Cụ ông cả đời làm việc thiện được hồi sinh nhờ quả thận của "ân nhân thầm lặng"
Ghi nhớ lời mẹ dặn về việc làm thiện nguyện, hơn 64 năm qua, ông Nguyễn Văn Lực đã vận động được hơn 500 tỷ đồng giúp đời.
Bài học tử tế mẹ dạy năm 6 tuổi
Ông Nguyễn Văn Lực (70 tuổi, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) là Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh Lâm Đồng (Hội Bảo trợ tỉnh Lâm Đồng - PV). Trong nhiều năm qua, ông được ví như “ông Bụt”, mang đến phép màu cho hàng nghìn mảnh đời khó khăn.
Chỉ tính trong 10 năm qua, ông Lực đã vận động hơn 500 tỷ đồng để giúp đỡ hơn 1.500 trẻ em và bệnh nhân nghèo được phẫu thuật tim, đem lại ánh sáng cho gần 10.000 người cao tuổi, tặng 4.000 xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật và bệnh nhân tai biến, bại liệt.
Bên cạnh đó, ông trao hơn 1.500 xe đạp và 1.200 suất học bổng cho học sinh mồ côi, học sinh khuyết tật và học sinh nghèo… Ông tài trợ cho hơn 4.000 học sinh mầm non và học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số những bữa ăn dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Ông được UBND tỉnh Lâm Đồng tuyên dương và tặng danh hiệu Gương sáng đời thường năm 2018. Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Hội Người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam 3 lần vinh danh ông là Người bảo trợ tiêu biểu.
Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và vinh danh Gương sáng thầm lặng vì cộng đồng năm 2020.
Những con số có thể liệt kê chỉ là một phần nhỏ trong hành trình 64 năm thiện nguyện của ông Lực.
Ông Lực có cơ hội chia sẻ về hành trình ấy trong tập 205, chương trình Gõ cửa thăm nhà. Ông kể: “Lúc tôi được 3 tháng tuổi, ba tôi đang sống ở Huế thì bị bắt đi phu đồn điền, vào Di Linh trồng cà phê. Ba dẫn theo mẹ con tôi vào đó làm việc.
Làm được một thời gian, ba tôi không chịu nổi sự hành hạ của những cơn sốt rét. Ông tìm cách đưa vợ con về Đà Lạt sống. Ông dựng nhà ở tạm dưới chân Dinh Ba”.
Ban đầu, ba của ông Lực làm nghề đốn củi. Về sau, ba ông chăm sóc, tỉa cây cho một cơ quan. Mẹ ông Lực bước vào nghề buôn chè. Bà thường xuống Bảo Lộc (Lâm Đồng) mua chè, rồi thuê tàu chở đi Nha Trang, Phú Yên. Buôn bán thuận lợi, cảnh nhà ông Lực ngày một dư dả.
Năm ông Lực 6 tuổi, mẹ dặn ông hàng tuần phát gạo, tiền cho người nghèo. Nhớ lời mẹ, ông đổ mấy trăm ký gạo vào thúng, chờ người nghèo đi ngang qua thì đong 3 lon gạo và lấy bao thư tiền cho họ.
Ông Lực làm công việc mẹ phân phó trong niềm vui thích. Dần dà, ông chủ động và mong đến ngày để được tặng quà cho người nghèo. 15 tuổi, ông Lực tham gia hoạt động thanh niên Hồng Thập tự (sau này là Hội Chữ thập đỏ), cùng làm việc thiện hàng tuần.
Đến lúc đi làm, ông vẫn duy trì công tác từ thiện, xây trường học, nhà tình thương, tặng xe đạp… Ông dành hẳn 50% thời gian mỗi ngày để chăm lo cho các hoàn cảnh khó khăn.
Phép màu hồi sinh “ông Bụt”
Với các bệnh nhân và người nghèo, ông Lực giống như ông Bụt bước ra từ truyện cổ tích. Dù vậy, ông Bụt ấy đôi khi bật khóc, lực bất tòng tâm trước những hoàn cảnh éo le.
Ông Lực không thể quên một bệnh nhân tên Nam (40 tuổi) ở Lâm Đồng. Anh này bị mắc bệnh tim, phải mổ gấp. Tuy nhiên, anh là người lớn, không nằm trong diện được hỗ trợ phẫu thuật tim.
Nhìn đàn con nheo nhóc của anh Nam, ông Lực tự lấy tiền túi và quyên góp thêm từ người thân, bạn bè được hơn 200 triệu đồng.
“Lúc đó, tôi nghĩ phải cứu sống Nam để những đứa trẻ có người nuôi dưỡng. Sau khi thăm khám ở TP.HCM, bác sĩ hẹn Nam một tuần sau nhập viện. Vậy mà, một ngày trước ca mổ, Nam tập thể dục ở nhà quá sức, dẫn đến tử vong”, ông Lực xúc động.
Một trường hợp khác khiến ông Lực vừa thương vừa giận. Đó là một bé đã được mổ tim, sức khỏe dần cải thiện. Cứ 3 tháng, bé lại xuống TP.HCM tái khám.
Hôm đó, bé trở về nhà sau khi tái khám, mấy đứa em chạy ra mừng. Bé không kịp suy nghĩ, dùng xe rùa đẩy mấy đứa em chơi trước sân. Ngay lập tức, bé lên cơn đau tim và ngã xuống chết. Ông Lực nghe tin mà bần thần, trách ba mẹ bé không quan tâm, nhắc nhở con cái.
Hy hữu hơn, ông Lực từng giúp một gia đình có 3 người bị ung thư. Một trong số đó là người đã được ông cứu vào 10 năm trước. Ông không nhận ra nhưng người đó luôn nhớ ân nhân từng đóng 10 triệu đồng viện phí cho mình.
Ông Lực dành cả đời giúp hàng nghìn hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật nhưng chính ông cũng từng vật lộn nơi cửa tử.
13 năm trước, ông phát hiện mình bị hoại tử và phải cắt bỏ 1 quả thận. Sống với quả thận còn lại, sức khỏe ông Lực nhanh chóng suy kiệt. Bác sĩ khuyên ông phải tiến hành ghép thận, nếu không chỉ sống được 3 tháng.
“Ghép thận cần rất nhiều tiền và không biết có ai hiến tạng cho mình không”, đó là suy nghĩ đeo đẳng ông Lực trong suốt nhiều ngày. Cuối cùng, ông giấu gia đình về tình trạng sức khỏe, dùng 3 tháng còn lại tập trung làm từ thiện.
Đến khi ông ngất xỉu, vợ con đưa vào bệnh viện thì mới biết bệnh tình trầm trọng của ông. Hay tin ông cần ghép thận, 15 người liên hệ bệnh viện, tự nguyện hiến thận. Qua kiểm tra, 5 trong số 15 người này có thận phù hợp với ông.
Ca ghép thận gặp nhiều rắc rối do tuổi tác của ông Lực đã cao. Vì vậy, ông được đưa sang Singapore làm phẫu thuật. Tuy nhiên, ca mổ không thuận lợi, ông tiếp tục sang Nhật Bản điều trị. Hồi tỉnh sau ca mổ, ông bắt đầu lo lắng về số tiền viện phí quá lớn. Thế nhưng, bệnh viện nước ngoài điều trị miễn phí cho ông.
“Các bác sĩ quốc tế có theo dõi tôi trên mạng xã hội. Họ biết tôi làm từ thiện, giúp đỡ trẻ em mắc tim bẩm sinh. Họ động viên và nói, nếu tôi sống thì hàng nghìn đứa trẻ được cứu. Thế nên, họ tập trung cứu chữa, không màng viện phí”, ông Lực kể.
Hiện tại, ông Lực luôn thấy áy náy trong lòng, muốn biết và cảm ơn người hiến thận. Nhưng, đó là điều không thể, cho nên ông nguyện làm việc thiện cho cả 2 người - ông và ân nhân thầm lặng.
(Theo VietNamNet)
Xem thêm: Việc tốt quanh ta: Hơn 30 năm làm việc thiện của ông chú Đồng Tháp
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận