"Em bé Napalm" trong bức ảnh chấn động thế giới ngày ấy giờ ra sao?

"Em bé Napalm" ngày ấy giờ đã là một người phụ nữ mạnh mẽ, hạnh phúc bên gia đình. Vào năm 2019, "Em bé napalm" Phan Thị Kim Phúc đã được trao giải thưởng Dresden tại Đức vì những đóng góp cho hòa bình.

Đỗ Thu Nga
06:00 12/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bức ảnh "Em bé Napalm" ra đời thế nào?

Em bé Napalm” là tác phẩm nhiếp ảnh gây chấn động toàn thế giới do nhà báo, nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt - Nick Ut chụp. Bức ảnh lịch sử này được chụp vào ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng.

Theo nhà báo Nick Ut kể, vào ngày đó ông theo cánh quân Sư đoàn 25 (Quân đội Việt Nam Cộng hòa) tới Trảng Bàng và thấy hàng ngàn người bỏ chạy vì bom đạn, Ông đã chụp nhiều ảnh, thấy nhiều người bị thương, bị chết. Khi đang chuẩn bị lên xe về Sài Gòn để gửi ảnh cho tòa soạn (hãng tin AP) thì ít phút sau máy bay tới thả bom khiến cả lính và các phóng viên khác bỏ chạy.

em-be-napalm-trong-buc-anh-chan-dong-the-gioi-ngay-ay-gio-ra-sao-9
Bức ảnh "Em bé Napalm" do nhà báo Nick Ut chụp năm 1972

"Trong màn khói dày đặc, tôi thấy rất nhiều người dân chạy ra. Ý nghĩ đầu tiên là “Thôi chết! Trong đó còn dân”. Tôi thấy rất nhiều người hoảng loạn, chạy lại phía mình. Có người già, có trẻ em, có những người  còn bế trên tay các em bé bị thương, một người đàn ông bế một em bé khoảng 3 tuổi, đã chết. 

Sau họ là một bé gái trần truồng vừa chạy vừa gào thét trên đường. Tôi vừa bấm máy ảnh vừa tự hỏi, không biết vì sao cô bé lại không có quần áo. Khi cô bé đến gần, tôi mới thấy cả cánh tay mà cô bé đang giơ lên lẫn phần thân thể khác đều bị bỏng.

Dưới sức nóng hàng trăm độ, người dính bom Napalm sẽ bỏng rất nặng. Tôi đã đi chụp ảnh trực tiếp tại nhiều chiến trường, chứng kiến và chụp rất nhiều hình ảnh về cái chết nhưng nhìn cô bé như thế, tôi rất đau lòng. 

Tôi lấy áo mưa che tạm cho cô bé và gọi lái xe đưa đến bệnh viện gần nhất. Đấy là bệnh viện địa phương, ở Củ Chi. Khi đến nơi, bệnh viện từ chối nhận vì đã quá tải và nguồn thuốc thì cạn kiệt, đề nghị tôi đưa bé về bệnh viện nhi ở Sài Gòn. 

Từ Củ Chi về đến Sài Gòn phải chạy xe hết cả tiếng đồng hồ. Như thế, cô bé sẽ không thể chịu nổi. Tôi phải nói rất gay gắt, lấy thẻ nhà báo, nói tôi là phóng viên của một hãng quốc tế lớn chứ không phải báo địa phương. 

Nếu bác sĩ không tiếp nhận nạn nhân, ngày mai, hình ảnh cô bé và lời từ chối của bệnh viện sẽ được đăng tải cho cả thế giới biết. Có lẽ họ sợ bị đăng báo nên đã đồng ý. Sau đó tôi về Sài Gòn, rửa ảnh, gửi cho tòa soạn. Thực ra, tôi đã nghĩ, cô bé sẽ không qua khỏi", nhà báo Nick Ut kể lại.

em-be-napalm-trong-buc-anh-chan-dong-the-gioi-ngay-ay-gio-ra-sao-0
Nhà báo Nick Ut trao tặng chiếc máy ảnh đã gắn bó với ông nhiều năm cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam

Sau này, bức ảnh bé gái Việt Nam trần truồng, vừa khóc vừa chạy sau vụ đánh bom napalm trong chiến tranh với Mỹ đã lọt vào danh sách những ảnh thời sự gây sốc nhất trong lịch sử.

"Em bé Napalm" trong bức ảnh chấn động thế giới đó giờ ra sao?

"Em bé Napalm" đó chính là bà Phan Thị Kim Phúc. Sau nhiều năm trôi qua, giờ "Em bé Napalm" đã là người phụ nữ 57 tuổi. Hiện bà đang sống cùng chồng và 2 con trai trong 1 căn nhà ở ngoại ô Toronto, Canada.

Bà Phúc từng kể: "Tôi vẫn nhớ rõ ngày kinh hoàng khi chúng tôi phải chạy trốn khỏi cái chết". Cũng theo bà Phúc, thoạt đầu bà rất ghét bức ảnh bởi nó khiến bà xấu hổ,., Bà đã trải qua một thời gian dài phải đối mặt với sự chú ý của dư luận vì là nhân vật chính trong bức hình đó. Đối với bà, khoảnh khắc sợ hãi, đau đớn sau trận dội bom napalm là những ký ức thuộc về cá nhân.

Trên thực tế, không ai có thể phê phán nếu như bà cố gắng  sống ẩn mình và thoát khỏi sự chú ý của dư luận. Thế nhưng, bà đã không trốn chạy hiện thực trong bức ảnh. Sau thời gian đấu tranh tư tưởng, bà Phúc nhận ra rằng nếu nỗi đau và sự sợ hãi của bà không được ghi lại vào ngày đó thì những trận bom - cùng rất nhiều câu chuyện thương tâm khác trong thời kỳ chiến tranh - sẽ có thể biến mất theo dòng chảy thời gian.

Từ đó bà suy nghĩ nhiều về những điều mà bức ảnh đem lại, hơn là những gì nó lấy đi của bà. Và bà Phúc gọi đó là "con đường tiến tới hòa bình": "Tôi nhận ra rằng nếu không thể thoát ra khỏi bức ảnh đó thì tôi nên sử dụng bức ảnh để chiến đấu vì hòa bình. Và đó là lựa chọn của tôi".

em-be-napalm-trong-buc-anh-chan-dong-the-gioi-ngay-ay-gio-ra-sao-6
Bà Phan Thị Kim Phúc phát biểu sau khi nhận giải thưởng hòa bình quốc tế tại Semperoper ở Dresden, Đức (Ảnh: AFP)

Hiện tại, ngoài vai trò là một người vợ, người mẹ, bà Phúc còn là một cố vấn, 1 đại sứ thiện chí của Liên Hợp Quốc. Hàng năm, bà thường đi vòng quanh thế giới kể lại câu chuyện và hành trình sống sót của mình để giúp mọi người hiểu hơn về sự tàn khốc của chiến tranh.

bên cạnh đó, bà còn thành lập  tổ chức nhân đạo mang tên bà nhằm giúp đỡ những trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, những số phận giống bà nhiều chục năm trước. Tổ chức của bà đã quyên góp tiền để xây dựng bệnh viện, trường học và nhà cửa cho những trẻ em mồ côi là nạn nhân của các cuộc chiến tranh tàn khốc.

Bà Phan Thị Kim Phúc nói rằng, bà sẽ gắn bó với công việc thiện nguyện suốt cả cuộc đời: "Tôi thực sự cảm thấy biết ơn khi nhiếp ảnh gia đã ghi lại được bức ảnh đó để tôi có thể tận dụng nó để đóng góp cho hòa bình". 

Và vào tháng 2/2019, "Em bé Napalm" Phan Thị Kim Phúc đã nhận được giải thưởng Dresden tại Đức vì những đóng góp cho UNESCO và giúp đỡ những em nhỏ bị thương trong chiến tranh. Bà Phúc cũng được ca ngợi vì đã có tiếng nói mạnh mẽ lên án bạo lực và thù hận. Giải thưởng Dresden trị giá 10.000 euro (11.350 USD).

Giải thưởng Hòa bình Dresden là giải thưởng được trao thường niên từ năm 2010 tại nhà hát Semperoper của thành phố Dresden (Đức). Thành phố Dresden từng bị hủy diệt vì bom của quân Đồng minh vào giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai khiến hàng ngàn người dân thiệt mạng và phá huỷ hoàn toàn trung tâm thành phố.

Khi bắt đầu ý tưởng thành lập một giải thưởng hòa bình quốc tế, những người tổ chức đã nghĩ ngay tới tên gọi “Dresden-Preis“ (Dresden Peace Prize - Giải thưởng Hòa bình Dresden) để lan truyền thông điệp: Chiến tranh không phải là giải pháp cuối cùng và đó là một cách thức giải quyết sai lầm.

Những người từng được trao tặng giải Dresden trước đây có cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết, ông Mikhail Gorbachev, và nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ Tommie Smith.

Nói về sự kiện năm 1972, bà Phan Thị Kim Phúc chia sẻ: Sau khi bị thương, bà đã phải nằm viện hơn 1 năm. Gia đình từng lo ngại bà không thể qua khỏi và ngay cả tác giả bức ảnh "Em bé Napalm" cũng nghĩ bà khó sống sót. 

Bà Kim Phúc đã phải trải qua nhiều ca phẫu thuật và cấy ghép da đau đớn. Cuối cùng bà cũng vượt qua nỗi đau thể xác. Thế nhưng bà vẫn chưa tìm thấy được sự thanh bình. Bà từng muốn biến mất và thậm chí đã có lúc bà muốn chết đi. Vì bà nghĩ, nếu chết đi sẽ không phải chịu nỗi đau tinh thần, thể xác nữa. 

Tuy nhiên sau đó bà đã bắt đầu tìm hiểu về những kiến thức tôn giáo khác nhau. Đến một ngày mong muốn có gia đình riêng và có những đứa con của riêng mình. "Từ lúc này, tôi bắt đầu học cách tha thứ", bà Kim Phúc nói. 

20 năm trước, bà Phúc cùng chồng sang Canada định cư và nuôi dạy 2 con trai, Bà Phúc cho biết hiện bà rất hạnh phúc với "ngôi nhà thứ hai" của mình.

Cô bé trong bức ảnh đó "không còn chạy nữa mà cô ấy đang bay cao", bà Kim Phúc nói.

Xem thêm: Nữ anh hùng "gan vàng dạ sắt" Huỳnh Thị Ngọc: Giả câm, giả điên để qua mắt kẻ thù

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận