Lý Chiêu Hoàng - nữ đế vương "hồng nhan đọa kiếp"

Lý Chiêu Hoàng là nữ hoàng có số phận lạ lùng nhất sử Việt. Với suy nghĩ non nớt trẻ thơ, Lý Chiêu Hoàng không hiểu rằng chiếu nhường ngôi chính là "bản án tử hình" đối với nhà Lý, chấm dứt vai trò mờ nhạt của nàng trong lịch sử. 

Đỗ Thu Nga
09:00 27/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong sử Việt

Lý Chiêu Hoàng (1218 - 1278), còn được gọi là Chiêu Thánh Hoàng hậu. Nàng là Hoàng đế thứ 9 và cũng là cuối cùng của triều đại nhà Lý, trị vì từ năm 1224 đến năm 1225. Bà là Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam nhưng không phải là vị vua nữ giới đầu tiên, bởi vị nữ quân chủ đầu tiên là Nữ vương Trưng Trắc. Lý Chiêu Hoàng được vua Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi dù bên trong có khả năng do sự sắp đặt của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ - người nắm giữ quyền lực trong triều và cũng là chú họ bên ngoại của nàng. 

Nói về thân thế của Lý Chiêu Hoàng, nhiều sách sử chép: Nàng tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi thành Lý Thiên Hinh, là con gái của vua Lý Huệ Tông Lý Hạo Sảm - vị vua thứ 8 của nhà Lý. Mẹ là Linh Từ Quốc mẫu Trần thị, thường được dã sử và người hiện đại gọi là Trần Thị Dung, con gái Trần Lý, sau trở thành hoàng hậu của Huệ Tông. Trước khi đăng cơ, Lý Chiêu Hoàng có tước hiệu là Chiêu Thánh Công chúa.

Trên bà có một người chị gái là Thuận Thiên Công chúa, sau này được gả cho Khâm Minh đại vương Trần Liễu - con trưởng của Trần Thừa và là anh trưởng của Trần Thái Tông Trần Cảnh. 

Vào thời điểm Lý Chiêu Hoàng được sinh ra, vua Huệ Tông đã sớm phát bệnh điên, triều đình hoàn toàn rơi vào tay họ Trần Tự Khánh - khi ấy giữ chức Thái úy, quyền phụ chánh. Trần Tự Khánh là anh thứ 2 của Trần hậu, tức là bác ruột của Chiêu Thánh. Một người bác khác của Chiêu Thánh là Trần Thừa giữ chức Nội thị Phán thủ - cai quản các quan nội thị phục vụ gần cho Lý Huệ Tông.

chuyen-chua-ke-ve-7-danh-vi-luc-sinh-thoi-cua-ly-chieu-hoang-0
Hình ảnh trong truyện tranh về Lý Chiêu Hoàng

Vào năm Nhâm Ngọ (tức năm Kiến Gia thứ 12 - 1222), vua Lý Huệ Tông đem các lộ trong nước chia đều cho hai công chúa con gái của mình (triều Lý có tổng 24 lộ), lấy các hoành nô thuộc lệ và quân nhân bản lộ, chia nhau làm giáp. Sau khi Trần Tự Khánh qua đời, Trần Thừa được dùng tiếp làm Thái úy phụ chính, vào triều không xưng tên, một người cậu khác của Chiêu Thánh là Trần Thủ Độ lại được Huệ Tông giao cho nắm giữ chức "Điện tiền Chỉ huy sứ", quản lý các cơ cấu quân sự chủ cốt của hoàng cung.

Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14 (1224), tháng 10, Lý Huệ Tông ta chỉ lập Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử rồi truyền ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo, tôn hiệu là Chiêu Hoàng. Lý Huệ Tông xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội.

Vào năm Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 (1225), họ Trần do nắm quyền hành, lần lượt được ban chức tước quan trọng cho con em trong họ tộc, đáng kể nhất là rất nhiều con cháu họ Trần được tuyển vào cung "ấn" vào các chức vụ hầu trong đại nội, gần gũi với Chiêu Hoàng. Bao gồm: "Lục hỏa Thị cung ngoại", "Chỉ hầu" (hay còn gọi "Chi hậu") và "Nội nhân Thị nội", thường thay nhau trực chầu hầu. 

Sau khi nắm quyền kiểm soát triều chính và nội cung, Trần Thủ Độ đã loan báo rằng, nữ hoàng đã có chồng, chính là Trần Cảnh. Thế là chuyện chơi bời, đùa nghịch của con trẻ trở thành chuyện tình duyên và bị lợi dụng trong việc "mưu bá đồ vương" nơi cung cấm. Chẳng mấy chốc, Lý Chiêu Hoàng buộc phải chuyển giao quyền lực chính trị bằng cách nhường ngôi danh chính ngôn thuận cho chồng là Trần Cảnh.

Vì trò chơi con nít mà Nữ hoàng có chồng năm 7 tuổi

Đại Việt Sử ký toàn thư có chép, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vào tháng 6 năm Ất Đậu (1225). Do Nữ hoàng lên ngôi còn quá nhỏ nên việc triều chính do Thái hậu Trần Thị Dung điều hành. Khi đó, người họ Trần đã phủ khắp trong nội cung và ngoài triều điện. 

Thời bấy giờ, Trần Thủ Độ đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Ông đã sắp xếp cho người cháu là Trần Cảnh (8 tuổi) vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ bên cạnh Lý Chiêu Hoàng. 

Trẻ con thích chơi đùa là chuyện bình thường, huống hồ Nữ hoàng nhỏ tuổi ở trong cung cấm lại thiếu bạn bè. Vậy nên, khi gặp Trần Cảnh, Nữ hoàng thấy rất thích nên hay trêu đùa với nhau. Cũng chính vì điều này mà Trần Thủ Độ đã dàn xếp hôn nhân rồi ép Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Một hôm, Cảnh lúc ấy 8 tuổi phải giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng thấy thế làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng trên bóng.

Có một hôm, Cảnh bưng nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh..".

chuyen-chua-ke-ve-7-danh-vi-luc-sinh-thoi-cua-ly-chieu-hoang-9
Tranh vẽ minh họa vua Trần Thái Tông

Trò đùa con nít đã bị người lớn tính kế. Trần Thủ Độ bàn với chị họ là Thái hậu Trần Thị Dung thực hiện cuộc "đảo chính cung đình" với việc làm táo bạo bằng cách đem hết gia thuộc thân thích vào cung cấp. Sau đó, Thủ Độ sai quân lính đóng chặt cửa thành và các cửa cung, cử người canh giữ, các quan vào chầu vua nhưng không được chấp thuận.

Khi hoàng cung bị phong tỏa, triều đình nhà Lý khôn có ai phản ứng gì vì họ Trần giữ Nữ hoàng và Thái hậu khác nào có con tin ở trong tay thì ai dám manh động. Tiếp đó Trần Thủ Độ liền cho loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Như vậy là Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh đã nên duyên vợ chồng.

Đến tháng 11, Lý Chiêu Hoàng ngây thơ đã xuống chiếu nhường ngôi cho Trần Cảnh. Sau đó 1 tháng, Nữ hoàng trao hoàng bào cho chồng ở điện Thiên An, triều đại nhà Lý chính thức khép lại trang sử của mình sau 216 năm trị vì.

Đại Việt sử ký toàn thư có chép lại về chiếu thư nhường ngôi của Nữ hoàng đế:

"Tháng ấy, ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng: Từ xưa nước Nam Việt ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh, không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy.

Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi.

Kinh thi có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu thay lâu thay". Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được.

Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước, hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".

Trần Cảnh đăng cơ, tự xưng là Thiện Hoàng. Sử sách gọi ông là Trần Thái Tông. Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu là Chiêu Thánh. Nàng là Hoàng hậu trẻ nhất trong lịch sử, bởi khi đó mới 7 tuổi. Mẹ của Chiêu Thánh xuống làm Thiên Cực công chúa rồi gả cho Trần Thủ Độ. Trong Việt sử tiêu án, nhà sử học Ngô Thì Sĩ đã cực lực lên án việc này.

Cuộc hôn nhân 10 năm kết thúc đầy bi kịch

Lý Chiêu Hoàng chung sống với Trần Cảnh được 10 năm, tình cảm sâu sắc, hai bên tôn kính nhau. Thế nhưng cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng lắm nỗi bi kịch. 

Năm 1233, Lý Chiêu Hoàng sinh Thái tử Trần Thịnh nhưng đứa bé mất không lâu sau sinh. Điều này khiến nàng vô cùng đau đớn. Nàng ốm liên miên và suốt 5 năm tiếp theo không thể sinh con. 

Vì lo sợ ảnh hưởng đến người nối dõi, kế vị nên Trần Thủ Độ ép Trần Cảnh truất ngôi Hoàng hậu của Lý Chiêu Hoàng. Đồng thời bắt lập Thuận Thiên công chúa đang mang thai 3 tháng làm Hoàng hậu. Điều đáng nói, khi đó, Thuận Thiên là vợ của anh trai Trần Thái Tông là Trần Liễu. 

chuyen-chua-ke-ve-7-danh-vi-luc-sinh-thoi-cua-ly-chieu-hoang-6
Lý Chiêu Hoàng - tranh của Phan Thanh Nam

Trần Thái Tông phản đối, đang đêm bỏ trốn khỏi kinh thành lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử để nương nhờ. Trần Thủ Độ lên gặp vừa dỗ dành vừa gây sức ép, cuối cùng vua nghe theo.

Thuận Thiên công chúa cũng không thể làm gì được nên đành theo vào cung làm Hoàng hậu. Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Quá đau buồn nàng đã xin rời khỏi cung xuất gia và được chấp thuận. Sự việc đó xảy ra vào năm 1237.

Trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục phê về sự việc trên: "Phong hóa nhà Trần không nghiêm chỉnh, lại tệ hơn phong hóa nhà Đường ở Trung hoa. Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử. Thái Tông không theo cũng không được. Thế mà sử thần chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng".

Lý Chiêu Hoàng và 20 năm hạnh phúc với Lê Phụ Thần

Được biết, Lý Chiêu Hoàng xuất cung sống cô độc trong suốt 21 năm cho đến năm 1258. Khi đó, quân Nguyên Mông xâm lược, vua Trần Thái Tông được 1 vị tướng tên Lê Phụ Trần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên giặc. Ghi nhận công lao, vua phong tước cho Lê Phụ Trần là Ngự sử đại phu và muốn gả vợ cũ là Công chúa Chiêu Thánh cho.

Trần Thái Tông đã tìm gặp Lý Chiêu Hoàng để thuyết phục bà. Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép: “Vua nói rằng: ‘Trẫm đã không có khanh há có được ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc trọn vẹn về sau”. Có lẽ vua Thái Tông muốn bù đắp xứng đáng cho sự khổ đau mà người vợ cũ bất hạnh của mình từng phải chịu đựng nên đã quyết làm thế.

Trước sự việc gây chấn động triều đình, “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần ghi: “Hậu thế chẳng ai dám trách Lê Phụ Trần, chỉ tiếc cho vua Trần, rằng khen sao hay vậy mà thưởng sao lạ vậy. Trong đạo vợ chồng, Thái Tông chi mà bạc, bạc đến vậy, chi mà tệ, tệ đến vậy”.

Khi đó, Chiêu Thánh không từ chối nổi và đặt ra 3 điều kiện: 1. Xóa bỏ lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý. 2. Lăng miếu thờ các vị Hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn. 3. Dinh thự của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng thành. Sau khi được chấp thuận các yêu cầu trên, Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần. Lúc đó, bà đã 40 tuổi.

chuyen-chua-ke-ve-7-danh-vi-luc-sinh-thoi-cua-ly-chieu-hoang-8
Tượng thờ nữ đế Lý Chiêu Hoàng ở đền Rồng – Từ Sơn, Bắc Ninh

20 năm sống cùng Lê Phụ Thần, Chiêu Thánh sinh được 2 người con. Con trai là Thượng vị hầu Tông (có nghiên cứu cho rằng người này là danh tướng Trần Bình Trọng nổi tiếng với câu nói: Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi). Còn con gái của bà là Ứng Thụy công chúa Khuê. Theo chính sử, trong lần về thăm quê hương Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), bà đã qua đời ở tuổi 60 và được thờ ở đền Rồng.

Tuy là vị Nữ hoàng chính thức của nhà Lý - vương triều rực rỡ của Đại Việt, đặt nền móng cho sự thịnh trị của các triều đại sau này - nhưng Lý Chiêu Hoàng không được sử sách công nhận một cách công bằng.

Nhà Lý có 9 vị vua nhưng chỉ có 8 vị trước bà (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, riêng bà lại thờ tại khu vực khác, gọi là Đền Rồng.

Một số nghiên cứu cho rằng, vì Lý Chiêu Hoàng đã để mất ngôi nhà Lý nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng. Còn theo Giáo sư sử học Vũ Văn Ninh, có thể vì bà làm vua trong 2 năm nhưng do còn nhỏ không có công lao gì với đất nước. Hơn nữa, về sau bà đã nhường ngôi vua, rồi lại bị phế ngôi hoàng hậu, trở thành công chúa và cuối cùng "xuất giá tòng phu" không còn là người trong cung thất nhà Lý.

Từ khi sinh ra cho đến khi biệt cõi, với bao biến cố đã khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành một người có số phận lạ lùng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.

Xem thêm: Chuyện đời công chúa Lý Ngọc Kiều: Từ cuộc hôn nhân chính trị đến thiền gia nổi tiếng nhất nhì thời nhà Lý

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận