Giấc mộng lạ của vua Lê Thánh Tông về chữ viết đã thất truyền của người Việt

Nếu không phải người yêu thích lịch sử hoặc nghiên cứu lịch sử thì ít ai biết được, vua lê Thánh Tông chính là người đầu tiên trong lịch nước ta đã đề cập và nghiên cứu về chữ Việt cổ.

Đỗ Thu Nga
10:00 15/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đại Việt dưới thời trị vì của vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) là thời kỳ hoàng kim của đất nước; dân trí được mở mang, dân khí chấn hưng, thuần phong mỹ tục nở rộ. Trong Sử Việt - 12 khúc tráng ca đã ghi rằng, vua là đại diện của sự ấm no, an lành, của thái bình và thịnh trị. Nhắc đến ngày là nhắc đến một dòng suối mát phủ lấy trang sử xanh của dân tộc.

Giấc mộng lạ của vị vua anh minh

Sử chép, sinh thời vua Lê Thánh Tông là người có tài văn học, đứng đầu Tao đàn nhị thập bát tú (28 vì sao văn học thời bấy giờ). Vua để lại cho đời nhiều áng thơ văn có giá trị, trong đó phải kể đến tập "Thánh Tông di thảo" gồm 20 truyện ký. Nổi bật nhất là câu chuyện lạ, nhà vua ghi lại giấc mơ của mình (Mộng ký).

Giac-mong-la-cua-vua-Le-Thanh-Tong-ve-chu-viet-da-that-truyen-8

Nội dung như sau:

Một lần, vua Lê Thánh Tông đi chơi, gặp mưa, nghỉ đêm bên bờ hồ Trúc Bạch, mộng thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông ( khoảng năm 1176 – 1210) hiện lên, dâng thư bày tỏ nỗi oan ức gồm hai bài thơ bằng chữ Hán và một tờ tâu bằng chữ bản địa có 71 chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế. Vua không đọc được. Trải ba năm, cả triều đình không ai đọc được tờ tâu đó. Thế rồi, Lê Thánh Tông lại nằm mộng thấy có người hiện lên giảng giải cho vua rõ thêm về hai bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm, nghĩa của 71 chữ kèm theo thì người đó nói: “Chữ ấy là lối chữ cổ sơ của nước Nam. Nay Mường Mán ở núi rừng có người còn đọc được, nhà vua vời họ đến thì tự khắc sẽ biết”.

Luận giải về 2 giấc mộng của vua

Như vậy là có đến 2 giấc mộng của vua Lê Thánh Tông, thời gian xảy ra cách nhau đến 3 năm:

Giấc một thứ nhất: Nhà vua đi chơi và ngủ đêm ngoài Hoàng thành, vì vậy nằm mơ thấy hai người con gái thời Lý Cao Tông (một triều đại trước đấy gần 300 năm).

Tác giả đã đẩy giấc mộng ra ngoài Hoàng thành, để câu chuyện gần với đời sống dân gian chứ không phải giấc mộng trong cung cấm. Chúng ta đặt vấn đề nghi vấn: Đã là giác mộng (không thật) thì làm sao có tờ tâu gồm 71 chữ ngoằn ngoèo (vật có thật) trưng ra cho cả triều đình xem? Không lẽ sau khi thức dậy, vua cố nhớ để viết? Điều đó là không thể thực hiện được đối với một loại văn tự mà ta không hiểu nghĩa.

Từ phân tích trên có thể kết luận: Giấc mộng do vua hư cấu. Nhà vua đã bịa ra giấc mộng này? Điều đó tưởng như khó tin nhưng lại là sự thực: Giấc mộng nói lên điều day dứt, trăn trở của vua rằng phải chăng nước ta từng tồn tại chữ viết bản địa "ngoằn ngoèo như hình giun dế”, khác hẳn chữ Hán, trước khi có chữ Hán xâm nhập vào?

Giac-mong-la-cua-vua-Le-Thanh-Tong-ve-chu-viet-da-that-truyen-87

Soi kỹ hơn thì thấy rằng, không phải ngẫu nhiên vua đặt ra vấn đề như vậy. Chúng ta còn gặp nhiều đoạn trong thư tịch nước ngoài ghi về sự tồn tại của chữ Việt cổ. Đó là lối chữ khoa đẩu, ngoằn ngoèo như con nòng nọc. 

Trong sách Thông giám cương mục do Chu Hy đời Tống soạn, chép: "Năm Mậu Thân đời Đường Nghiêu thứ 5 (2353 TCN) có Nam di Việt Thường thị đến chầu hiến con rùa lớn”. Cũng sự kiện này, sách Thông chí do Trịnh Tiều đời Tống soạn, chép rõ hơn: “Đời Đào Đường, Nam di có Việt Thường thị qua nhiều lần thông dịch đến hiến một con rùa thần. Rùa ước được nghìn tuổi, rộng hơn ba thước, trên lưng có chữ khoa đẩu, chép việc từ lúc khai thiên lập địa đến nay. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là lịch rùa (quy lịch)”.

Vậy thì thư tịch của ta không chép gì đến chữ Việt cổ nhưng chính thư tịch nước ngoài lại nói cho chúng ta biết về sự tồn tại của chữ viết cổ ở nước ta. Loại chữ đó “ngoằn ngoèo như con nòng nọc” khác xa với loại chữ Hán “hình vuông” của Trung Hoa sau này.

Vua nghi vấn có căn cư

Vua Lê Thánh Tông nghi vấn về sự tồn tại của chữ viết cổ sơ trên căn cứ có thật ở mộ số dân tộc miền núi. Vì sao lại không ở đồng bằng mà lại là miền núi? Vì miền núi là nơi vùng sâu vùng xa, ít bị ảnh hưởng bởi văn hóa Hán, còn giữ được tính bản địa.

Cụ thể, vào đầu thế kỷ XX, Tổng đốc Thanh Hóa Vương Duy Trinh có viết cuốn “Thanh Hóa quan phong”, trong đó ông ghi lại những câu ca dân gian trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, ông còn ghi lại được khoảng 500 thổ âm, viết bằng chữ viết của người miền núi (kiểu chữ Thái). Nội dung ghi chép là bài thơ “Mời trầu”, bên dưới có chứa nghĩa chữ Hán. 

Vương Duy Trinh cho rằng đó là chữ cổ của nước ta và nhận định: “Tỉnh Thanh Hóa là một châu quan, có chữ là lối chữ Thập châu đó. Người ta thường nói rằng, nước ta không có chữ. Tôi (tức Vương Duy Trinh) nghĩ rằng không phải. Thập châu vẫn là đất nước ta, trên châu còn có chữ mà dưới chợ lại không có? Lối chữ châu là lối chữ của nước ta đó”.

Giac-mong-la-cua-vua-Le-Thanh-Tong-ve-chu-viet-da-that-truyen-0

Vào khoảng những năm 1970, các nhà khảo cổ phát hiện được một chiếc trống đồng ở Lũng Cú, trên mặt trống cũng có những đường cong lạ mà các nhà nghiên cứu đặt vấn đề nghi vấn là chữ viết. Rồi những ký tự ngoằn nghèo trên trống đồng Đền Hùng, trên qua đồng Đông Sơn…

Không chỉ quan tâm đến chữ cổ, vào thế kỷ XV, vua Lê Thánh Tông còn chú trọng sưu tầm văn hóa dân tộc, di sản văn hóa của cha ông. Có thể thời ấy đã từng phát hiện ra những văn bản có văn tự cổ và những văn bản ấy đã đến tay nhà vua. Ông và triều đình không thể lý giải được nên đã “hư cấu” thành câu chuyện về giấc mộng, nhằm gửi gắm những nghi vấn của mình cho hậu thế. Vậy thì chính vua Lê Thánh Tông, Nhà văn hóa Lê Thánh Tông là người đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đề cập và nghiên cứu vấn đề chữ Việt cổ.

Xem thêm: Vua Lê Thánh Tông với sự đọc, sự học: Xem sách giúp giữ mình, cấm sách mê tín dị đoan

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận