Người đàn ông xứ Nghệ đem "cả gia tài" đi chở bệnh nhân nghèo với chi phí 0 đồng

Khoảng 3 năm trở lại đây, người dân huyện Thanh Chương (Nghệ An) truyền tai nhau về những chuyến xe nghĩa tình của một nhóm thiện nguyện có tên "chuyến xe 0 đồng".

Đỗ Thu Nga
08:00 06/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đây là những chuyến xe chuyên giúp đỡ miễn phí cho những người già neo đơn, những người có hoàn cảnh khó khăn, không có đủ tiền trang trải một chuyến xe để đi hoặc về từ bệnh viện, trong trường hợp ốm đau, bệnh tật, thậm chí là không qua khỏi, bị bệnh viện trả về.

Ban đầu, những chuyến xe này chỉ có mỗi mình anh Nguyễn Phùng Úy thực hiện, nhưng dần dà, người này truyền tai người kia, nên những chuyến xe “0 đồng” của anh Uý cũng ngày càng nhiều lên.

Vì thế anh đã quyết định lên mạng kêu gọi thêm những người cùng yêu mến công tác thiện nguyện và thành lập nên đội xe 0 đồng, để mong có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

"Cách đây 4-5 năm về trước, con mình cũng rất là yếu, cũng thường xuyên đi viện. Viện trung ương, Sài Gòn đi khắp nơi rồi, rất là khổ. Nói thật lúc đó kinh tế mình cũng khó khăn, hầu như là cứ đưa con đi bằng xe buýt, xe máy thôi, cũng không có tiền gọi taxi. Sau đó mình thấy hoàn cảnh của mình với mọi người nó nhiều quá, thế là mình thành lập đội xe.

Hồi đó mình mới mua cái xe chưa đầy 100 triệu, mình cứ chạy túc tắc túc tắc thế, ai khó khăn đặc biệt của huyện là mình giúp. Thường là hồi đó mình làm được có 6 xã thôi, 6 xã ở gần nhà mình. Sau đó thì nó lan tỏa dần lên, nhiều người gọi quá nên mình mới thành lập đội xe đó. Bởi vì nhiều người nghèo người ta không có đủ điều kiện để gọi mội chiếc xe taxi. Như nhà mình ngày xưa ấy, cứ ôm con lên xe buýt rồi bố chạy xe máy đi theo, xuống tới trung chuyển thì đưa con với mẹ vào bệnh viện. Nên là mình cố gắng giúp bà con vậy thôi"- Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Phùng Úy.

Khi nói về cơ duyên để đến với công việc thiện nguyện này, anh Úy sinh năm 1982, hiện cũng đang sinh sống tại huyện Thanh Chương, Nghệ An và làm nghề sửa chữa xe máy đã hơn 20 năm nay. Trước đây, anh cũng đã từng được rất nhiều người cảm mến, khi biết đến câu chuyện anh đã chở miễn phí một thí sinh bị gãy chân trên địa bàn đến phòng thi kịp thời, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

dem-ca-gia-tai-di-cho-benh-nhan-ngheo-voi-chi-phi-0-dong-0
4 thành viên của đội xe 0 đồng trong một chuyến thiện nguyện ở Thanh Chương

Đội xe 0 đồng của anh Úy, hiện tại có tất cả 4 thành viên. Lúc mới thành lập là có 7 người, nhưng 3 người hiện đã xin ra khỏi đội vì bận công việc, và còn vì vấn đề bươn chải mưu sinh.

Mặc dù đã trở thành chỗ dựa và cứu cánh cho không ít bệnh nhân nghèo trong thời gian qua, nhưng trong giai đoạn đầu mới hoạt động, các thành viên của nhóm cũng đã phải chịu không ít điều tiếng từ những người xung quanh. Người thì bảo họ rằng “ốc chưa mang nổi mình ốc còn mang cọc cho rêu”, người thì bảo chắc làm vậy để làm màu, đánh bóng bản thân, rồi cũng không duy trì được bao lâu đâu.

Vì không mấy ai tin rằng, có những người hàng ngày vẫn còn phải kiếm sống từng đồng, vậy mà lại có thể đi chạy xe miễn phí giúp người như vậy. Thậm chí còn có người cho rằng, những tài xế này chỉ là chạy thuê và nhận tiền của một mạnh thường quân nào đó đứng sau, do vậy họ đương nhiên phải có nhiệm vụ phục vụ người bệnh, để rồi cứ mặc nhiên đòi hỏi, ra lệnh với tài xế.

Nhưng bỏ ngoài tai tất cả những lời nói không hay đó, anh Uý và các thành viên khác của đội xe vẫn cứ lặng lẽ làm việc, ngày ngày vẫn cứ mải miết với những chuyến xe thiện nguyện bằng chính đồng tiền mình bỏ ra. Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, chỉ cần có người gọi điện thoại xin giúp đỡ là các thành viên của đội xe lại lập tức lên đường. Vì ở họ, đều có một điểm chung là tinh thần tương thân tương ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Rồi cũng từ đây, những chuyện như ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc đã trở thành việc thường tình đối với anh Uý. Anh kể rằng, có hôm vợ dọn cơm ra, vừa bưng được bát cơm lên thì có người gọi nhờ giúp đỡ, anh lại phải bỏ đấy mà đi ngay. Hay có những lúc nửa đêm, đang say giấc mà có người cầu cứu, thì anh cũng phải khoác vội áo quần mà chạy đi. Có hôm, chở bệnh nhân xuống đến nơi, làm thủ tục nhập viện xong hết rồi mới biết mình đã xỏ nhầm 2 chiếc dép hai màu khác nhau, bụng thấy cồn cào mới nhớ ra mình còn chưa ăn tối.

Anh Úy cũng tâm sự rằng, một trong khó khăn của công việc này, là việc phải làm sao xác nhận được hoàn cảnh bệnh nhân chính xác và nhanh chóng nhất. Bởi nếu đã bỏ thời gian, công sức ra giúp đỡ mà vô tình lòng tốt lại bị lợi dụng thì cũng buồn lắm. Nhưng dù có vậy, thì các thành viên trong đội vẫn luôn tâm niệm rằng, thà giúp nhầm cũng không từ chối giúp đỡ mọi người.

Trong quá trình chở khách, anh Uý cũng đã gặp nhiều trường hợp là những người có hoàn cảnh rất khó khăn, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, thậm chí là bệnh trở nặng mới chịu đi khám, đi viện điều trị. Đó là trường hợp một cụ già neo đơn, sống dựa vào trợ cấp và những mớ rau, bó chè hái được trong vườn mang đi chợ bán. Bà bị đau nhức đầu đã lâu, khám ở bệnh viện huyện thì được khuyên đi tuyến trên khám, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên bà cứ trì hoãn mãi. Sau bị đau liên tục và dữ dội hơn nên buộc bà phải đi khám. Khi nhận tiền cước của bà, là 100 nghìn đồng được gom từ những đồng tiền lẻ 1.000, 2.000, 5.000 đồng xếp lại cả tệp, anh Uý đã quyết định miễn toàn bộ cước phí cho bà, rồi còn bỏ tiền túi mua thêm bánh mỳ, sữa biếu bà.

Hay như câu chuyện vào ngày 25 Tết vừa rồi. Có một cô bé khoảng 15 tuổi đã gọi cho anh để xin giúp chở mẹ về đoàn tụ với gia đình, vì mẹ em bệnh nặng, bệnh viện không chữa được, mà chi phí thuê xe cấp cứu thì quá lớn, gia đình không có đủ tiền. Anh Úy khi ấy đã sửa soạn hàng ghế sau, lót sẵn chiếc nệm, và nhanh chóng di chuyển đến bệnh viện. Nhưng mãi sau này, hình ảnh cô bé với vóc người nhỏ nhắn, đẩy chiếc xe cáng đưa mẹ lên xe trong buổi chiều muộn, có lẽ sẽ còn khắc khoải mãi trong tâm trí của anh.

"Nói chung trong quá trình đi thì cũng có ca thành công, có ca xuống thì mất, cũng có vui buồn lẫn lộn. Nhưng với quan điểm của mình, là cứ giúp được còn hơn không, là cứ giúp được ai là giống như cuộc sống của mình cảm thấy phấn khích hơn ấy, cuộc sống nó thoải mái hơn. Vợ mình cũng thấy thế, nên hai vợ chồng vẫn cứ tâm huyết và quyết theo lâu dài với chương trình này. Mục tiêu và ước mơ lớn lao nhất của “đội xe 0 đồng” là có thể có một chiếc xe cứu thương chuyên dụng, để đội có thể nhận được tất ca các trường hợp nặng.

Thứ nhất là bệnh viện trả, thứ hai là thi thể của những người nghèo, bị mất tại bệnh viện, người ta không có đủ tiền để mà đưa về. Nên nếu có xe cứu thương thì Úy sẽ nhận tất tần tật, không có vấn đề gì cả, nhận hết. Anh em thì cũng đang kêu gọi trên cộng đồng mạng, cũng được 200 triệu rồi. Nhưng lượng tiền đó thì vẫn chưa thể mua được chiếc xe. Chứ tâm huyết của anh em cũng mong có được một chiếc xe để hoạt động rộng rãi hơn, có thể giúp được nhiều hoàn cảnh đặc biệt hơn vì hiện tại là một số ca như gần mất rồi ấy, thì anh em cũng không dám nhận, sợ liên quan đến chuyện pháp lý này nọ cũng mệt", anh Úy tâm sự.

Gắn bó với những chuyến xe 0 đồng, anh Nguyễn Phùng Uý cũng như các thành viên trong đội không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân đi viện thăm khám, điều trị. Điều vui nhất với họ đó là chở bệnh nhân đi lúc ốm và đón về lúc khoẻ mạnh. Và mỗi ngày qua đi, lại có thể giúp được nhiều người hơn, để những người nghèo có thể bớt đi phần nào những thiệt thòi mà họ phải gánh chịu.

(Theo VOV giao thông)

Xem thêm: Một thập kỷ sống tử tế: Mở quán cơm 0 đồng, chuyển bệnh nhân miễn phí

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận