Trần Văn Kỷ - vị quân sư tài trí của Nguyễn Huệ: Giữ vai trò then chốt trong việc tuyển nhân tài, nhiều lần hòa giải nội chiến nhà Tây Sơn

Nhà sử học Đỗ Bang cho biết, ngoài công lao phò tá nhà Tây Sơn, Trần Văn Kỷ còn là một viên quan biết quý dân nghèo. Chuyện ông cho gạo, đào mương thủy lợi, mở đường, xây cầu, trồng cây... đến nay người dân làng Vân Trình và nhiều nơi khác trong huyện Hương Điền vẫn còn truyền tụng... 

Đỗ Thu Nga
13:00 24/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vị quân sư xuất thân nghèo khó

Theo Wiki, Trần Văn Kỷ (?- 24 tháng 12 năm 1801), còn có tên là Trần Chánh Kỷ. Ông là người làng Vân Trình (tục gọi là làng Rào), tổng Vĩnh Xuyên, huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa (nay là xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trần Văn Kỷ sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, nhà đông anh em. Song từ nhỏ, ông đã nổi danh thông minh, chăm chỉ học hành hơn các bạn bè cùng trang lứa. 

Cha của ông là Trần Văn Hồng (1702-1758) mẹ là Trần Thị Ty (1705-1763) có chín người con, ông là thứ 7. Theo gia phả họ Trần ở làng Vân Trình, Trần Văn Kỷ là hậu duệ đời thứ 11 của ngài Thủy tổ họ Trần Văn ở làng này, có tên húy là Trần Văn Lộc. Cha của ông đi lính làm suất đội trưởng. Trần Văn Kỷ có vợ là Châu Thị Đang, người Bình Định và có hai con trai, con trưởng là Trần Văn Đức, sinh năm 1784 và con trai út là Trần Văn Khuê.

Năm 1774, ông tham gia kỳ thi Hương ở Phú Xuân và đỗ đầu (tức giải nguyên). Song lúc này Đàng Trong rất loạn, quyền thần Trương Phúc Loan lũng loạn khiến dân chúng oán thán. Lợi dụng tình hình này, 3 anh em Nguyễn Nhạc khởi nghĩa ở Tây Sơn khiến chiến loạn lan khắp nơi. Vì thế, dù đỗ đạt nhưng Trần Văn Kỷ vẫn quyết ở lại quê nhà.

Chan-dung-vi-quan-su-nhieu-lan-giup-nha-Tay-Son-hoa-giai-noi-chien
Tượng thờ Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ tại bảo tàng Quang Trung, Bình Định

Ở quê nhà mấy năm lũ lụt, ông vận động dân chúng trồng cây bên bờ ngăn lũ, không cho nước cuốn phù sa và hoa màu của dân. Dân chúng vì thế rất biết ơn ông.

Lợi dụng Đàng Trong hỗn loạn suy yếu, năm 1775, chúa Trịnh cho quân Nam tiến. Quân Trịnh chiếm được kinh thành Phú Xuân, tiến vào đến tận Quảng Nam và sáp nhập các vùng đất này vào Đàng Ngoài.

Đến khoa thi năm 1777 thời vua Lê Hiến Tông, Trần Văn Kỷ tham gia kỳ thi Hương và lần nữa đỗ đầu. Năm 1778, ông ra Thăng Long dự thi Hội (do Phú Xuân lúc này đã sáp nhập với Đàng Ngoài). Sử cũ không chép ông thi cử thế nào, chỉ nói ở đây ông đã gặp gỡ các sĩ phu Bắc Hà.

Trong phổ họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lưu (Nghệ An) có chép: Trần Văn Kỷ, người Thuận Hóa, đỗ cử nhân (tức Hương cống) tới Kinh yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm (tức cha của đại thi hào Nguyễn Du), hỏi đến nhân tài nước nam, cụ Thái bảo trả lời: “Đạo học sâu xa thì có Lạp Phong cư sĩ (tức Nguyễn Thiếp), văn chương phép tắc là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì có Nguyễn Huy Tự”.

Từ miền Trung ra Bắc, nhờ giao lưu học hỏi với các sĩ phu Bắc Hà mà Trần Văn Kỷ biết thêm được rất nhiều điều.

Trở thành quân sư tài trí bên cạnh Nguyễn Huệ

Sử chép, năm 1786, khi chiếm được Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cho người tìm đến Trần Văn Kỷ hỏi việc. Vì trước đó, Nguyễn Huệ đã nghe nhiều đến danh tiếng của vị học sĩ này. 

Sách Hoàng Lê nhất thống chí giới thiệu ông như sau: "(Trần Văn) Kỷ, người Thuận Hóa, vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777) niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn (Phú Xuân) đậu giải nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới kinh (Thăng Long) thi Hội. Sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp quen biết ít nhiều. Năm Bính Ngọ (1786), Bắc Bình Vương (Nguyễn Huệ) đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam, Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho ở vào chỗ "màn trướng", việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời".

Chan-dung-vi-quan-su-nhieu-lan-giup-nha-Tay-Son-hoa-giai-noi-chien-6
Tượng vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Cũng trong năm 1786, do sự thuyết phục của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ quyết định đem quân ra Bắc đánh Thăng Long để diệt họ Trịnh dù chưa được lệnh của Nguyễn Nhạc. 

Sau khi diệt được chúa Trịnh, trên đường về Phú Xuân, khi qua Nghệ An, Trần Văn Kỷ đã giới thiệu cho Nguyễn Huệ gặp La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, người được xem là bậc túc Nho danh giá nhất lúc bấy giờ. Tuy nhiên Nguyễn Thiếp lấy cớ tuổi cao không gặp Nguyễn Huệ, phải vài năm sau La Sơn Phu Tử mới đồng ý theo giúp Nguyễn Huệ.

Nhiều lần hòa giải nội chiến nhà Tây Sơn

Năm 1787, nội bộ Tây Sơn lâm vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Và cũng chính ông đã đứng ra lo dàn xếp giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ bằng cách lấy Bản Tân làm ranh giới. Từ Quảng Ngãi trở vào Nam do Nguyễn Nhạc làm chủ, từ Thăng Diện ra Bắc thuộc về Nguyễn Huệ.

Theo sử liệu thì, nhờ mưu kế của Trần Văn Kỷ, bề tôi yêu chuộng của Nguyễn Huệ, đã chấm dứt cuộc hỗn chiến đẫm máu kéo dài nhiều tháng (tháng 1 - tháng 5 năm 1787) giữa hai thủ lĩnh Tây Sơn làm thiệt hại chừng một nửa trong số 6 vạn quân của Nguyễn Huệ điều vào Quy Nhơn.

Chép lại sự kiện này, sách "Tây Sơn thủy mạt khảo" của Đào Nguyên Phổ 1861-1908) cũng đã xác nhận rằng nội chiến chấm dứt đấy là nhờ mưu kế của Trần Văn Kỷ, là người hạnh thần của Nguyễn Huệ bày ra. Do thành quả trên, ông được phong tước Kỷ Thiện hầu, giữ chức Trung thư - Phụng chính, có nhiệm vụ tham mưu, nắm toàn bộ trung thư cơ mật, thảo sắc phong, chiếu lệnh...

Xem thêm: Cái chết không rõ ràng của Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị tướng bách chiến bách thắng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận