Giọt nước mắt hạnh phúc xen lẫn lo âu của thủ khoa nghèo
Khi hay tin mình là thủ khoa, em Đỗ Thị Ngọc Chi vừa vui vừa lo. Em lo vì sợ việc học đứt gánh giữa chừng do hoàn cảnh quá khó khăn.
"Không phải thủ khoa, em đã nghỉ học"
Xóm lao động nghèo nằm ở lưng chừng đồi cát tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) chẳng mấy ai bất ngờ khi hay tin Chi thi đỗ thủ khoa khối C toàn tỉnh. Họ chẳng ngạc nhiên về ý chí vượt khó học giỏi của mấy đứa con bà Mến. Điều họ nghĩ đến là lo cho nhà bà Mến đông con lại nghèo, chỉ sợ Chi đứt gánh học giữa chừng.
Nơi chi sinh sống được gọi là xóm lò gạch (thôn Nam Trạch, xã Lộc An) vì nơi đây gần Nhà máy gạch Tuynel Lộc An, phần lớn người dân ở đây đều đã và đang làm việc tại nhà máy gạch này.
Khi hỏi thăm đường đến nhà bà Hoàng Thị Mến, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Họ nhớ nhất là việc Chi trở thành thủ khoa đại học.
"Cậu đi tới một đoạn rồi quẹo ngay vào con đường bê tông nhỏ cạnh ngay nghĩa địa của thôn, đi tiếp khoảng 500m là tới. Ở xóm ấy ai cũng biết nhà bà Mến. Nhà nghèo mà có 4 cô con gái học giỏi lắm", cô hàng nước ven đường tận tình chỉ lối.
Cô thủ khoa khối C toàn tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày này đang chạy đôn chạy đáo chuẩn bị vào TP.HCM nhập học sớm nhất có thể.Dù chưa có giấy báo đậu đại học của trường gửi về nhưng với số điểm của mình, Chi tự tin em sẽ đậu vào ngành báo chí của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.
"Em muốn vào Sài Gòn càng sớm càng tốt để làm quen phố xá rồi đi xin việc làm thêm. Em muốn kiếm tiền nhập học", Chi lí nhí giải thích lý do "Nam tiến" sớm hơn chúng bạn cùng trang lứa.
Được biết, Chi là con thứ 3 trong gia đình nghèo có 4 chị em. Mẹ là Hoàng Thị Mến (49 tuổi) bị bệnh tim bẩm sinh, mất sức lao động. Gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của bố là ông Đỗ Văn Nhỏ (48 tuổi) đang làm công nhân với đồng lương ít ỏi.
Thơi bố mẹ khổ cực, 4 chị em Chi luôn tự bảo ban nhau học tập để sau này thoát cảnh nghèo khó, phụng dưỡng cha mẹ.
Ngày hay tin mình đỗ thủ khoa khối C của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng điểm 28,5 (trong đó có điểm 10 môn lịch sử), Chi đã bật khóc nức nở. Những giọt nước mắt hạnh phúc sau cả quá trình rất dài vượt khó để học của em.
Ước mơ trở thành sinh viên ngành báo chí, được trở thành một cô phóng viên đứng trước ống kính máy quay dẫn những bản tin truyền hình như em thường thấy đang mở ra trước mắt. Ấy vậy mà cánh cửa đó từng đóng sầm lại trước mắt em khi một lần Chi vô tình nghe lén được cuộc nói chuyện của ba với mẹ.
"Đợt này công ty lại cắt giảm giờ làm, gạch không xuất bán đi được nên tuần tôi chỉ đi làm được 2 buổi. Tháng này lương còn hơn 2 triệu đồng. Bé Chi đi học, tôi nuôi không nổi", ông Nhỏ thủ thỉ với vợ, giọng nghèn nghẹn.
"Nghe đến thế em lại không kìm được, lại khóc. Nếu không phải là thủ khoa, chắc em đã quyết định nghỉ học để đi làm công nhân may mà không cần phải suy nghĩ. Em biết ba mẹ đang mang một khoản nợ cả trăm triệu đồng để lo cho 2 chị đầu đi học đại học. Giờ cả em nữa chắc ba mẹ em không gánh thêm nổi", Chi nghẹn giọng.
Học để thoát nghèo
"Em không muốn vì hoàn cảnh để phải đứt gánh học giữa chừng, em phải học để giúp ba mẹ em thoát nghèo, không còn phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa.
Câu nói của Chi khiến ai cũng xót xa. Nhưng tình cảnh của em lúc này lại đầy khó khăn.
Khi nhắc đến con gái, bà Mến lại nghẹn ngào tự trách bản thân mang căn bệnh tim bẩm sinh quái ác. Bà chỉ ước mình có sức khỏe để cùng với ông Nhỏ đến lò gạch làm công nhân bốc vác thuê. Lúc đó đường học của 4 người con của bà sẽ rộng lối hơn bây giờ.
"Thương con học giỏi mà hoàn cảnh quá khó, chồng tôi nói với tôi là khuyên con bé nghỉ học đi làm. Chờ hai chị gái đầu có công việc ổn định rồi thì hẵng thi lại cũng không muộn. Nhưng con bé quả quyết không chịu", bà Mến nói.
Hơn ai hết, Chi hiểu cơ hội để một cô học trò nghèo trường huyện thi đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM là rất khó. Chi không muốn bỏ lỡ giấc mơ trở thành phóng viên của mình.
2,5 triệu đồng là số tiền em được UBND huyện Phú Lộc tặng thưởng nhờ thành tích đạt thủ khoa khối C toàn tỉnh. Số tiền đó được em cất giữ như báu vật, không dám tiêu một đồng đặng để sau này vào TP.HCM nhập trường.
Chi sẽ thu xếp vào TP.HCM sớm để kiếm việc làm thêm và tự trang trải cuộc sống sinh viên, với quyết tâm "không muốn vì hoàn cảnh để phải đứt gánh học giữa chừng, phải học để giúp ba mẹ thoát nghèo"...
(Theo Tuổi trẻ)
Xem thêm: Khát vọng được sống của nữ sinh nghèo mắc bệnh ung thư hốc mắt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận