng ông Nguyễn Văn Thương có thể khai ra tên thật và tài liệu mật nhưng đều thất bại. “Anh nghe em đi, nói ra hết chúng ta sẽ có 10.000 USD đi xứ anh đào. Nếu không nghe, Mỹ sẽ đập nát 2 bàn chân của anh bởi nó là bàn chân của giao liên tình báo”, Thùy Dương thủ thỉ trong 1 lần tìm cách gần gũi ông Thương.

Sau 100 ngày ở trong ngôi biệt thự, dù dùng tiền, nhà cửa hay gái đẹp cũng không thể mua chuộc nổi người chiến sĩ tình báo trung kiên. Quân đội Mỹ cay cú bắt đầu áp dụng "giai đoạn 2" với những màn tra tấn tàn độc, khủng khiếp.

"Người thép" 6 lần bị địch cưa chân

Trong quá trình bị bắt giam, quân địch dùng đủ mọi đòn tra tấn dã man nhằm ép ông Thương khai các thông tin của tổ chức cách mạng. "6 lần cưa chân của giặc Mỹ khiến tôi không thể nào quên. Để bắt đầu cho việc hành hình tôi, chúng trói chặt tôi lên chiếc bàn rồi bẻ gãy hai ngón chân út khiến tôi đau đến tận tim”, ông Thương kể.

Quân địch tiếp tục dụ dỗ nhưng chỉ nhận lại từ ông Thương sự im lặng. Lúc nào ông cũng nhận mình là Nguyễn Trường Hân, lính đào ngũ chứ không phải Nguyễn Văn Thương - Tổ trưởng giao liên tình báo miền Nam như lời tên phản quốc Chiến Cá chỉ điểm. 

nguoi-thep-nguyen-van-thuong-6-lan-bi-dich-cua-chan-7
6 lần cưa chân đã khiến ông Thương mất đi đôi chân, không thể đi lại bình thường được

Cứ cách mấy ngày chúng lại đến thẩm vấn ông Thương, lần lượt 10 ngón chân của ông kêu "rắc", đứt lìa, máu chảy đầm đìa. Khi bẻ xong 10 ngón chân, chúng dùng gậy đập nát hai bàn chân để ông không thể làm tình báo được nữa.

"Dù nhiều lần chết đi sống lại, ngất lịm giữa vũng máu cả ngày trời nhưng ông Thương vẫn cắn răng chịu đựng vì một niềm tin vào Đảng. “Chỉ cần tôi khai ra nhiều cơ sở bí mật của quân ta sẽ bị bại lộ và việc đó hoàn toàn bất lợi. Tôi thà chết chứ nhất định không hợp tác với giặc, không bao giờ bán nước”, ông Thương từng khẳng định.

Khi các vết thương ở bàn chân chưa lành, quân địch lại cưa chân ông. Mỗi lần, bọn chúng cưa một đoạn. Chúng cưa bằng gang tay, khi thì chỉ vài cm, khi thì một đoạn. Hành động của chúng vô cùng tàn nhẫn.

“Trong nhiều ngày, chúng đã cưa chân tôi 6 lần và đây là quãng thời gian đau đớn khủng khiếp nhất. Mỗi lần chuẩn bị cưa, chúng lại áp dụng nhiều thủ đoạn tra tấn tâm lý kéo dài sự căng thẳng, kéo dài sự đau đớn. Hết đánh lại cưa, cưa xong lại chữa trị cho lành, gần lành chúng lại cưa. Có đợt, cưa xong chúng lại đưa tôi ra làm vật thí nghiệm cho bác sĩ Mỹ thực tập. Cứ như thế, chúng cưa nhiều lần, cưa nhiều đoạn và cho đến lần thứ 6 thì tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi chân”.

Lòng can đảm và sự trung kiên của ông Thương khiến những tên lính Mỹ phải kính nể. Trung tá Mỹ trực tiếp ra lệnh tra tấn ông cũng ở đó, nhìn ông một lúc không nói gì rồi quay vào bàn ngồi viết.

Viết được 1 lúc hắn đứng lên đi qua đi lại, rồi đến gần ông, nhìn khá lâu vào cơ thể và nói: "Ông đúng là 1 sinh vật bằng thép, thử sức nhau suốt 7 tháng nay, chúng tôi đã thua ông rồi”.

nguoi-thep-nguyen-van-thuong-6-lan-bi-dich-cua-chan-2
"Người thép" Nguyễn Văn Thương về với đất mẹ vào năm 2018

Khi vết thương lành, ông Thương được đưa về giam tại trại giam Hố Nai. Trong tù ông tiếp tục đấu tranh, viết truyền đơn nên bị quân địch nhốt vào thùng sắt 3 tháng - nơi mà người tù bình thường chỉ chịu đựng không nổi 15 ngày. 

Sau đó ông bị đày ra Côn Đảo. Đến năm 1973, sau hiệp định Paris, ông được tự do về đoàn tụ cùng gia đình với thân hình không còn lành lặn.

Sau giải phóng, ông về miền Nam và tham gia vào ban quân quản, lĩnh vực tình báo. Mấy năm sau đó, ông về nhà chăm lo cho hạnh phúc gia đình và vợ con.

Năm 1978, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, Chuẩn úy Nguyễn Văn Thương.

Đến 9h50 ngày 13/8/2018, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) qua đời ở tuổi 81. Nhưng câu chuyện về lòng trung kiên của ông đến nay vẫn còn sống mãi và được các thế hệ Việt nhắc đến với lòng yêu kính, ngưỡng mộ.

Xem thêm: Chuyện chưa kể về giây phút cuối đời của nữ tử tù cộng sản huyền thoại

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận