Người mẹ già của những đứa trẻ da cam
Chăm sóc nuôi dạy những đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc nuôi dạy những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam càng khó gấp bội phần, vậy mà suốt 13 năm qua người phụ nữ ở độ tuổi gần đất xa trời vẫn miệt mài chăm lo cho các em từ miếng ăn, giấc ngủ.
Năm 2011, Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi được đưa vào hoạt động. Hiện nay, trung tâm đang nuôi bán trú 10 người, phần lớn là trẻ em, ngoài ra còn có 5 trường hợp học không thường xuyên.
Trung tâm có 3 cán bộ làm việc, trong đó có 2 người phụ nữ trực tiếp đảm nhận công việc chăm sóc, nuôi dưỡng và hướng dẫn tập phục hồi chức năng đó là bà Nguyễn Thị Hường và chị Trần Thị Mỹ Diệu.
Bà Nguyễn Thị Hường (sinh năm 1954, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa) từng làm Giao liên tại Bưu điện Quân khu 5; Trưởng phòng tại Công ty Cầu đường 2 Nghĩa Bình; thành viên Hợp tác xã Đông Thắng, xã Nghĩa Thắng hay Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nghĩa Thắng. Từ năm 2011, bà Hường chuyển đến làm việc tại Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam Nghĩa Thắng.
70 tuổi đời, sắp tròn 50 năm tuổi Đảng, cái tuổi đáng lý ra phải được an nhàn, quây quần hưởng phúc bên con cháu thì bà Hường lại chọn đồng hành với những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam. Với bà, đây là một sứ mệnh thiêng liêng.
“Là một người mẹ, một người phụ nữ tham gia công tác xã hội nhiều năm nên tôi thấu hiểu được những thiệt thòi của những đứa trẻ sinh ra không được lành lặn. Do đó, khi Trung tâm được thành lập, tôi lập tức xin nghỉ công tác Hội Phụ nữ để về đây làm việc với hy vọng có thể chăm sóc, bù đắp những thiệt thòi mà các em đã và đang từng ngày phải gánh chịu”, bà Hường chia sẻ.
Theo bà Hường, để chăm sóc được trẻ khuyết tật do nhiễm chất độc da cam cần phải có sự kiên nhẫn, chịu khó bởi mỗi trẻ mỗi triệu chứng. Để chăm sóc tốt nhất cho các cháu, ngoài việc đọc, tìm hiểu trên sách báo, bà còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, trao đổi với gia đình và quan sát thật kỹ những biểu hiện, hành động của các cháu để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh mà không gây tổn thương cho các cháu, giúp các cháu từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Bà Phạm Thị T, ở xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa chia sẻ: “Con tôi bị nhiễm chất độc da cam nên cháu sinh ra đã chậm phát triển trí não. Từ ngày có Trung tâm, tôi có thể yên tâm đem cháu đến đây gửi. Nhờ đó mà có thời gian đi làm, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Từ khi được đi học, con biết được rất nhiều điều, tự xúc ăn, tự đi ngủ và làm được một số việc nhà. Tôi rất mừng và biết ơn những bà giáo ở đây”.
Nhận xét về bà Hường, ông Lê Văn Tiền, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nghĩa Thắng cho biết: Với mức lương hợp đồng thấp như vậy thì rất khó tuyển được người vừa có chuyên môn vừa có tâm về làm việc. Vậy nên việc bà Hường gắn bó với Trung tâm là điều rất đáng trân quý. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục vận động, kêu gọi xã hội ủng hộ để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng cho nhiều nạn nhân nhiễm chất độc da cam hơn nữa; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nâng cao thu nhập cho nhân viên Trung tâm.
Xem thêm: Cô giáo mầm non 13 năm dốc lòng vì trẻ em vùng cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận