Danh thần Nguyễn Duy - Được đặc cách phong chức nhờ những lời khen

Nguyễn Duy là một danh thần thời trung nghĩa thời Nguyễn. Cả cuộc đời làm quan, làm tướng của ông đều hết mình phò vua, giúp nước và sống vì nhân dân.

Đỗ Thu Nga
10:00 17/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vị quan được đặc cách phong chức vì những lời khen

Nguyễn Duy tên chữ là Nhữ Hiền, người làng Chí Long, tổng Chính Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông là em ruột danh tướng Nguyễn Tri Phương.

Nguyễn Duy sinh ngày 21 tháng 12 năm Kỷ Tỵ (1809), tại làng Đường Long tức Chí Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thời còn nhỏ, ông thông minh, hiếu học, năm Đinh Dậu (1837) đỗ tú tài, năm Thiệu trị nguyên niên đậu cử nhân khoa Tân Sửu 1841. Năm sau (Nhâm Dần 1842) thi Đình đậu Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.

Danh-than-Nguyen-Duy-thoi-nha-Nguyen-la-ai-0
Nguyễn Duy là em trai Nguyễn Tri Phương

Sử chép, năm 1843, ông được bổ dụng làm Biên tu ở Nội các, năm sau thăng Tu Soạn. Năm 1845 được bổ nhiệm làm Tri phủ Tân An ở Gia Định. Năm 1847 chuyển về làm Tri phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Cùng năm này, thân phụ của ông mất, ông phải về đội tang. 

Năm Tự Đức thứ 2, Kỷ Dậu (1849), Nguyễn Duy được điều ra làm tri phủ Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình. Quan Bố chính Quảng Bình là Trương Đăng Đệ phụng chỉ sát hạch các quan lại tỉnh Quảng Bình có ghi vào lý lịch của Nguyễn Duy những lời khen ngợi: "Ở với dân thì khoan hoà, làm việc rất thanh liêm, gìn giữ..." và đệ tên lên triều đình đặc cách thăng Nguyễn Duy lên chức biện lý (tức án sát). Vua Tự Đức tiếp nhận được sớ tâu ấy, cho đòi ông về kinh, khen ngợi và cho thăng chức Thị độc ở Nội các.

Vị tướng anh dũng của nhà Nguyễn

Sử chép, năm Nhâm Tý (1852), ông lại được thăng Thị giảng học sĩ và được cử đi sứ Trung Quốc.  Khi ấy ngoài khơi có giặc Tàu cướp phá thuyền bè ở dọc bờ biển, do đó, thuyền của sứ bộ Nguyễn Duy không về được.

Đến năm Ất Mão (1855) ông mới về phụng mạng. Vua Tự Đức nói: "Khanh đi muôn dặm xa xôi, ba năm khó nhọc, trở về được bình yên, đã làm trọn được việc nước". Rồi nhà vua thưởng một cái trung hạng kim khánh, 50 lạng bạc và ban cho một bài thơ khen tặng uý lạo. Sau khi đi sứ về, Nguyễn Duy lại được thăng hàm Đại lý tự khanh lĩnh biện lý bộ Lại.

Năm Tự Đức thứ 9 (1856) tàu chiến Pháp đến cửa biển Đà Nẵng, Nguyễn Duy được cử cùng với ông Đào Trí nghĩ cách đắp đồn lũy để phòng giữ tàu chiến Pháp. Hoàn thành xong công việc ông lại về Kinh phụng chỉ.

Danh-than-Nguyen-Duy-thoi-nha-Nguyen-la-ai
Ảnh tư liệu về quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định

Đến năm Tự Đức thứ 13 (1860), Nguyễn Duy được sung Gia Định quân thứ Tán lý đại thần trông coi việc quân sự. Năm sau (1861), quân Pháp đánh đồn Chí Hoà, bắn phá cướp bóc của cải của nhân dân. Ông ra chống cự. Quân Pháp dùng súng liên thanh bắn vào đội quân của ông, Nguyễn Duy bị trúng đạn chết tại trận. Ông hy sinh khi 53 tuổi.

Cái chết của ông khiến vua Tự Đức vô cùng xót thương. Vua truy tặng ông Binh bộ tả tham tri, ban cho 500 quan tiền tuất để mai táng và sắc cho con cháu bao giờ đến tuổi trưởng thành sẽ do bộ tâu lên được để được bổ dụng. Năm Nhâm Tuất (1862), Nguyễn Duy được tùng tự vào miếu công thần và được thờ tại đền Trung hiếu trong làng Chí Long, tổng Chính Lộc, huyện Phong Điền cùng anh là Nguyễn Tri Phương.

Khu lăng mộ (Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy, Nguyễn Lâm) và Nhà thờ Nguyễn Tri Phương nay thuộc xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ngày 14 tháng 7 năm 1990, toàn thể khu đền mộ này được công nhận là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 575-QĐ/VH của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam. Ngày 21 tháng 3 năm 2010, tại xã Phong Chương đã diễn ra lễ khánh thành công trình phục hồi, tôn tạo khu di tích trên.

Ngoài đền thờ họ Nguyễn Tri ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tại phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cũng có một đền thờ Tam công mà trong đó Nguyễn Tri Phương được xem là thành hoàng của địa phương. Bên tả và hữu chánh điện thờ hai vị Tán lý quân vụ Nguyễn Duy (em ruột Nguyễn Tri Phương) và phò mã Nguyễn Lâm (con Nguyễn Tri Phương). Hằng năm tổ chức lễ Kỳ yên long trọng vào ngày 16, 17 tháng 10 âm lịch. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... Đền thờ Tam công đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1992.

Hay tin Nguyễn Duy hy sinh tại trận, danh sĩ cùng thời là Nguyễn Thông (1827-1884) đã làm thơ điếu ông như sau:

Phiên âm Hán-Việt:

Vãn Nguyễn Duy, Định Biên Tán lý

Tây phong phiêu đại thụ.

Nhất tịch ế viên môn.

Mãn địa mai hùng lược,

Tâm quân khấp cựu ân.

Đồ tích không y táng

Na tri hạo khí tồn.

Niên niên hư trủng thượng,

Di lão loại phương tôn.

Dịch nghĩa:

Điếu ông Nguyễn Duy làm chức Tán lý Định Biên

Một đêm gió tây thổi mạnh,

Cây đại thụ ngã che cửa đồn.

Đất chôn vùi người anh hùng có mưu lược,

Ba quân than khóc vì nhớ ơn đức của ông xưa.

Luống tiếc chỉ nhận được dấu áo, thu hài cốt về mai táng,

Hay đâu chí khí lớn lao hãy còn.

Hàng năm trên chỗ mộ phần cũ,

Các bạn già sống sót rưới rượu lên mấy ngọn cỏ thơm.

Xem thêm: Lưu Nhân Chú - danh tướng xuất chúng của nghĩa quân Lam Sơn: Tài năng như cây tùng, cây bách; chất người như ngọc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận