“Anh hùng từ thiện” xây nhà nội trú giúp học sinh vùng cao có điều kiện bám trường
Sau 1 năm khởi công, nhà nội trú Trường THCS & THPT xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê (Hà Giang) đã hoàn thành. Các em học sinh nơi đã từ nay không phải ngủ tạm bợ dưới gầm sàn lạnh giá.
Vừa qua, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thực hiện thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khánh thành và bàn giao công trình nhà nội trú Trường THCS & THPT xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê.
Buổi lễ có sự góp mặt của Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam (đơn vị tài trợ); ông Đinh Tiến Hải, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý; Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang Đỗ Anh Tuấn, Bí thư huyện ủy Bắc Mê Phạm Thị Hồng Yên...
Ông Lê Văn Kiểm, người từng được vinh danh trong "Top 30 Anh hùng từ thiện châu Á - Thái Bình Dương" cho biết, công trình nhà nội trú Trường THCS & THPT xã Minh Ngọc là một món quà ý nghĩa mà Hiệp hội Doanh nhân - Doanh nghiệp Cựu chiến binh Việt Nam (DNDN CCBVN) gửi tặng đến các em học sinh, đặc biệt là các em thuộc gia đình dân tộc thiểu số, sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Công trình không chỉ mang giá trị về vật chất mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và lòng nhân dái, tinh thần tương thân tương ái vì đồng bào của những người lính và các doanh nhân cựu chiến binh, những người luôn mong muốn góp một phần công sức vào công cuộc xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ trẻ của đất nước.
"Dù trong thời chiến hay thời bình, những người lính luôn mang trong mình những phẩm chất cao đẹp, sẵn sàng góp sức vì cộng đồng, vì tương lai của đất nước", ông Kiểm – người hùng từ thiện phát biểu.
Học sinh tại Trường THCS và Trường THPT xã Minh Ngọc phần lớn là con em các dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Mông, Nùng, Giáy... sinh sống tại những xã vùng sâu, vùng xa, cách trường từ 10 đến 15km. Đường từ nhà đến tường chủ yếu là đèo dốc, khe suối, với nhiều hiểm nguy, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Vì vậy, hầu hết học sinh muốn ở nội trú để thuận tiện học tập.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất của nhà trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các em, trong khi điều kiện kinh tế gia đình các em lại rất khó khăn. Phần lớn học sinh phải ở trọ trong nhà dân quanh trường hoặc dưới gầm nhà sàn của các hộ gần trường. Chính hoàn cảnh khắc nghiệt này khiến nhiều học sinh phải bỏ học, do gia đình không đủ điều kiện lo chi phí ăn ở và thuê phòng trọ.
Trước thực trạng đó, đầu năm 2023, Hiệp hội Doanh nhân - Doanh nghiệp Cựu chiến binh Việt Nam thông qua Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã thống nhất triển khai xây dựng một khu nhà nội trú đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở cho các em học sinh.
Sau 1 năm thi công, công trì nhà nội trú đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng với diện tích hơn 500m2. Hiệp hội Doanh nhân - Doanh nghiệp Cựu chiến binh Việt Nam (DNDN CCBVN) tài trợ 5 tỷ đồng trên tổng số vốn 6,6 tỷ đồng xây dựng công trình, để giải quyết vấn đề chỗ ở cho hơn 200 học sinh tại trường. Những căn nhà nội trú khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giúp các em học sinh dân tộc thiểu số có điều kiện bám trường, bám lớp.
Nhân dịp này, ông Kiểm và gia đình cũng trao tặng nhà trường 30 bộ máy vi tính và thiết bị để phục vụ cho việc giảng dạy của nhà trường. Vị “anh hùng từ thiện" này cũng quyết định tặng nhà trường Quỹ học bổng với giá trị 5 tỷ đồng, nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và có thành tích xuất sắc trong học tập.
Xem thêm: Đen Vâu tiếp tục “sao kê” doanh thu MV “Nấu ăn cho em” để làm từ thiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận