Bánh đúc có xương: Mẹ kế hiến thận cứu con chồng mắc bệnh hiểm nghèo
Bằng tình yêu thương và sự đồng cảm, bà Phạm Thị Lý đã xóa tan định kiến "dì ghẻ con chồng". Bà không ngần ngại hiến một phần cơ thể mình để hồi sinh con chồng.
Dân gian có câu "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng" - câu này như lột tả về mối quan hệ mẹ kế - con chồng. Chuyện thường ở đời "khác máu tanh lòng", mẹ kế đối xử không tốt với con chồng là chuyện dễ thấy. Nhưng suy nghĩ này đã dần giảm đi theo năm tháng, dù là con riêng của chồng nhưng nhiều người phụ nữ vẫn chấp nhận một đời khổ cực để chăm sóc con chồng. Sự chịu khó, chăm chỉ và tình thương vô bờ bến của họ khiến ai nấy nhìn vào đều ngưỡng mộ.
Tại Việt Nam đã từng xuất hiện câu chuyện "bánh đúc có xương". Đó là người mẹ kế đã không ngần ngại hiến thận hồi sinh cuộc đời con chồng.
Đó là câu chuyện của chị Phạm Thị Minh Lý ở làng Kiến Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, Thái Bình đến bệnh viện làm phẫu thuật ghép thận cho con chồng.
Theo đó, cách đây nhiều năm, bà Lý đồng ý lấy một người đàn ông đã có 2 cậu con trai riêng, khi ấy đám cưới diễn ra khá đơn giản, chỉ có mặt của hai bên gia đình. Lấy chồng xong, dù cuộc sống có phần khó khăn, thế nhưng, bà Lý vẫn cố gắng xây đắp tổ ấm, dành cho 2 người con trai riêng của chồng tình yêu thương chân thành nhất.
Hoàn cảnh khó khăn, năm 2009, một biến cố lớn đến với gia đình. Trong giai đoạn ấy, cả 2 người con trai của chồng là Trương Văn Lân (SN 1988) và Trương Văn Lượng (SN 1985) đều mắc bệnh hiểm nghèo. Giai đoạn đó, chồng bà Lý suy sụp vì bản thân không cùng nhóm máu với con trai, tiền viện phí mắc, sức khỏe 2 con cứ thế yếu đi.
Khi ấy, bác sĩ đưa ra giải pháp chờ người ghép thận, thế nhưng, số tiền đối với vợ chồng bà Lý khá lớn. Cuối cùng, bà Lý chủ động xin chồng cho mình đi xét nghiệm, may mắn thay, mọi chỉ số của bà đều phù hợp với người con trai thứ hai của chồng. Năm 2013, với tình yêu dung dị của mình, bà Lý không ngần ngại, quyết định hiến một bên thận cho người cho anh Trương Văn Lân.
Việc ghép thận diễn ra rất thành công, thế nhưng, bà Lý phải đánh đổi việc không thể sinh thêm em bé. Chia sẻ với VTV, bà Lý nói: “Tôi chấp nhận không sinh thêm em bé để cứu Lân. Từ ngày bước chân về làm vợ ông Ước, tôi coi anh em Lân và Lượng chẳng khác nào máu mủ của mình”.
Không chỉ hiến một bên thận, để lo chi phí phẫu thuật cho con, vợ chồng bà Lý đã phải vay tiền, bán hết các thứ giá trị trong nhà. Được biết, chi phí cho ca phẫu thuật lên đến 300 triệu đồng. Nhiều người cho rằng bà Lý dại, không cần phải như vậy vì Lân là con trai riêng, thế nhưng, bà Lý đều bỏ ngoài tai, không nói gì.
Đến hiện tại, sau 10 năm ghép thận thành công, người con trai thứ hai được bà Lý tặng thận hoàn toàn khỏe mạnh, sức khỏe tốt và đã lấy vợ sinh con. Những hạnh phúc mới đã được nảy mầm từ sự hi sinh của 1 người mẹ đặc biệt. "Mẹ đã đến với cuộc đời này để con được sinh thêm 1 lần nữa" - Đó là câu nói đầy cảm động của anh Trương Văn Lân dành tặng cho mẹ kế của mình.
Chuyện những bà mẹ kế chăm sóc con riêng của chồng tận tình đều gây xúc động mọi người. Cách đây không lâu, Thanh Niên có đưa tin về câu chuyện của bà Trần Thị Bạch Tuyết (52 tuổi, sống tại TP.HCM). Được biết, năm 1997, bà Tuyết cùng một người đàn ông đã có con riêng nên duyên vợ chồng. Bà bắt đầu chăm sóc người con riêng tên N. khi bé mới 2 tháng tuổi. Dù hiện tại đã 26 tuổi nhưng cậu bé vẫn chỉ nặng vỏn vẹn 30kg, không thể nói suôn sẻ một câu.
Bà Tuyết chia sẻ với Thanh Niên: “Ngày ấy tôi thương ba N. nên nhận nuôi nó luôn. Nhưng N. không như những đứa trẻ bình thường, đến 3 - 4 tuổi vẫn chỉ lết. Buôn gánh bán bưng chật vật từng đồng, nhưng tôi vẫn gom góp mua mỗi lần 100g sữa về quấy lên để đút cho N. uống”.
Sự hy sinh của những người mẹ kế không gì có để đong đếm. Họ chấp nhận lam lũ vất vả, cố gắng chăm sóc những đứa trẻ dù chúng không có máu mủ với mình. Điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận