Từ vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành đến tử vong: Bảo vệ trẻ em, không còn là chuyện của 1 gia đình

Giờ đây, bảo vệ trẻ em không chỉ là vấn đề của một cá nhân, một gia đình mà đó là sự chung tay của cả cộng đồng.

Đỗ Thu Nga
18:19 28/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những con số kinh hoàng

Mấy ngày qua, dư luận xã hội sục sôi phẫn nộ trước sự việc cháu V.A (8 tuổi, trú tại chung cư Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Chánh, TP.HCM) bị "dì ghẻ" là Võ Nguyễn Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ tại tỉnh Gia Lai) bạo hành đến tử vong.

Theo cơ quan điều tra, bước đầu Trang đã khai nhận có la mắng, dùng cây gỗ tròn dài cả mét, đánh nhiều cái vào mông cháu V.A.. Bên cạnh đó còn dùng chân đá... Cũng theo Trang, lý do đánh cháu V.A là vì nạn nhân chậm tiếp thu bài vở trong quá trình dạy học. 

Bao-ve-tre-em-khoi-bao-hanh-khong-con-la-chuyen-cua-1-gia-dinh -8
Hình ảnh bé V.A chụp ảnh cùng Trang và bố ruột

Ngược thời gian trở về những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020, dư luận phẫn nộ khi nhận được thông tin về việc bé gái 3 tuổi bị mẹ đẻ và bố dượng bạo hành đến tử vong tại Hà Nội. Hai kẻ độc ác táng tận lương tâm đó là Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 1991, trú tại ngõ 46 Phạm Ngọc Thạch, Phương Liên, Đống Đa) và Nguyễn Minh Tuấn (sinh năm 1989, trú ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu, Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng).

Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh khai nhận từ đầu tháng 3/2020, các đối tượng này thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu M.. 

Từ 8 giờ đến 23 giờ ngày 29/3, mẹ đẻ và bố dượng của cháu M. đã không cho cháu ăn uống và có đến 7 lần đánh cháu bằng chân tay cùng cán chổi ...

Sáng ngày 30/3, khi ngủ dậy thấy cháu M. mệt, Lan Anh cho uống sữa nhưng cháu M. nôn và ngất. Sau đó, Lan Anh đã đưa cháu M. đến Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) cấp cứu, nhưng cháu M. đã tử vong trên đường đi…

Qua khám nghiệm sơ bộ, cơ quan điều tra xác định cháu M. tử vong do chấn thương sọ não với nhiều thương tích ở vùng đỉnh và thái dương; gãy răng; đùi tụ máu…

Bao-ve-tre-em-khoi-bao-hanh-khong-con-la-chuyen-cua-1-gia-dinh-3
Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh trong vụ bạo hành bé gái 3 tuổi đến tử vong ở Hà Nội

Những sự việc kinh hoàng này giống như một hồi chuông báo động về vấn nạn bạo hành trẻ em tại Việt Nam trong những năm gần đây. Theo Phapluatplus, tại Việt Nam có đến 68,4% trẻ em (dưới 18 tuổi) từng ít nhất một lần bị bạo lực dưới một trong vài hình thức, từ bị đánh đập, xâm hại thân thể đến xâm hại tình dục...

Theo báo cáo từ Bộ Công an, năm 2018, cả nước xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em, với gần 1.700 đối tượng, xâm hại 1.579 trẻ, trong đó có 1.293 em bị xâm hại tình dục. Cho đến nay, những con số tương tự như trên vẫn tiếp tục tăng lên và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Ước tính, trung bình cứ mỗi năm lại có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực. 

Đau lòng hơn là các vụ bạo hành trẻ em lại bắt nguồn từ gia đình - nơi mà nhẽ ra các em được bao bọc, được yêu thương, được sống hồn nhiên với đúng lứa tuổi của mình...

Bảo vệ trẻ em, không còn là chuyện của 1 gia đình

Theo Phapluatplus, không thể phủ nhận, bảo vệ con cái khỏi những vấn nạn tiêu cực của xã hội, trách nhiệm lớn nhất thuộc về mỗi gia đình. Thế nhưng, về mặt sinh học, trẻ em là đối tượng chưa trưởng thành, chưa đủ nhận thức và khả năng hình dung về mức độ nghiêm trọng của sự việc. Vậy nên, trẻ em có quyền được bảo vệ, được giáo dục trong mọi hoàn cảnh và đây không còn là câu chuyện của một gia đình.

Việc phát hiện và giúp đỡ trẻ em thoát khỏi cảnh bạo lực là trách nhiệm bắt buộc của những người chứng kiến và có thông tin về sự việc.

Bao-ve-tre-em-khoi-bao-hanh-khong-con-la-chuyen-cua-1-gia-dinh-1
Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng cục trẻ em

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết, Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng. Để có thể kịp thời can thiệp và giải quyết, tránh cho các sự việc đáng tiếc xảy ra.

Trong vài năm qua, phía cơ quan chức năng cũng đưa ra không ít phương án nhằm ngăn chặn bạo hành trẻ em. Song hiệu quả vẫn chưa rõ nét. Trên thực tế, vấn nạn này vẫn diễn ra và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Vậy nên, phía gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có hành động thiết thực bám sát thực tiễn đời sống và đẩy mạnh hơn nữa các hành động bảo vệ trẻ em. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em,…

Cơ quan chức năng cần truyền thông nhiều và thường xuyên hơn để người dân biết được các quy định pháp luật trong bảo vệ trẻ em cũng như biết được các nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan xử lý nguồn tin. Để trẻ em có thể sống và phát triển một cách lành mạnh, hạn chế thấp nhất những vụ việc thương tâm xảy ra.

Hướng dẫn bảo vệ trẻ em (clip nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác bổ trợ kiến thức cho người lao động - Phòng Đào tạo Công ty Cổ phần Phát triển Dịch vụ Nhà Sạch HMC (JupViec.vn) phối hợp với Tổ chức CARE Vietnam)

Bên cạnh đó cũng phải nâng cao nhận thức của gia đình và trách nhiệm xã hội. Nếu phát hiện trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại và ngược đãi, người dân nên thông báo ngay cho các cấp chính quyền để xử lý kịp thời. Đồng thời, gọi ngay cho tổng đài 113 để được hỗ trợ, ngăn chặn hoặc xác định có người đang bị xâm hại tình dục, bị bạo lực, có nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực; tổng đài 115 để được trợ giúp về y tế khẩn cấp khi bị xâm hại tình dục, bị bạo lực bạo hành và số máy trực ban hình sự của cơ quan Công an địa phương khi muốn trình báo, tố giác hoặc cung cấp, báo tin về các hành vi, sự việc xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em…

Trẻ em như bút trên cành, là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước. Bởi vậy, việc “Tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả trẻ em đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, trẻ em bị bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển” là một trong những mục tiêu quan trọng, là mối quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta, của toàn xã hội và của mỗi gia đình.

Ngày 28/12, ông Phạm Đình Nghinh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết hiện tại, Chi hội luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đang thụ lý vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong.

Cũng theo ông Nghinh, đã đến lúc cần có hệ thống các trung tâm tư vấn, cung cấp dịch vụ hỗ trợ và mạng lưới nhân viên Công tác xã hội chuyên nghiệp được đào tạo và thực sự được trao quyền để có đủ khả năng, năng lực bảo vệ trẻ em

Ông nói: "Nâng cao nhận thức và xác định rõ vai trò trách nhiệm của gia đình. Gia đình phải là nơi bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất. Cha mẹ có thể không sống được với nhau thì ly hôn, các cháu có thể không có được một gia đình hoàn thiện nhưng tất cả các quyết định của người lớn phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất tác động và ảnh hưởng đến trẻ em. Sự vô trách nhiệm với trẻ em trong nhiều tình huống chính là tội ác”.

(Tổng hợp) 

Xem thêm: Phẫn nộ lời khai của "dì ghẻ": Dùng cây gỗ tròn dài cả mét đánh vào mông cháu V.A

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận