Giai thoại ly kỳ về ngôi huyệt mộ phát vương của nhà Trần ở Thái Đường
Chuyện họ Trần lên thay họ Lý thì chính sử viết rất nhiều, phân tích rất tường tận; nhưng chuyện về ngôi mộ phát viên ở Thái Đường thì không phải ai cũng biết.
Nhà Trần là triều đại lưu danh sử sách với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam. Triều đại này khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1225 sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Những năm đầu, Trần Cảnh được sự hỗ trợ tận tình của Trần Thủ Độ ("đạo diễn" cuộc chuyển giao quyền lực Lý - Trần) dốc sức phò tá.
Dưới triều đại nhà Trần, quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh bại quân Nguyên - Mông. Đây cũng là triều đại, kinh tế, xã hội, giáo dục và nghệ thuật được phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên ít ai biết được, xung quanh việc phát vương của nhà Trần có liên quan đến yếu tố phong thủy, nhất là câu chuyện về ngôi huyệt mộ ở Thái Đường.
Đôi nét về nguồn gốc họ Trần
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu luận... đều ghi rõ: Tổ tiên họ Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ 12, họ Trần đã đến vùng Tức Mạc (Nam Định) và Lưu Xá (xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh sống và hành nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc.
Họ đến nơi đây là vì thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha mẹ và vợ đến vùng đất Thái Đường - Ngự Thiên thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (Hưng Hà, Thái Bình) và lên bờ định cư, phát triển nông tang.
Ở đây, họ Trần làm nghề đánh cá. Bên cạnh đó còn luyện võ, học đạo lý làm người nên được dân chúng trong vùng mến mộ.
Giai thoại về phong thủy ngôi huyệt mộ phát vương
Dân gian kể rằng, một hôm Trần Tự Kinh cùng hai con trai là Trần Hấp và Tự Duy cùng mấy chục đệ tử đang ngồi thuyền vãn cảnh thì Tự Hấp thấy có xác người đóng bè trôi sông. Vốn là người quen làm việc nghĩa giúp người, Tự Hấp liền cùng các thủ hạ vớt thuyền.
Trong số các đệ tử có một người là Phạm Tử Tuệ rất giỏi về y thuật, ông nhận thấy xác người còn ấm, kinh mạch bị trì ấn nhưng chưa chết hẳn. Vẫn còn hy vọng cứu người, Trần Tự Hấp sai Phạm Tử Tuệ hết lòng cứu chữa. Nhờ đó mà người gặp nạn may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Khi hồi sức, người bị nạn kể rằng mình là Đoàn Thông, rất giỏi địa lý, quê ở lộ Hồng Châu (nay là Vĩnh Phúc). Ông bị một viên quan ác ở Thăng Long tên Nguyễn Cố sát hại.
Vì được cứu sống nên Đoàn Thông rất biết ơn Trần Tự Hấp. Là một người có tài xem phong thủy, ông đã cho Tự Hấp biết được rằng vùng đất Thái Đường này có khu đất tụ nhiều linh khí, nếu đặt mộ vào đấy thì sau này con cháu sẽ phát vương.
Nghe lời đó, Trần Tự Hấp liền chuyển hài cốt của cụ Trần Tự Mai về chôn ở Thái Đường, rồi cả gia quyến dọn về đây sinh sống. Trong sách "Phật Hoàng Trần Nhân Tông" có ghi chép về sự việc này như sau: "Thời đó có thầy địa lý Đoàn Thông được gia đình cụ Kinh cứu mạng, mong được trả ơn. Thầy Đoàn Thông muốn đặt giúp cụ Kinh ngôi mộ cụ tổ Trần Tự Mai ở hướng phát vương để cho con cháu của cụ lên ngôi vương “đứng đầu thiên hạ, đứng trên dân chúng” như lời thầy Đoàn Thông nói. Cụ Kinh từ chối, không nhận hướng phát vương. Cụ bảo thầy Thông đặt ở hướng phát nhân để con cháu cụ tu nhân tích đức. Nhưng thầy Đoàn Thông và người con thứ là Trần Tự Đức đã giấu cụ Kinh đặt ngôi mộ cụ Tổ Trần Tự Mai ở hướng phát vương tại đại huyệt Thái Đường phủ Long Hưng. Kể từ ngày đó, cụ tổ họ Trần tuy không mong danh vị cao sang đến với con cháu của cụ, nhưng danh vị cao sang vẫn cứ đến với họ một cách tự nhiên
Tại Thái Đường, họ Trần có nhiều ấn đức đối với người dân nên thanh thế ngày càng lớn mạn. Dòng võ Đông Á thu hút được nhiều nhân tài đến góp mặt.
Khi Trần Tự Kinh qua đời, con trưởng là Trần Tự Hấp kế thừa làm trưởng môn phái Đông A. Trần Tự Hấp sinh ra Trần Lý, rồi Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh, Trần Thị Dung.
Con thứ của Trần Tự Kinh là Trần Tự Duy ở vùng Lưu Xá bên cạnh sinh ra Trần Thủ Huy, rồi Trần Thủ Huy sinh ra Trần Thẩm và Trần Thủ Độ.
Thay thế triều Lý
Cùng với sự lớn mạnh của dòng họ và hậu thuẫn của các thế lực thời đó, dòng họ Trần từng bước được triều Lý giao cho nhiều công việc quan trọng. Trong đó có cả việc tham gia dẹp loạn nội triều. Chính những biến loạn trong triều Lý và sự lớn mạnh của dòng họ Trần trên vùng đất Long Hưng mà Thái tử Sảm của Triều Lý (sau này là Vua Lý Huệ Tông) đã về vùng đất Long Hưng lánh nạn rồi gặp gỡ, nên duyên với người con gái tài sắc vẹn toàn của dòng họ Trần (sau này là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung) - người đã cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Ðộ - với tài thao lược về chính trị và quân sự đặc sắc, đã tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần bằng một cuộc kết hôn giữa Lý Chiêu Hoàng (vị vua cuối cùng của Triều Lý) với Trần Cảnh (con trai cụ Trần Thừa).
Việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (sau này là vua Trần Thái Tông) là cuộc chuyển giao quyền lực chính trị có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam vào năm 1225.
Khi thay họ Lý, triều Trần đã về trấn giữ kinh đô Thăng Long nhưng vùng đất Long Hưng - Hưng Hà vẫn được các vua nhà Trần chọn làm hậu phương vững chắc. Triều đình đã cho các vương hầu, thân tộc về Long Hưng xây dựng điền trang, thái ấp, phát triển sản xuất, tích trữ lương thảo làm cơ sở nuôi quân đánh giặc. Trai tráng đất Long Hưng được các vua Trần tin cẩn, lựa chọn sung quân túc vệ, quân tinh cương bảo vệ triều đình. Đó cũng là lực lượng chính giúp vua khi có binh biến, giặc xâm lăng.
Gần 800 năm qua, lăng mộ và đền thờ các vua Trần, lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn còn đó, được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn. Dòng sông mà bao đời nay nhân dân Hưng Hà thường gọi là sông Thái Sư chính là con sông do Trần Thủ Độ chỉ huy khơi đài - nay vẫn ngày ngày mang nước tưới mát cho đồng ruộng Hưng Hà.
Vương triều Trần tồn tại và phát triển trong vòng 175 năm (từ năm 1225 đến 1400) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Những đóng góp về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội của vương triều Trần trong sự phát triển của lịch sử dân tộc là vô cùng to lớn, rực rỡ và rất đáng tự hào. Một triều đại không chỉ giỏi trong đánh giặc giữ nước, lãnh đạo phát triển kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền Nhà nước mà còn để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc sắc, phong phú mà đỉnh cao là hào khí Ðông A lẫy lừng.
Xem thêm: Lý giải nguyên do con cháu nhà Trần xưa đều mang tên các loài cá
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận