Công dân cần sửa đổi/cập nhật thông tin các loại giấy tờ nào khi chuyển sang CCCD gắn chip?
Khi đổi từ CMND sang Căn cước công dân gắn chip thì công dân cần thực hiện sửa đổi/cập nhật thông tin trên các giấy tờ liên quan như: sổ đỏ, BHXH, thẻ BHYT, hộ chiếu...
Thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử (e-ID) là thiết bị nhận dạng thông tin cho phép tích hợp lượng dữ liệu lớn về bảo hiểm, bằng lái xe... Thẻ này có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Công dân chỉ cần dùng thẻ căn cước điện tử để có thể tiếp cận nhiều dịch vụ đòi hỏi các loại giấy tờ khác nhau.
Trước đây, chúng ta sử dụng Chứng minh nhân dân (CMND) để làm nhiều loại giấy tờ hành chính khác nhau. Vì thế, khi đổi từ CMND sang CCCD gắn chip, công dân cần phải thực hiện sửa đổi/cập nhật thông tin trên các loại giấy tờ liên quan. Cụ thể là:
Cập nhật thông tin sổ đỏ
Theo quy định tại khoản 14 Điều 6 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT: "Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp đồng thời với thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất”.
Theo quy định trên thì thay đổi số CMND sang CCCD được thực hiện theo nhu cầu của người sử dụng đất chứ không bắt buộc. SOng trên thực tế có nhiều trường hợp khi số CCCD đang sử dụng khác với số ghi trong Giấy chứng nhận vẫn bị làm khó khi chuyển nhượng, tặng cho.
Mặc dù trong trường hợp này người sử dụng đất có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản về lý do từ chối thực hiện, nếu không sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện. Nhưng việc cập nhật số CCCD mới trên sổ đỏ sẽ tránh làm mất thời gian khi khiếu nại, khởi kiện...
Cập nhật thông tin BHXH, thẻ BHYT
Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH về mẫu sổ bảo hiểm xã hội, trang 2 sổ bảo hiểm xã hội có ghi thông tin số CMND/hộ chiếu/ thẻ căn cước của người tham gia. Trường hợp người tham gia vừa có CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên CMND, hộ chiếu, thẻ căn cước.
Theo Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH, việc đổi hoặc điều chỉnh nội dung trên sổ bảo hiểm xã hội thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ bảo hiểm xã hội...
Song trước đó, Công văn 3835/BHXH-CST do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành về việc sai sót các tiêu thức giữa sổ BHXH và CMND có nêu:
Nếu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi các nội dung như số CMND, ngày cấp, nơi cấp Giấy CMND, hộ khẩu thường trú thì không phải cấp lại sổ BHXH.
Số CMND hay số Căn cước công dân là một trong những tiêu thức quản lý đối tượng của cơ quan BHXH. Vậy nên, người lao động cần làm thủ tục điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để cơ quan bảo hiểm xã hội cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.
Sửa đổi hộ chiếu
Do trên hộ chiếu có ghi thông tin về số CMND/CCCD nên với trường hợp đổi từ CMND 9 số sang CCCD 12 số thì công dân cần làm đề nghị sửa chi tiết trang nhân thân trong sổ hộ chiếu theo quy định ở Chương II Thông tư 29/2016/TT-BCA ngày 06/7/20216.
Việc sửa đổi này nhằm thống nhất thông tin trên hộ chiếu và thông tin CCCD gắn chip mới được cấp phòng trường hợp hải quan cửa khẩu một số nước yêu cầu xuất trình CCCD. Khi đó nến 2 mã số không trùng khớp sẽ dẫn đến việc khó khăn trong xuất, nhập cảnh.
Để sửa đổi hộ chiếu, người dân làm hồ sơ gửi đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú hoặc Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
Hồ sơ, thủ tục gồm:
- Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 01 năm;
- CCCD gắn chíp mới được cấp;
- Giấy xác nhận số CMND cũ đã được cấp trước đó;
- Sổ tạm trú đối với trường hợp đề nghị đổi tại nơi đăng ký tạm trú.
Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng
Ngân hàng chắc chắn sẽ từ chối giao dục nếu công dân không cập nhật số CCCD gắn chip mới. Để cập nhật thông tin, công dân chỉ cần mang Giấy xác nhận số CMND 9 số, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mà mình mở tài khoản để được hướng dẫn thủ tục.
Hiện tại chưa có quy định phạt vi phạm hành chính đối với việc không sửa đổi/cập nhật thông tin đối với các loại giấy tờ nêu trên. Song để thuận tiện cho các giao dịch thì công dân nên cập nhật/sửa đổi.,
Với những người đang sử dụng CMND 12 số, CCCD mã vạch khi đổi qua CCCD gắn chip thì không cần thực hiện thủ tục đổi/cập nhật nêu trên.
Thay đổi thông tin đăng ký thuế
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (CMND, CCCD...) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Song với cá nhân không kinh doanh đã được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân chậm thay đổi thông tin về CMND khi được cấp thẻ CCCD lại không thuộc trường hợp bị xử phạt theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Vậy nên người lao động có thể tự mình thực hiện thủ tục hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế.
Người lao động có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận