Hành trình 10 năm tận tụy của cô đỡ thôn bản nơi vùng cao Điện Biên

Nhiều năm qua, hình ảnh cô đỡ thôn bản – Lò Thị Đường tận tụy leo đèo, vượt suối thăm khám, đỡ đẻ, chăm sóc sức mẹ bầu đã trở nên quen thuộc nơi vùng cao Nậm Pồ.

Diệu Nguyễn
4 ngày trước Diệu Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Gần 10 năm làm nghề cô đỡ thôn bản, chị Lò Thị Đường (bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê và tận tâm với nghề. Trong suốt hành trình dài ấy, chị Đường không nhớ mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca. Không quản ngại đường xá xa xôi hay nửa đêm gà gáy, khi sản phụ cần là chị sẵn sàng có mặt.

Cô đỡ thôn bản cho biết: “Do địa hình vùng cao hiểm trở, khó khăn, không có điện nên việc thăm khám cho thai phụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh việc giám sát sức khỏe sinh sản cho 97 hộ dân, tôi còn kiêm nhiệm cả công tác phụ nữ và dân số. Công việc hàng ngày của tôi là thăm khám cho các bà mẹ đang mang thai, hỗ trợ tư vấn chăm sóc cho sức khỏe mẹ và bé sau sinh”.

Chị Đường cũng cho biết thêm, đồng bào dân tộc chủ yếu làm nương rẫy. Mỗi lần có lịch thăm khám, chăm sóc sức khỏe sản phụ, chị phải đi lên đến tận rẫy, có những sản phụ gần đến ngày dự sinh, chị còn phải vận động họ về nhà hoặc đến cơ sở y tế. Vất vả, bận rộn là thế nhưng một tháng chị chỉ được hỗ trợ 447.000 đồng.

hanh-trinh-10-nam-tan-tuy-cua-co-do-thon-ban-noi-vung-cao-dien-bien (1)

“Tôi dành 200.000 đồng để nạp tiền điện thoại, phục vụ cho việc gọi điện thăm hỏi sản phụ. Số tiền còn lại tôi dành để mua xăng, phục vụ đi lại. Với kinh phí hiện tại không đủ để tôi trang trải cuộc sống. Nhiều lần cũng muốn nghỉ nhưng vì tình yêu con trẻ, cảm thấy hạnh phúc khi được nghe tiếng trẻ con khóc chào đời sau mỗi ca đỡ đẻ thành công lại cho tôi thêm động lực để cố gắng bám trụ với nghề”, chị Đường tâm sự.

Chị Giàng Thị Sau (nhóm 1, bản Nậm Đích) cho biết, năm 2016, chị mang thai đứa con đầu lòng. Suốt quá trình mang thai chị được cô Đường thăm khám rất tận tâm. Gần đến ngày sinh, cô Đường có khuyến cáo phải xuống cơ sở y tế sinh nở do thai ngôi ngang nhưng chị Sau chủ quan, không nghe lời cô đỡ. Đến kỳ chuyển dạ chị mất nhiều máu, tưởng không qua khỏi, phải gọi chị Đường. Nhờ được cấp cứu kịp thời, mẹ con chị Sau đã được cứu sống”.

Sau lần “thập tử nhất sinh” của chị Sau, người dân trong bản đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc sinh sản, phụ nữ có thai đã tự giác đến trạm y tế khám, không còn chủ quan như trước nữa.

Bác sĩ Poòng Văn Vận, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Chà Nưa cho biết, Nậm Đích là bản khó khăn nhất trong xã với 100 hộ, gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Do trình độ dân trí thấp cùng với phong tục lạc hậu, giao thông bất tiện, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã cũng vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự nhiệt tình, sự tận tâm với nghề, cô đỡ thôn bản - Lò Thị Đường đã giúp người dân bản Nậm Đích có bước chuyển biến nhận thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Nơi bản làng vùng cao biên giới, những cô đỡ thôn bản trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng bà mẹ và trẻ em vùng cao. Với đôi tay tận tụy và tấm lòng yêu thương, họ lặng lẽ mang đến niềm tin và hy vọng cho những cuộc đời nhỏ bé nơi vùng đất khó.

Xem thêm: Hoa hậu Kỳ Duyên khánh thành 1/10 ngôi trường cho các em nhỏ vùng cao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận