Chuyện chưa kể về giây phút cuối đời của nữ tử tù cộng sản huyền thoại
Tên lính lê dương bắt chị, chị không chết, vẫn hát. Đôi mắt chị nhìn thẳng vào bọn lính khiến chúng khiếp sợ không dám bắt tiếp. Chị hiên ngang, quật cường ngay cả khi đương đầu với cái chết...
Chị Võ Thị Sáu chính là người đầu tiên xin tình nguyện cắt tóc thề để tiện lợi trong công tác cách mạng. Mái tóc ấy đã theo chị suốt những năm kháng chiến chống Pháp, trước tòa án binh thực dân, đến nơi pháp trường, trở thành hình tượng tuyệt đẹp trong lòng đồng đội của chị và bao thế hệ trẻ.
Chị Võ Thị Sáu - huyền thoại Đất Đỏ
Vào năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị Sáu gia nhập đội Công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với mong muốn trừng trị bọn ác ôn để trả thù cho đồng bào quê hương. Từ đó, chị đã trở thành người chiến sĩ trinh sát, phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng, trong đó có vụ dùng lựu đạn giết một tên quan Ba Pháp.
Tháng 2/1950, chị không may sa vào tay địch. Chúng dùng cực hình tra tấn nhưng chị không hé răng khai báo điều gì. Đến tháng 4/1951, địch đưa chị ra tòa án binh. Chúng khép chị phạm tội can dự vào các vụ "giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ".
Tên đại tá quan tòa Pháp hỏi chị có nhận tội như cáo trạng không, chị không trả lời mà đanh thép hỏi lại: "Là quan tòa, ông có thể kết tội những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp không?”. Tên quan tòa đứng dậy lắc chuông: “Bị cáo chỉ có thể trả lời có hoặc không”.
Chị Sáu lại nói: "Tôi không có tội. Yêu đất nước mình, chống thực dân xâm lược không phải là tội”. Quan tòa lại rung chuông ngắt lời chị, luận tội Võ Thị Sáu can tội “giết người, phá rối trị an, có hành vi chống lại nền bảo hộ của nước Pháp” và tuyên án “tử hình, tịch thu toàn bộ gia sản”.
Chị lại tiếp tục thét vào mặt y: "Tao còn mấy thùng rác ở Khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”. Tiếp đó chị hô to: “Đả đảo thực dân Pháp!”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!”. Thực dân Pháp muốn giết chết ngay người con gái đáng sợ này, nhưng không dám thực hiện bản án tử hình đối với người chưa đến tuổi thành niên.
Bản án tử hình chị Sáu khi đó đã gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến phản đối lên Quốc hội Pháp. Đã có những tranh luận nảy lửa cho rằng, hành hình phụ nữ là trái với pháp luật nước Pháp và truyền thống văn minh Pháp. Có người lại sợ rằng, việc hành hình sẽ dẫn đến những hậu quả xấu là Việt Minh trả thù, bắn tù binh Pháp...
Tuy nhiên, cuối cùng thủ tướng Pháp nói: “Để thắng trong cuộc chiến tranh này, nước Pháp không từ một thủ đoạn nào”- một điều thật mỉa mai thay cho một đất nước từng có nền dân chủ, văn minh và luật pháp tiến bộ và mang danh “tự do, bác ái, nhân quyền” đi bảo hộ cho các nước thuộc địa!
Những giây phút cuối cùng đầy bi hùng của chị Võ Thị Sáu
Theo báo Dân trí, đại tá Lê Văn Thiện (nguyên Phó Giám đốc Công an TP HCM, tác giả cuốn “Tình đất đỏ”) từng kể, trong thời gian bị giam cầm ở "địa ngục trần gian" Côn Đảo, ông bị giam chung với một tù nhân tên Tám Vàng 70 tuổi, quê Trà Vinh, bị thực dân Pháp kết án chung thân, tù khổ sai, lưu đày biệt xứ. Dù gọi là tù thường án nhưng ông Tám Vàng vốn là 1 tay lưu manh, anh chị em có tiếng và đã ở tù 40 năm ở Côn Đảo. Sau này, được các chiến sĩ cách mạng giác ngộ nên ông Tám Vàng từng bước thay đổi nhận thức, chọn cách sống ý nghĩa.
Nhìn cung cách, lối sống của bạn tù, ông Tám Vàng tin tưởng đem các sự kiện xảy ra trong ngày nữ anh hùng Võ Thị Sáu bị xử bắn (23/1/1952) kể lại cho ông Lê Văn Thiện.
Đây là đoạn ông Tám Vàng kể lại phút cuối cùng của chị Võ Thị Sáu trong cuốn “Tình đất đỏ”: “Khoảng 4 giờ sáng ngày 23/1/1952, giữa mùa gió chướng, những cơn sóng dữ ào ào đập vào bờ, bầu trời u ám, có tiếng hô vang lên từ các trại giam vọng lại: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Tên chúa đảo và thuộc hạ hoảng hốt liền ra lệnh khóa chặt cửa các chuồng giam.
…Chúng trói chị Sáu vào gốc bàng, hướng về nghĩa địa Hàng Dương. Chúng lấy khăn bịt mắt nhưng chị Sáu phản đối không cho bịt. Chị vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính sắp bắn hát bài “Chiến sĩ Việt Nam”, “Lên Đàng”… Tên lính lê dương cách chị Sáu 15m, khi bắn chị không chết, vẫn hát, đôi mắt nhìn thẳng vào bọn lính bắn chị. Bọn lính run sợ không dám bắn tiếp. Tên chúa đảo chạy đến, hò hét bọn lính bắn tiếp…”.
Cũng theo lời kể của ông Tám Vàng, khi ông cởi dây trói của chị Võ Thị Sáu thì mắt chị vẫn mở, cơ thể vẫn còn ấm. Chính tay ông đã vuốt mắt cho chị. Và cũng vì nể phục chị Võ Thị Sáu nên thay vì lấp đất chôn xác, ông Tám Vàng đã bí mật tìm 4 tấm ván làm hòm dã chiến, chọn nơi an nghỉ cuối cùng và lập bia mộ bằng cột xi măng cho nữ chiến sĩ trinh sát Đội Công an xung phong Đất Đỏ - Võ Thị Sáu.
Còn theo ghi chép lịch sử, ngày 21/1/1952, tức 5 ngày trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, kẻ địch lén lút đưa chị Võ Thị Sáu lên tàu ra Côn Đảo để thi hành án. Ngay buổi sáng 22/1, Ban chấp hành Liên đoàn tù nhân kháng chiến Côn Đảo đã phổ biến chỉ thị của Liên đoàn về hình thức phản đối cuộc hành hình Võ Thị Sáu với nhiều hình thức mạnh mẽ và đồng loạt, bởi Võ Thị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo, là thiếu nữ bị bắt và bị kết án tử lúc còn tuổi vị thành niên.
Suốt đêm 22/1, trong khi bị giam tại xà lim Sở Cò Côn Đảo, chị Sáu đã gửi lòng mình với đất nước và nhân dân bằng những bài ca cách mạng: "Lên đàng”, “Tiến quân ca”, “Cùng nhau đi hùng binh”, “Tiểu đoàn 307”… Cũng trong đêm đó, Chi bộ nhà tù Côn Đảo đã kết nạp chị Sáu là đảng viên chính thức. Bốn giờ sáng ngày 23/1/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án trước sự chứng kiến của chúa ngục Côn Đảo, một cố đạo nói với chị Sáu: “Bây giờ cha rửa tội cho con”. Chị gạt phắt lời cha cố: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội…”. Ông ta kiên nhẫn thuyết phục: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn ông ta và tên chánh án, trả lời: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước!”.
Hàng ngàn tù chính trị trong các khám đã thức suốt đêm, khi nghe thấy bước chân bọn lính lê dương giải chị Sáu đến nơi hành hình. Tất cả cùng đứng dậy hát vang bài Chiến sĩ ca - bài hát ấy dành tặng cho lòng dũng cảm, tiếc thương và tiễn đưa những đồng đội ra pháp trường.
Ra đến pháp trường, tên chánh án hỏi chị Sáu: “Còn yêu cầu gì trước khi chết?”. Chị nói: “Không bịt mắt tôi. Hãy để cho tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng”. Tên chánh án từ chối, với lý do là luật pháp đã quy định khi thi hành án tử hình. Chị Sáu hỏi lại hắn: “Vậy ông không nhìn nhận rằng bản án tử hình áp dụng cho một người phụ nữ chưa đủ tuổi thành niên là một ngoại lệ của luật pháp nước Pháp sao?”.
Tên chánh án lúng túng cuối cùng nói: “Tất nhiên là có ngoại lệ, song tôi sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của cô”. “Không sao. Tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người” - chị Sáu dõng dạc nói, và bắt đầu cất cao tiếng hát.
Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của chị thiết tha, bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử. Khúc hát vừa dứt, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng bắn thì chị nhìn thẳng vào 7 tên lính lê dương cách chị mười thước và thét lớn: “Đả đảo thực dân Pháp!”; “ Việt Nam độc lập muôn năm!”; “ Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Bảy tên đao phủ giật nảy người và những tiếng súng chuệch choạc nổ, những tên lính đã nhắm mắt bóp cò. Chỉ có 2 viên đạn trúng vai và sườn làm máu tuôn đỏ vạt áo, chị Sáu tiếp tục hát bài Tiến quân ca.
Tên chánh án chửi bọn lính là “đồ ăn hại” và ra lệnh bắn tiếp. Nhưng bọn lính chỉ đứng chống súng; cặp mắt trong trẻo của người thiếu nữ như một ma lực khiến bọn chúng run rẩy. Cuối cùng tên chỉ huy lầm lũi bước đến gí khẩu súng ngắn vào tai chị bóp cò… Bất ngờ từ Banh III (khám tù gần pháp trường) vọng đến tiếng hô phản đối: “Đả đảo thực dân Pháp!”; “Đả đảo hành hình!”; “Tinh thần Võ Thị Sáu bất diệt!”… Một tên giám thị hớt hải đạp xe lên pháp trường báo cho tên chúa ngục là tù nhân ở Banh I và Banh II cũng đang hò la phản đối náo động cả trung tâm thị trấn; tên chúa ngục hốt hoảng lên xe Jeep về dinh.
Chị Sáu đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng khiến cho quân địch khiếp sợ. Chị đã để lại niềm kính phục và tiếc thương vô hạn đối với các tù nhân, công chức, gác ngục, vợ binh lính trên đảo. Và cho đến nay, chị mãi mãi là nữ anh hùng trung kiên trong lòng dân tộc Việt Nam.
6 CÂU NÓI BẤT HỦ CỦA CHỊ VÕ THỊ SÁU
1. “Yêu nước chống bọn thực dân xâm lược không phải là tội”.
2. “Tao còn mấy thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô mà tịch thu!”.
3. “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”.
4. “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội.”
5. “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”.
6. “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”
Xem thêm: Xúc động những dòng hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận