Việc tốt quanh ta: Chuyện cảm động ở khu dân cư thấy nữ cử nhân chở con 1 tuổi đi giao hàng đến đêm

Thương bé gái 1 tuổi theo mẹ đi giao hàng, những phụ nữ tốt bụng ở ngõ 885 Trường Trinh (Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội) đã âm thầm hỗ trợ chỗ ở, giảm học phí, san sẻ bỉm sữa, thức ăn...

Đỗ Thu Nga
08:00 10/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Giảm hơn 50% học phí cho bé gái 1 tuổi

Mỗi ngày của Phượng Mùi Mấy (26 tuổi, quê Hà Giang) tạm trú ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 23h. Trong căn phòng trọ ẩm thấp, Mấy loay hoay chuẩn bị quần áo, bỉm sữa, thuốc men… cho con gái 1 tuổi đến trường. Con của Mấy thường ốm vặt, ho về đêm do thời tiết nồm ẩm.

Ngoài vất vả hiện hữu, Phượng Mùi Mấy còn muốn chia sẻ về những người tốt bụng đã âm thầm giúp đỡ mẹ con cô thời gian vừa qua. 

Nữ cử nhân Công nghệ thông tin kể, khoảng tháng 1/2024, thấy cô thường xuyên chở con gái đi giao hàng ngày đêm giữa thời tiết Hà Nội mưa rét, một chủ tiệm mà cô thường đến nhận đơn cảm thấy xót xa. 

chung-tay-giup-do-nu-cu-nhan-cho-con-1-tuoi-di-giao-hang-den-dem
Mấy đưa con gái đi làm cùng

Chị đã chụp ảnh và kể về hoàn cảnh mẹ con Mấy gửi đến cô giáo của con mình. Ngay lập tức, cô giáo mầm non phản hồi, nhờ vị phụ huynh đưa mẹ con Mấy qua trường.

Khi Mấy đưa con đến, cô Huyền – đại diện trường mầm non ở khu dân cư ngõ 885, Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai trực tiếp trò chuyện và tìm hiểu hoàn cảnh.

Cô Huyền chia sẻ: “Học phí của trường bao gồm tiền ăn khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhà trường quyết định nhận con của Mấy với số tiền 1,5 triệu đồng/tháng bao gồm cả tiền học và tiền ăn”.

chung-tay-giup-do-nu-cu-nhan-cho-con-1-tuoi-di-giao-hang-den-dem-9
Mẹ con Mấy được chị Ngọc cho ở trọ miễn phí

Con của Mấy vào học tại trường được các cô quan tâm, chăm sóc tận tình. Nhờ vậy, Mấy yên tâm làm việc.

Khoảng 17h, Mấy đến trường đón con về nhà trọ cách đó khoảng 3km. Tại đây, Mấy loay hoay tắm rửa, lo cơm nước. Xong xuôi, cô lại chở con đi giao hàng ca tối. 

Được ở trọ miễn phí

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (SN 1994) là chủ tiệm bánh ngọt ở gần trường con gái Mấy đang theo học. Biết hoàn cảnh của Mấy, người mẹ 3 con thương cảm vô cùng.

“Mấy chịu khó, mưa rét cũng đi làm. Con gái của Mấy học chung trường với bé nhà tôi. 

Hàng ngày, tôi thấy Mấy đưa đón con đi học xa. Tối về phòng trọ ẩm thấp, em bé thường ốm vặt. Thế nên, tôi rủ mẹ con Mấy sang ở cùng”, chị Ngọc tâm sự.

Trong ngôi nhà mình đang thuê để kinh doanh, chị Ngọc sắp xếp cho mẹ con Mấy ở căn phòng rộng gần 20m2, trên tầng 4. Căn phòng vốn có giá thuê 2 triệu đồng/tháng, nhưng chị Ngọc cho mẹ con Mấy ở miễn phí.

Chị Ngọc cho biết, bản thân từng phải địu con bán hàng, không người giúp đỡ. Vì vậy, trước hoàn cảnh của mẹ con Mấy, chị không ngại bảo bọc, tương thân tương ái. Chị chỉ tiếc bản thân quá bận bịu, không thể trông hộ con của Mấy vào buổi tối.

Theo chia sẻ của Mấy, trong khu dân cư ngõ 885 Tam Trinh, ngoài chị Ngọc, các cô giáo trường mầm non còn có nhiều người dân dang tay giúp đỡ hai mẹ con. Những hôm mưa rét, họ nhận trông con cho Mấy đi giao hàng. Gần đó, một cửa hàng bán cháo dinh dưỡng trẻ em cũng thường xuyên cho con của Mấy ăn cháo miễn phí.

chung-tay-giup-do-nu-cu-nhan-cho-con-1-tuoi-di-giao-hang-den-dem-7
Chị Bích Ngọc thương em bé, sẵn lòng hỗ trợ Mấy có chỗ ở tốt hơn

Anh Lò Kim Sơn, trưởng thôn Nậm Cài (xã Tiên Nguyên, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) - nơi Mấy sinh ra và lớn lên xác nhận, gia cảnh của Phượng Mùi Mấy rất khó khăn. Hiện, bố mẹ cô còn nợ số tiền khá lớn.

Qua mạng xã hội, anh Sơn biết hoàn cảnh vất vả của Mấy ở Hà Nội. Tuy nhiên, theo anh, Mấy đưa con theo là hợp lý. Bởi, bố mẹ Mấy làm nông, mỗi ngày phải đi làm xa, đường đi khó khăn, không tiện trông cháu.

“Bằng tuổi Mấy, ở đây chỉ có Mấy và một người nữa học đến đại học. Mấy có về quê sống một thời gian nhưng không có việc làm. Nếu ở lại, Mấy cũng theo bố mẹ làm nông, kiếm chẳng được bao nhiêu”, anh Sơn chia sẻ.

Nhiều người khuyên Mấy nên chọn công việc văn phòng để cuộc sống ổn định, nhàn hạ hơn. Tuy nhiên, Mấy lý giải, cô cần việc linh động thời gian để tiện bế bồng, chăm con. Hơn nữa, Mấy cũng đã quen với nghề shipper, thấy công việc này không vất vả bằng làm nông ở quê, mỗi ngày phải đi bộ mấy cây số lên nương. 

Mấy dự tính, khi con gái cứng cáp, cô gửi bé về quê nhờ ông bà chăm để tập trung mưu sinh. Tuy nhiên, cô cũng đắn đo, không yên tâm. Bởi, ở quê, nhà trẻ cách nhà khá xa, bố mẹ cô lại bận nương rẫy. 

(Theo VietNamNet)

Xem thêm: Việc tốt quanh ta: Biến lốp xe cũ thành đồi chơi cho trẻ em nghèo vùng cao

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận