Gian hàng quần áo 0 đồng và cô chủ quán lương thiện: Người nghèo cứ "shopping" thả ga
Ngập ngừng lấy chiếc áo khoác treo trên sào, chị Lai ướm thử vào người rồi cười tít mắt. "Áo cũ mà vừa vặn quá, tôi có áo mặc đi bán cho đỡ nắng rồi", người phụ nữ 44 tuổi nói.
Hơn một tháng nay, hàng trăm người lao động nghèo tìm đến nhà của chị Ngọc Trâm ở số 32, đường 41 (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM) để sắm quần áo, giày dép… với giá 0 đồng.
Chị Trâm là giáo viên dạy yoga. Trước đây, chị thường quyên góp quần áo cũ gửi lên các tỉnh Tây Nguyên tặng cho người khó khăn. Sau một thời gian, chị trăn trở không biết liệu những món đồ mình tặng người nhận có thích không, có mặc vừa không?
Mong muốn người nhận được tự tay chọn lựa món đồ phù hợp với mình và được chứng kiến niềm vui của họ, chị quyết định mở gian hàng 0 đồng ngay tại căn phòng khách rộng chừng 30m2 của gia đình.
"Tôi nghĩ, Sài Gòn cũng có người khó khăn thật sự cần đến quần áo cũ. Tôi không gọi nơi đây là điểm tặng quần áo từ thiện mà gọi là gian hàng 0 đồng vì chắc chắn rằng ai cũng thích cảm giác được đi mua sắm. Gian hàng là nơi trung gian giúp người dư đồ có nơi để gửi tặng, người cần cũng biết địa điểm đến lấy", chị Trâm chia sẻ.
Vốn là một giáo viên dạy yoga, chị Trâm thường phải đi dạy từ lúc trời chưa sáng. Sau khi xong việc, chị về nhà mở cửa gian hàng từ 8h - 10h, chiều từ 15h - 19h.
Tuy làm công việc không lương nhưng chị Trâm được các thành viên trong gia đình ủng hộ. Bà chủ gian hàng có 3 con nhỏ, đứa út chỉ mới hơn 1 tuổi nên phải nhờ đến sự chăm sóc, hỗ trợ từ mẹ ruột và chồng.
Những ngày đầu mới mở gian hàng, cứ cuối tuần khi chồng được nghỉ làm, hai người đèo nhau đến tận nhà người tặng để nhận quần áo cũ. Giờ đây nhiều người biết đến, họ đặt dịch vụ giao hàng gửi đến nhà chị. Nhiều người tặng chị giá treo, móc và cả tấm bảng hiệu…
"Tôi biết đến gian hàng 0 đồng này qua facebook, cuối tuần gia đình tôi dọn dẹp nhà cửa, rồi lọc những thứ không dùng mang đến chia sẻ cho những người còn thiếu", chị Nhung (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) chia sẻ.
Tuy là đồ cũ nhưng tất cả đều được người tặng chu đáo giặt sạch sẽ. Việc của chị Trâm là phân loại, phối các món đồ lẻ thành bộ để mọi người dễ chọn. Những món hỏng nhẹ, chị gom lại gửi thợ may sửa một lượt rồi treo lên giá. Món nào bị dính bẩn không thể xử lý, chị gửi tặng cho một đơn vị cứu trợ chó mèo để họ tái sử dụng.
Ngoài quần áo, chị Trâm còn nhận giày dép, túi xách, sách, đồ chơi hoặc chén đũa… Tất cả được chị xếp ngay ngắn trên kệ cho mọi người đến lấy.
Nhiều người khuyên chị trải bạt, gom quần áo lại thành đống để mọi người đến lựa nhưng chị Trâm không làm như thế.
"Quần áo con nít, đồ công sở, đồ bộ nữ, đồ nam... được tôi phân loại và treo ở những sào riêng. Tuy người khó khăn không có đủ điều kiện mua sắm thường xuyên, nhưng tôi muốn mọi người có được cảm giác đi "shopping", chị Trâm chia sẻ.
Ngắm nghía chiếc áo khoác còn mới toanh, chị Lai (44 tuổi) thích thú khi chọn được món đồ đang cần vào sáng 3/3. "Tôi muốn tìm áo khoác mặc đi bán cho đỡ nắng. Trước đây tôi cũng hay mua quần áo cũ để mặc nhưng rẻ nhất cũng vài chục nghìn một cái, bằng cả nửa ngày trời đi làm", người phụ nữ lần đầu đến gian hàng chia sẻ.
"Đi bán trái cây khắp các ngõ hẻm Sài Gòn mấy năm nay nhưng lần đầu tiên tôi thấy một gian hàng như thế này. Lần đầu đến tôi không dám vào vì không nghĩ có người bán hàng giá 0 đồng, phải hỏi đi hỏi lại mấy lượt. Đồ ở đây rất sạch, thơm, tôi không chỉ lựa được đồ bộ cho mình mà còn thêm được cái quần jean cho ông xã nữa", bà Dư (ngồi phía sau) nói.
Bà Đặng Thị Xế (53 tuổi, hàng xóm của chị Trâm) đang thử đồ cho cháu ngoại của mình tại gian hàng 0 đồng hôm 4/3.
"Nhà nghèo nên ít khi mua áo quần mới cho cháu. Từ ngày có gian hàng này, hôm nào bé cũng đòi tôi dắt ra đây lựa đồ, mỗi lần lựa được bộ đồ ưng ý, nó sung sướng lắm", bà Xế chia sẻ.
Trong hàng trăm vị khách, có 1 đứa trẻ bán vé số đến lựa quần áo hơn nửa tháng trước khiến chị Trâm nhớ mãi.
"Thằng bé lấp ló ngoài cửa ngỏ lời muốn vào. Sau 1 hồi đảo tay hết sào đồ, em chọn chiếc áo trắng đồng phục học sinh. Thấy lạ, tôi hỏi thì biết vì em không đi học nên khao khát được mặc đồng phục. Những điều nhỏ nhặt như thế lại khiến tôi có thêm động lực để duy trì gian hàng", bà mẹ 3 con cho biết.
Dự định, chị sẽ mở thêm 1 gian quần áo 0 đồng nữa ở quê hương Đồng Nai vào vài tháng tới. Sắp tới, chị sẽ đặt một kệ sách thiếu nhi, 1 tủ thuốc 0 đồng ở nhà để hỗ trợ cộng đồng.
Tuy không khá giả với công việc mưu sinh bận rộn lại có con nhỏ nhưng chị Trâm vẫn đặt tâm huyết vào gian hàng. Nhiều người cho rằng chị làm việc bao đồng, song những điều nhận lại từ việc làm này nhiều hơn chị nghĩ.
Niềm vui của chị là nhận được những nụ cười, lời cám ơn và đôi khi là bọc trái cây của những người đến "mua hàng".
"Chưa dám chắc đóng góp gì nhiều cho cộng đồng, nhưng về phần gia đình, những đứa con của tôi cũng phụ soạn đồ, giúp đỡ mẹ và biết thực hành chia sẻ yêu thương tới người thiếu thốn hơn mình, vậy là vui rồi", chị nói.
(Theo Dân trí)
Xem thêm: Gian hàng quần áo 0 đồng "xịn" như hàng hiệu: "Hãy lấy đủ dùng, nếu bạn ổn xin nhường người khác"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận