Ký ức của họa sĩ anh hùng Lê Duy Ứng: 2 lần tắt thở và bức huyết họa chân dung Bác Hồ

Trong thời khắc cam go thời chiến, nghĩ mình đã chết, ông Lê Duy Ứng dành toàn bộ sức lực để họa lại chân dung Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc bằng chính dòng máu nóng hổi đang chảy ra từ vết thương trên cơ thể. 

Đỗ Thu Nga
10:00 08/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Căn nhà ở phố Lĩnh Nam của họa sĩ anh hùng Lê Duy Ứng giống như một phòng triển lãm thu nhỏ, trưng bày rất nhiều tác phẩm tranh vẽ. Lúc nào có khách đến thăm, ông cũng nở nụ cười trìu mến. Dường như, bóng tối ở phía trước mắt chỉ là cái cớ để cho ông sáng tạo, để cho niềm cảm hứng về đồng đội, về những năm tháng chiến tranh, trào lên nơi ngón tay.

Với họa sĩ thương binh 1/4 Lê Duy Ứng, cuộc sống mỗi ngày là một sự lao động miệt mài. Bởi thế mà ông vẫn sáng tác đều đặn, như để ký gửi tâm sự cuộc đời vào từng nét vẽ đôi khi cứ nhòe đi, cứ ảo mờ trước đôi mắt chỉ còn cảm nhận hai miền sáng tối.

Khi đất nước cần là lên đường

Đại tá, họa sĩ Lê Duy Ứng sinh năm 1947 tại thôn Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông được thừa hưởng gen nghệ thuật từ cha là họa sĩ, nhà báo Lê Yến. Lúc nhỏ, được thầy Bùi Đình Sơn dạy vẽ. Lên lớp 4, ông đã có triển lãm tranh đầu tiên với chủ đề “Xấu nên tránh, tốt nên làm”.

Năm 1967, ông Lê Duy Ứng vào học trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1971, khi đang học năm thứ 3 thì ông viết đơn xung phong nhập ngũ vào chiến trường miền Nam.

Sau khóa học huấn luyện trinh sát, ông được phân về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101 của sư đoàn 325, quân đoàn 2. Ông được giao nhiệm vụ làm Trợ lý văn hóa của trung đoàn. Ngoài những bức tranh về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, người lính họa sĩ Lê Duy Ứng còn nổi tiếng với bức tranh “Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn”.

Hoa-si-anh-hung-Le-Duy-Ung-va-chuyen-ve-buc-huyet-hoa-chan-dung-Bac-Ho-7
Họa sĩ anh hùng Lê Duy Ứng

Trước khi chuẩn bị đi chiến dịch năm 1972, ông được giao thực hiện vẽ tranh khổ lớn về Bác Hồ để trưng bày tại Đại hội cán bộ toàn sư đoàn. Bức tranh thể hiện rõ nét thần thái của Hồ Chủ tịch thông qua đôi mắt như đang nhìn cán bộ, chiến sĩ đi làm nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khi vào đến chiến trường Quảng Trị, ông Lê Duy Ứng thường xuyên vẽ chân dung Bác Hồ. Nhiều du kích và người dân Quảng Trị đều mong muốn có được một bức chân dung Bác Hồ để thờ. 

Ở giữa chiến trường túi bom đạn Quảng Trị, người bộ đội Lê Duy Ứng vinh dự được kết nạp Đảng. Rồi đến đầu năm 1975, cục diện chiến trường thay đổi, thời cơ cách mạng đã đến. Ông cùng đơn vị tiến vào giải phóng Huế. 

Trên chiếc xe GMC do đồng chí Thời - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 chỉ huy, Lê Duy Ứng vẽ và cho căng lên một bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch khổ lớn của tờ crô-ki. Đồng bào hai bên đường ùa ra vẫy tay hoan hô…

Chuyện về bức huyết họa Bác Hồ - biểu tượng của niềm tin

Vào một buổi trưa tháng 4/1975, thiếu tướng Lê Ninh - Chính ủy Quân đoàn 2 cho gọi Lê Duy Ứng tới và giao nhiệm vụ vẽ một bức tranh cổ động chuẩn bị cho chiến dịch Giải phóng miền Nam. Lê Duy Ứng được xem bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi Quân đoàn 2. Cuối bức điện nổi bật lên hàng chữ: “…Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới. Giải phóng hoàn toàn miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Sau một đêm dài suy nghĩ, ông Ứng đã vẽ bức tranh cổ động khổ lớn cao 1,5m, rộng 1,2 m. Trong tranh hình ảnh Bác Hồ giơ tay chỉ về phía trước. Phía trên, là máy bay, dưới là tàu hải quân, dưới đất là xe tăng, những bộ binh lao về phía trước theo tay Bác chỉ. Phần trên cùng bức tranh đề “Hành quân thần tốc”, phía dưới đề “Xốc tới lập công”. Bức tranh cổ động này cùng với bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” được đặt trên chiếc xe chỉ huy.

Hoa-si-anh-hung-Le-Duy-Ung-va-chuyen-ve-buc-huyet-hoa-chan-dung-Bac-Ho
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên bức huyết họa (Ảnh cách đây nhiều năm)

Người chiến sĩ cách mạng trung kiên vẫn còn nhớ như in thời khắc cuộc họp của mũi cánh Đông tại rừng cao su Xuân Lộc do Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy. Các sư đoàn, các lữ đoàn, các trung đoàn đến nhận nhiệm vụ. Kế hoạch Giải phóng Sài Gòn được Trung tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho các mũi, các hướng. Sư đoàn 304 được giao nhiệm vụ đánh vào căn cứ Nước Trong, sau đó phát triển dọc theo xa lộ Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn.

Phối hợp cùng là Lữ đoàn tăng thiết giáp 203. Sư đoàn 325 được giao đánh vào Long Thành vượt phà Cát Lái tiến vào Sài Gòn… Khi đó, Lê Duy Ứng đang làm nhiệm vụ chụp ảnh để lưu lại phòng truyền thống Quân đoàn 2. Khi biết mũi 304 đánh vào nội đô như vậy, Lê Duy Ứng đã xin Thượng tá Lê Khả Phiêu - Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2 được theo mũi của Lữ đoàn tăng thiếp giáp 203…

Ông Lê Duy Ứng được chỉ định lên chiếc xe tăng 847. Leo lên xe, Lê Duy Ứng ngồi ngay sau tháp xe tăng, trước mặt là khẩu 12 ly 7 và Đại đội trưởng Đình. Bên cạnh là Trinh sát của sư đoàn 304.

Cuộc tấn công vào căn cứ Nước Trong, Biên Hòa, Đồng Nai, mục tiêu là Trường Sĩ quan quân thiết thiết giáp ngụy. Lữ đoàn xe tăng 203 tấn công với sự phối hợp của E9, bộ binh Sư đoàn 304.

Hoa-si-anh-hung-Le-Duy-Ung-va-chuyen-ve-buc-huyet-hoa-chan-dung-Bac-Ho-9
Phiên bản bức huyết họa Lê Duy Ứng vẽ ngay trên tháp xe tăng khi bị thương, hai mắt bị hỏng

Khi ấy, ông Lê Duy Ứng tận mắt chứng kiến cảnh chiến đấu anh hùng của quân đội ta và sự ngoan cố chống trả của địch. Ông đã chụp ảnh, tốc ký vội những cảnh chiến tranh. Trong khi đang vẽ người xạ thủ mặt chữ điền, lông mày lưỡi mác, mắt quả trám đang mím chặt môi, mồ hôi đổ dòng dòng trên má, tay siết cò súng nhả đạn vào công sự địch đang quạt đại liên vào bộ binh ta thì bất ngờ… rầm một tiếng. 

Sau cơn choáng váng, ông Ứng tỉnh lại. Cố nhìn mọi vật xung quanh nhưng không được, ông đưa tay lên sờ mặt, má ướt sũng. Sờ tay lên mắt phải, ông Ứng thấy máu bê bết. Sờ sang mắt trái, máu cũng đầm đìa. Biết mình bị thương 2 mắt, đầu, ngực nên ông kêu "tôi bị thương rồi". Tuy nhiên, không có ai đáp lời.

Hoa-si-anh-hung-Le-Duy-Ung-va-chuyen-ve-buc-huyet-hoa-chan-dung-Bac-Ho-8
Họa sĩ Lê Duy Ứng bên tác phẩm "Bài ca ra trận" mà ông tâm huyết

Khi ấy, xung quanh chỉ có tiếng đạn gầm rú xung quanh. Bên cạnh, người trinh sát đã hy sinh một cách bi tráng.

Điều lạ lùng là, dù đã bị thương nhưng ông Ứng lại cảm thấy rất tỉnh táo. Phải làm gì đây? Nghĩ mình không thể sống nổi, ông Ứng quyết định làm một việc gì đó để lại cho mọi người. Trong khoảnh khắc đó, ông nhớ tới bức vẽ bằng máu của họa sĩ Diệp Minh Châu. Và giờ đây, máu đang chảy tràn, Lê Duy Ứng quyết định vẽ chân dung Hồ Chủ tịch bằng máu…

Ông Ứng nhanh chóng trải tờ giấy crô-ki ra và vẽ. Đây là bức vẽ đầu tiên và ngay khi Lê Duy Ứng bị thương trên tháp xe tăng. Vẽ xong hình Hồ Chủ tịch, Lê Duy Ứng vẽ thêm cờ Tổ quốc, cờ Đảng ở phía trên. Bên dưới tranh, Lê Duy Ứng viết: “Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân - Lê Duy Ứng”. Vẽ xong, Lê Duy Ứng gập bức tranh lại nhét vào túi áo ngực trái rồi lịm đi…

Năm 1990, tức là 15 năm sau ngày chiến thắng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức tranh được đưa từ Bảo tàng Quân đội về Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Mối tình đẹp trên tiền tuyến của họa sĩ Lê Duy Ứng

Trong một bài phỏng vấn, ông Lê Duy Ứng cho biết, năm 1982 đã được GS.BS Nguyễn Trọng Nhân cấy ghép thành công trong 4 tiếng đồng hồ và mắt ông đã sáng trở lại. Khi nhìn thấy ánh sáng trở lại, cũng là thời điểm ông sáng tác được nhiều nhất, ông vẽ như thể đó là một điều cứu rỗi duy nhất để có thể mang khát vọng và ước mơ của mình cất cánh.

Ông vẽ về cánh rừng thương binh nằm, vẽ về những người y tá, bác sĩ sau trận chiến, ông vẽ về những sinh hoạt đời thường khi những người lính ngồi kể cho nhau nghe chuyện quê hương...

Đặc biệt, nhiều bức tranh và bức tượng về Bác Hồ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong ký ức người xem như: "Tượng Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn", "Bác Hồ với thiếu nhi", "Tội ác của Mỹ - ngụy với nhân dân Quảng Trị"... 

Nhưng dường như, số phận đã thử thách ông thêm một lần nữa, khi năm 2005, đôi mắt ông lại mất dần thị lực. Dù được tạo điều kiện để sang Nhật chữa trị, song đôi mắt ấy đã dường như không thể phục hồi trở lại. Bây giờ, ông chỉ có phân biệt được mảng sáng khi đưa nó đến thật gần, còn phía trước, chỉ là một màn đêm đặc quánh.

Ông cha ta vẫn nói, ông trời không cho ai tất cả cũng không lấy đi của ai tất cả. Bị mất đôi mắt nhưng ông Ứng lại được số phận bù đắp cho người vợ thảo hiền. Bà ấy là Trần Thị Lê - người con gái gốc Quảng Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bà là thanh niên xung phong, Họ gặp nhau tại Quảng Trị năm 1973, nhưng sau đó, vì nhiệm vụ khác nhau nên đã xa nhau.

Hoa-si-anh-hung-Le-Duy-Ung-va-chuyen-ve-buc-huyet-hoa-chan-dung-Bac-Ho-5
Bà Trần Thị Lê - Người vợ tào khang của ông Lê Duy Ứng (Ảnh: Vietnamnet)

Thời điểm bị thương hỏng mát, nghĩ mình làm sao có thể mang đến hạnh phúc cho ai nên ông đã tự chui vào cái kén của mình để trốn tránh. Một người bạn sau đó báo tin cho bà Lê. Bà Lê vội vã tìm đến Bệnh viện 108 gặp ông. Kìm nén mọi cảm xúc, ông không muốn làm người phụ nữ mình yêu thương thất vọng.

Ông bảo, vì tàn tật nên ông không muốn lấy vợ nữa. Người con gái Hà Nội dịu dàng, chung thủy ấy đã nói trong nước mắt: "Em yêu ai thì chỉ yêu đến chết một người thôi!".

Số phận dường như đã an bài, lần thứ 2, bà Lê vào viện thăm ông Ứng, dù bị ông từ chối, nhưng hiểu được tấm lòng của người con trai miền Trung, bà nói rõ cho ông biết, rằng bà muốn gánh vác một phần những khó khăn, vất vả, cả nỗi đau mà ông phải chịu. Bà đã theo ông vào Vinh (Nghệ An) chăm sóc ông khi ông chuyển bệnh viện.

Rồi một lần, họa sĩ Lê Duy Ứng kể: "Cô ấy đã đưa cả bố mẹ và các em vào viện rồi nói: Anh đừng từ chối em mãi thế, em biết anh từ chối rồi anh cũng sẽ có vợ, em cũng sẽ có chồng, nhưng người vợ anh lấy anh sẽ không biết mặt. Còn em là người yêu cũ anh biết mặt rồi, sau này nếu sinh con ra, người ta nói con giống em thì anh tưởng tượng luôn được mặt con. Câu nói này đã làm tôi quá xúc động, vì thế ngày 19-9-1976, chúng tôi đã quyết định làm lễ cưới tại khu tập thể Trương Định (Hà Nội)".

Bây giờ, họ đã có với nhau 2 người con, đủ nếp và tẻ. Người vợ tào khang vẫn ở bên cạnh ông ngày ngày cơm nước, chăm sóc vỗ về những khi trở trời đau ốm. Bà đến với ông bằng tình yêu, sự thủy chung tròn vẹn. Bà để ông thả sức vẫy vùng với sáng tạo và tưởng tượng bằng một thứ ánh sáng không phải từ đôi mắt, mà từ tâm hồn, từ trái tim. 

Có lẽ bởi thế, mà người họa sĩ thương binh mù ấy, vẫn có đủ sức khỏe, tinh thần lạc quan để có thể vẽ, nặn nên những bức tượng, những bức tranh có sức sống về những người lính một thời kiêu hùng nơi trận mạc, những khát vọng của tuổi trẻ một thời không bao giờ nguôi quên.

Họa sĩ Lê Duy Ứng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông cũng đã có trong gia tài nhiều giải thưởng danh giá. Nhưng người lính ấy, mỗi khi có khách đến nhà, dù đó là ai, vẫn vồn vã, lần mò từng bậc thang, từ từ tra ổ khóa cửa tươi cười đón khách. Ông khiến cho người ta có cảm giác rằng, mọi nỗi buồn, mọi nỗi đau rồi sẽ đi qua, mọi vết thương rồi sẽ lành, chỉ tinh thần lạc quan, niềm vui sáng tạo và niềm yêu say cuộc sống là còn sáng mãi...

Xem thêm: Phi công cảm tử Vũ Xuân Thiều: Người anh hùng biến Mig-21 thành 'quả tên lửa thứ 3'

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận