Việc tốt quanh ta: Biến lốp xe cũ thành đồi chơi cho trẻ em nghèo vùng cao
Đôi bàn tay khéo léo của những đoàn viên, thanh niên đã biến những chiếc lốp xe cũ thành đồ chơi hữu ích cho trẻ em vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An).
Những sân chơi rực rỡ sắc màu
Xã Nghĩa Đức, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) thuộc vùng sâu, vùng xa, các em ở đây chủ yếu là người vùng đồng bào dân tộc Thái… không có điều kiện tiếp xúc với các khu vui chơi, giải trí.
Thấu hiểu với những khó khăn đó, hơn 30 đoàn viên, thanh niên đã tận dụng những nguyên liệu tái chế như lốp ô tô, lốp xe máy cũ hay ván gỗ, các vật liệu cũ sinh hoạt hàng ngày đã qua sử dụng… bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, các đoàn viên, thanh niên đã biến những chiếc lốp xe cũ thành đồ chơi hữu ích, tạo ra sân chơi thú vị cho trẻ em, vừa đẹp mắt, vừa tiết kiệm và bảo vệ môi trường.
Để thêm phần sinh động, hấp dẫn, các đoàn viên còn trang trí cho những món đồ chơi bằng cách sơn, vẽ lên đó những hình thù ngộ nghĩnh. Công trình hoàn thành đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và thanh thiếu nhi tại địa phương, bởi có thêm điểm vui chơi bổ ích cho các em nhỏ trong dịp hè.
Em Lục Thị Hà My, ở xóm Nung, xã Nghĩa Đức, cho biết: “Em rất vui vì gần nhà em có sân chơi dành cho trẻ em đẹp như thế này. Các đồ chơi được làm từ lốp xe được sơn nhiều màu sắc, em rất thích nên ngày nào em cũng ra chơi”.
Làm đồ chơi cho trẻ từ tái chế lốp xe, phế thải và những thanh sắt, dây xích… thoạt đầu tưởng chừng đơn giản. Song, qua thực tế cho thấy, để tạo ra đồ chơi đẹp, phù hợp lứa tuổi không phải dễ, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ để sản phẩm sau khi hoàn thành vừa đảm bảo an toàn cho trẻ, gần gũi với thiên nhiên, vừa kích thích sự phát triển vận động, tư duy sáng tạo của các em.
Anh Hồ Đức Đại, bí thư đoàn xã Nghĩa Đức, cho biết: “Đây là mô hình rất thiết thực cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc Thái. Trong thời gian tới, Đoàn xã mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền để mô hình này được nhân rộng, góp phần tạo nên những địa điểm vui chơi an toàn cho thiếu nhi, nhất là trong dịp hè này”.
Tạo điểm sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho trẻ
Tại xã Nghĩa An (huyện Nghĩa Đàn), không khí hăng say sáng tạo sân chơi “Vườn cổ tích” cho trẻ em tại nhà văn hoá xóm An Phú của các đoàn viên, thanh niên cũng đang diễn ra sôi nổi, hào hứng không kém.
Vật liệu chính để tạo nên sân chơi này là những chiếc lốp ô tô, xe máy cũ... được đoàn viên, thanh niên xã xin lại của doanh nghiệp sửa chữa ô tô, xe máy.
Qua sự sáng tạo của các đoàn viên, thanh niên, những chiếc lốp xe bỗng trở thành hình các con vật ngộ nghĩnh, xích đu, bập bênh, bồn hoa… Sơn lên chút màu sắc, những chiếc lốp xe cũ còn trở thành những vật trang trí ấn tượng làm đẹp cho khuôn viên hội quán xóm.
Khu “Vườn cổ tích” là cách mà người dân xóm An Phú nói về sân chơi mới này. Khuôn viên sân chơi rộng 70 m2 trước đây, giờ trở nên rộng rãi nhờ được bố trí khoa học hơn với đủ sắc màu rực rỡ cùng những đồ chơi độc đáo.
Anh Đậu Đức Giang, bí thư đoàn xã Nghĩa An, chia sẻ: “Mô hình tái chế lốp xe cũ thành đồ chơi cho trẻ em là một việc làm ý nghĩa, thiết thực. Không chỉ tạo nên sân chơi cho các em nhỏ, mà còn gợi lên cho cho thanh thiếu nhi về ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường, vun đắp cho các em trí tưởng tượng, óc sáng tạo phong phú...”.
Thời gian tới, Ban thường vụ huyện đoàn Nghĩa Đàn tiếp tục khuyến khích các đoàn cơ sở nhân rộng mô hình này trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên được vui chơi, vận động.
Anh Võ Đức Tùng, Bí thư huyện đoàn Nghĩa Đàn, cho biết: “Tuy sử dụng vật liệu tái chế nhưng đồ dùng, đồ chơi làm từ lốp xe đều bảo đảm về độ bền và an toàn. Trước khi sử dụng để tái chế, chúng tôi phải làm sạch lốp xe, các bề mặt của lốp xe được sơn màu, các mối hàn chắc chắn... bảo đảm an toàn đối với trẻ.
Do đó, việc sử dụng vật liệu tái chế làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ em, đã tiết kiệm một phần chi phí không nhỏ, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho trẻ.
Nhờ mới lạ, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, không giống với các đồ chơi được sản xuất đại trà trên thị trường nên trẻ rất thích. Tới đây, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện”.
Thực trạng thiếu điểm vui chơi cho trẻ em là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Không có nơi vui chơi, nhiều em thiếu nhi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi đã rủ nhau thả diều, đá bóng ở đường hoặc rủ nhau đi tắm sông, suối mà không lường trước được nguy hiểm, những hậu quả đáng tiếc đã xảy ra.
Nhiều em nhỏ bị đuối nước hay sa vào những trò chơi vô bổ như game, các tụ điểm vui chơi không lành mạnh… Vì vậy, việc tạo sân chơi, điểm sinh hoạt cho trẻ là việc làm hết sức cần thiết và bổ ích.
Xem thêm: Việc tốt quanh ta: "Siêu đầu bếp" mở lớp nấu ăn 0 đồng, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận