Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến: "85% xương thịt của tôi là của các liệt sĩ"

"Bố mẹ tôi sinh ra tôi xương thịt chỉ còn 15% thôi. Còn 85% của các liệt sĩ. Anh em đã hy sinh cho mình sống", Trung tướng Khuất Duy Tiến chia sẻ với VTV.

Đỗ Thu Nga
10:00 20/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về cuộc đời của vị tướng trận mạc

Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến sinh ngày 27/2/1931 tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ông là một tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, hàm Trung tướng, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1 (1994-1997), nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu (1989-1994), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (1982-1989).

Trung tướng khuất Duy Tiến tham gia cách mạng từ năm 1946, hoạt động tại địa phương làm công tác thanh niên huyện Thạch Thất. Đầu năm 1950, ông bị địch bắt, sau đó ông vượt ngục tiếp tục hoạt động ở địa phương.

Tháng 9/1950, ông nhập ngũ, là chiến sĩ Đại đội 737, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320.Từ năm 1952 đến năm 1954, ông là Tiểu đội phó, Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 27, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Từ tháng 1 năm 1954 đến năm 1955, ông là Trung đội trưởng, rồi Đại đội trưởng Đại đội 129, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 48 Sư đoàn 320. Năm 1956, ông được cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân.

AHLLVTND-Khuat-Duy-Tien-va-ke-hoach-lua-dich-o-chien-dich-Tay-Nguyen
Trung tướng Khuất Duy Tiến vẫn còn rất minh khỏe mạnh (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử)

Năm 1958, ông làm công tác huấn luyện tại Sư đoàn 320. Từ tháng 11/1959 đến tháng 5/1962, ông là giáo viên chiến thuật Trường Quân chính Quân khu 3. Từ tháng 6/1962 đến năm 1964, ông học tại Trường Trung cao Quân sự khoá 1. 

Từ năm 1965 đến tháng 9/1967, ông là Trợ lý huấn luyện Phòng Quân huấn Quân khu 3. Từ tháng 10 năm 1967 đến tháng 10/1969, ông là Đại úy, Tham mưu trưởng Trung đoàn 64, Sư đoàn 320.

Từ tháng 12/1973 đến tháng 11/1976, ông là Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên. Từ tháng 12-1976 đến tháng 11/1979, ông là Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.

Sau đó ông đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 3 (1980-1984); Tư lệnh Quân đoàn 3 (1984-1989); Cục trưởng Cục Quân lực-Bộ Tổng Tham mưu (1989-1994); Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân I (1994-1997). 

Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 30/10/2013. Một điều thật đặc biệt: gia đình ông có 2 trung tướng, Trung tướng Khuất Duy Tiến và con trai ông, Trung tướng Khuất Việt Dũng, nguyên Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.

Trung tướng Tiến và nghệ thuật nghi binh - 1 ngày bằng 20 năm...

Trong những chiến công của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Khuất Duy Tiến thì ấn tượng nhất là nghệ thuật nghi binh của ông trong chiến dịch Tây Nguyên. Nghệ thuật ấy đã tạo nên chiến thắng thần tốc 1 ngày bằng 20 năm.

Và trong chương trình "Những anh hùng thế kỷ XX" phát sóng hôm nay (17/7), những cuộc chiến đấu ấy, những chiến tích và cả những hy sinh trong những cuộc chiến đã đi qua sẽ một lần nữa được Trung tướng Khuất Duy Tiến kể lại. Tất cả những hồi ức ấy như vẫn còn mới, vẹn nguyên dù đã nhiều chục năm qua đi.

Thời điểm đó, Trung tướng Khuất Duy Tiến là Trưởng phòng tác chiến mặt trận Tây Nguyên và ông là người đặt bút soạn thảo kế hoạch nghi binh. Trên 10 trang giấy ấy, một kế hoạch tác chiến hoàn hảo đã được tạo ra. 

Theo Báo Quân khu 7, về Phòng Tác chiến Mặt trận B3 khoảng nửa tháng thì Trung tá Khuất Duy Tiến được cử ra Hà Nội dự tổng kết chiến dịch Tây Nguyên năm 1972 và nhận kế hoạch chuẩn bị phương án tác chiến trong các năm 1975-1976. Theo kế hoạch ban đầu, Mặt trận B3 được Bộ giao nhiệm vụ mở thông con đường vận tải nối giữa Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, tức là chỉ “vén” địch ra để xây dựng một con đường vận tải chiến lược. Phòng Tác chiến Mặt trận đã tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch mang tên “Chiến dịch tháng 2/1975” với các mục tiêu tấn công vào Thuần Mẫn, Đức Lập, Gia Nghĩa… nhằm mở thông con đường vận tải ấy.

AHLLVTND-Khuat-Duy-Tien-va-ke-hoach-lua-dich-o-chien-dich-Tay-Nguyen-8
10 trang giấy kế hoạch nghi binh được Trung tướng Khuất Duy Tiến soạn thảo. (Ảnh: Quân Khu 7 Online)

Nhưng do tình hình thay đổi, sau chiến thắng Phước Long, Trung ương đánh giá Mỹ không có khả năng can thiệp, phương án tác chiến trong năm 1975 hướng tấn công chính sẽ là các thành phố, thị xã. Thế là từ tháng 10/1974, khi vừa hoàn chỉnh xong kế hoạch tác chiến cho “Chiến dịch tháng 2/1975”, Trưởng phòng Khuất Duy Tiến lại cùng anh em trợ lý bắt tay vào xây dựng một kế hoạch khác.

"Trước lúc làm kế hoạch mới, tôi có hỏi đồng chí Vũ Lăng (khi đó đang là Tư lệnh Mặt trận) xem có cần thay đổi tên kế hoạch không, Tư lệnh Vũ Lăng bảo: “Cứ đề là “Kế hoạch tháng 2/1975" rồi thay nội dung khác là được”, anh còn gợi ý: “Các cậu cần tính để ta có thể xây dựng phương án đánh Buôn Ma Thuột trong trường hợp địch không có phòng ngự dự phòng, chỉ “chọi” với Trung đoàn 53 của địch đang chốt tại đó”,Trung tướng Khuất Duy Tiến nhớ lại.

Một phương án nghi binh được Bộ tư lệnh đưa ra họp bàn với anh em các bộ phận, sau đó cấp trên giao nhiệm vụ cho Phòng Tác chiến xây dựng kế hoạch này. Tháng 10/1974, sau 2 tuần soạn thảo, kế hoạch nghi binh do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến viết, tổng hợp thành 10 trang giấy pơ-luya chính thức được Tư lệnh Vũ Lăng thông qua. Khi ấy, Tư lệnh Vũ Lăng còn cẩn thận dặn người Trưởng phòng Tác chiến: “Cậu nhớ giữ kín nhé, trước mắt là chỉ mình với cậu biết thôi đấy!”.

Nội dung kế hoạch "Nghi binh 10/1974" được tiến hành trên 4 hướng gồm: hướng bắc, đông bắc thị xã Kon Tum; hướng tây, tây nam thị xã Kon Tum; hướng đường 19 An Khê và hướng tây Plây-cu. Tham gia vào kế hoạch nghi binh ngoài lực lượng tại chỗ được bố trí ở các hướng còn có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ nghi binh gồm 2 máy 15W của Trung đoàn thông tin cùng hai tổ cơ yếu, trong đó một máy làm nhiệm vụ đóng giả một sư đoàn mới vào, một máy đóng giả Sở chỉ huy tiền phương của B3. Dĩ nhiên, kế hoạch nghi binh chỉ được phổ biến đến Thủ trưởng Phòng Tham mưu và các bộ phận cơ quan trực tiếp làm, còn các đơn vị thực binh tuyệt đối không được biết.

AHLLVTND-Khuat-Duy-Tien-va-ke-hoach-lua-dich-o-chien-dich-Tay-Nguyen-7
Trung tướng Khuất Duy Tiến chính là tác giả của "cú lừa" đầy ngoạn mục của chiến dịch lịch sử này

Ngồi ôn lại chuyện cũ, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể rằng một lần đồng chí Thanh Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 968 đã hỏi ông: “Anh Tiến này, sư đoàn của tôi nhận nhiệm vụ đánh thật hay đánh giả đấy?”, ông nghiêm giọng: “Thật chứ, sao lại có chuyện đánh giả ở đây!”.

Kế hoạch nghi binh được Phòng Tác chiến Mặt trận B3 quy định gọi tắt là kế hoạch B. Các đơn vị được phổ biến quy định là khi nhận kế hoạch tác chiến mà có chữ “kế hoạch B” thì chỉ huy đơn vị cần lưu ý… không làm theo. Chẳng hạn Sư đoàn 10 nhận nhiệm vụ hành quân cơ động trong “kế hoạch B”, nhưng thực tế cả sư đoàn vẫn đóng quân tại chỗ để nghi binh địch. Việc nghi binh được bắt đầu triển khai từ giữa tháng 11/1974 và trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11/1974 tới đầu tháng 3/1975) địch bị phía ta đưa vào “ma trận” với thật giả lẫn lộn. Có một lần ta di chuyển “thật” mà bị chúng “đánh hơi” được, đó là giữa tháng 2/1975, địch hay tin Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 của ta đã di chuyển xuống phía nam Tây Nguyên, chúng liền điều Trung đoàn 45 từ Kon Tum xuống lùng sục dọc đường 14. Biết Sư đoàn 320 có nguy cơ bị lộ, Bộ tư lệnh Mặt trận quyết định cho sư đoàn lui quân để giữ bí mật, Trưởng phòng Khuất Duy Tiến đã phải trực tiếp thảo một bức điện rồi tới đưa tận tay Sư đoàn trưởng Kim Tuấn chứ không sử dụng máy 15W.

Trung tướng Tiến bảo rằng, những ngày làm việc ở cơ quan tác chiến thời kỳ diễn ra Chiến dịch Tây Nguyên đã rèn cho ông một thói quen “ngủ tranh thủ” vào bất kỳ giờ nào, bởi hồi đó công việc hằng ngày luôn tất bật, tối đến, các đơn vị mới có điện báo về, người Trưởng phòng Tác chiến phải nắm hết nội dung cơ bản của các bức điện, rồi triển khai nội dung chỉ đạo cho các đơn vị ngay trong đêm. 12 giờ đêm, ông bắt đầu đọc các bức điện do anh em Trợ lý Tác chiến tổng hợp, sau đó đề xuất với cấp trên. Xong nội dung này thì cũng khoảng 1, 2 giờ sáng và đúng 4 giờ 30 hằng ngày Phòng Tác chiến phải tổ chức giao ban, kết thúc cuộc giao ban phòng là kịp tới giao ban Bộ tư lệnh vào lúc 6 giờ. Có hôm cuộc giao ban của Bộ tư lệnh tới 8 giờ sáng mới xong. Lúc đó, những bức điện quan trọng do cấp trên triển khai ông phải trực tiếp soạn, còn lại do anh em trợ lý đảm nhiệm. “Ngày nào công việc cũng căng như vậy, trong khi chiến dịch kéo dài tới hàng tháng, vì thế mà tôi phải tự rèn cho mình một thói quen “tranh thủ chợp mắt” vào bất cứ giờ nào, dù thời gian ngủ chỉ là 5-10 phút…”, Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.

“Khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tổng kết lại mới thấy việc nghi binh đã được anh em các đơn vị phối hợp thực hiện rất tốt” - vị tướng trận mạc chân thành bộc bạch. Theo ông, việc chủ động tấn công và dùng phép nghi binh lừa địch của quân ta đã thành công. Trong khi ta điều hai sư đoàn chủ lực là Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 từ bắc Tây Nguyên xuống nam Tây Nguyên, Sư đoàn 316 cũng được điều từ miền Bắc vào nam Tây Nguyên thì địch vẫn tin rằng Quân giải phóng sẽ đánh vào bắc Tây Nguyên, do đó ta đã thu hút một lực lượng lớn của địch lên phía bắc Tây Nguyên, đồng thời bao vây, cô lập Buôn Mê Thuột để có được thắng lợi trong trận then chốt.

Sau khi đất nước thống nhất, 10 trang giấy pơ-luya kế hoạch “Nghi binh 10/1974” đã được Trung tướng Khuất Duy Tiến lưu giữ làm kỷ niệm trong suốt 35 năm, cho tới ngày 11/ 2/2009, hưởng ứng Cuộc vận động “Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến”, Trung tướng Khuất Duy Tiến đã đem tặng lại kỷ vật ấy cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ngưỡng mộ gia đình vị tướng anh hùng

Theo báo Quân đội nhân dân, gia đình Trung tướng Khuất Duy Tiến là một gia đình nề nếp, gia giáo, có truyền thống văn hóa. Ông cùng vợ là bà Vũ Thị Hồng Vân sinh thành, dưỡng dục lên 4 người con thành đạt: Con trai cả là Trung tướng, Tiến sĩ Khuất Việt Dũng, nguyên Chính ủy Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), hiện là Phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; con gái thứ hai là Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội; con gái thứ ba là Thạc sĩ, Bác sĩ Khuất Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm phát triển xã hội; con trai út là Tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Vận tải, Bộ Giao thông vận tải, đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia…

Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu - tác giả bài viết "Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến - Những điều tôi biết" đăng trên báo QĐND chia sẻ: "Qua nhiều năm, từ những lần gặp đầu tiên (khoảng năm 1992) cho đến tận bây giờ, cảm nhận xuyên suốt của tôi về ông Khuất Duy Tiến là một cán bộ có năng lực giỏi, đã từng trải qua nhiều cương vị, có bề dày thành tích, vốn sống, kinh nghiệm phong phú, phong cách điềm đạm vui vẻ, dễ gần, chân thành, cương trực. Thêm nữa, điều tôi kính quý và học hỏi ông còn ở chỗ ông giàu vốn Nho học. Ông thuộc rất nhiều câu danh ngôn Hán- Việt, có tính triết lý nhân sinh sâu sắc. Về lĩnh vực này, ông cũng là “thầy tôi”. Với tôi, do không được học nên không biết chữ nho.

AHLLVTND-Khuat-Duy-Tien-va-ke-hoach-lua-dich-o-chien-dich-Tay-Nguyen-0
Trung tướng khuất Duy Tiến và gia đình (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử)

Nhưng vì thích tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, nên tôi cũng có biết được nghĩa của nhiều từ Hán- Việt. Nhờ thế, tôi liều viết ra vài ba câu đối, vài ba bài thơ Đường bằng âm Hán, để tự vịnh hoặc đề tặng người khác. Viết tiếng Việt xong, tôi nhờ người biết chữ Nho viết ra giấy. Bằng cách đó, tôi làm câu đối, làm thơ tặng một số người mà tôi thân quý - nhất là nhân dịp mừng sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới... Tôi thường đem cái mình viết ra để hỏi các bậc cha chú thành thạo chữ Nho, trong đó có tướng Khuất Duy Tiến. Đọc xong họ nói rằng, câu đối, bài thơ như vậy là đúng nghĩa và đúng niêm luật chặt chẽ của Đường thi. Thật ra, tôi thuộc loại điếc không sợ súng!".

Cũng theo tác giả: "Nhiều năm trước, khi biết tin Khuất Việt Dũng - con trai cả của ông được thăng quân hàm cấp trung tướng, tôi kính tặng gia đình ông đôi câu đối bằng chữ Nho: “Phụ tử tướng quân thiên hạ thiểu/ Công danh khanh tước quốc triều đa”. (Nghĩa là: Cha con cùng làm tướng trong thiên hạ là ít. Các chức tước khác của quốc gia thì nhiều). Ngày 20-8-2016, nhân có việc tôi đến thăm nhà, ông Khuất Duy Tiến thân tình chỉ cho câu đối đó được viết bằng chữ Nho treo lên tường.

Kèm theo dòng ghi phía bên phải (cũng bằng chữ Nho): Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu đề hạ. Năm 2020, nhân dịp ông mừng thọ 90 tuổi, tôi đã làm đôi câu đối kính tặng ông: “Bách niên trường thọ kim tại hữu/ Cửu thập phong thần cổ sở hy”. (Nghĩa là: Người thọ 100 tuổi hiện nay vẫn có/ Chín mươi tuổi mà còn minh mẫn, thông tuệ thì xưa nay hiếm). Người xưa nay hiếm ấy, đến giờ vẫn bình lặng sống tại căn nhà tập thể do Bộ Quốc phòng cấp ở gần phố nhà binh và sẵn sàng trên những hành trình cùng đồng đội về chiến trường xưa, trao truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay".

(Theo Wiki, Báo Quân khu 7, VTV, Báo QĐND)

Xem thêm: Những giây phút cuối cùng bất khuất, hiên ngang của người con gái anh hùng - chị Võ Thị Sáu

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận