Những giây phút cuối cùng bất khuất, hiên ngang của người con gái anh hùng - chị Võ Thị Sáu

Trước giờ hành hình, cha đạo muốn làm lễ rửa tội cho Võ Thị Sáu nhưng chị từ chối và một lần nữa khẳng định: "Tao là người yêu nước! Tao không có tội gì cả. Chỉ có chúng mày, quân giết người mới có tội!".

Đỗ Thu Nga
10:00 16/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền đất đỏ

Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng

Đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở

Đời sau vẫn còn nhắc nhở

Sông núi đất nước ơn người anh hùng

Đã chết cho đời sau.... 

Đó là những câu hát làm rung động trái tim mỗi người khi nghĩ về người con gái kiên cường, bất khuất, người anh hùng "đã chết cho mùa hoa lêkima nở" - chị Võ Thị Sáu!

Võ Thị Sáu (1933–1952) quê ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay là xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chị là con gái thứ 6 của ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa và bà Nguyễn Thị Đậu bán bún bò. Chị Sáu sinh ra trong thời loạn lạc, chứng kiến đồng bào bị thực dân Pháp giết hại dã man, lòng yêu nước trong chị trào dâng và sự căm phẫn đối với thực dân Pháp không ngừng sôi sục.

Lập nhiều chiến công trước ngày định mệnh

Cách đây vài năm, trong sự kiện "Những cuốn sách tri ân" nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản CAND đã cung cấp những tư liệu quý về nữ anh hùng - liệt sĩ Võ Thị Sáu để xóa tan những dư luận xấu, không đúng sự thật xuất hiện trên MXH: "Hiện nay trên mạng có những thông tin thất thiệt, không hiểu nguyên nhân vì sao lại xuyên tạc, bịa đặt Võ Thị Sáu là người không có thật. Chúng tôi rất buồn và phẫn nộ trước thông tin vu khống, bịa đặt này”.

Theo nhà văn Nguyễn Hồng Thái, chị Võ Thị Sáu là nữ Công an xung phong, người con gái đất đỏ sinh năm 1933, hi sinh năm 1952. Trong cuốn sách “Thương binh, liệt sĩ Công an nhân dân” được xuất bản năm 2007 cũng có giới thiệu những tấm gương liệt sĩ, điển hình như nữ anh hùng - liệt sĩ Võ Thị Sáu- người con gái đất đỏ anh hùng.

“Cuốn sách ghi rõ ràng: Ngày 23/1/1952, Võ Thị Sáu hiên ngang trước họng súng của quân thù làm chúng phải run sợ, khiếp đảm, nhắm mắt bóp cò giết hại chị. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù ngày 2/8/1993, đồng chí Võ Thị Sáu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, nhà văn Nguyễn Hồng Thái chia sẻ thêm.

Theo nhiều tư liệu chính thống của Việt Nam, chị Võ Thị Sáu  ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, làm liên lạc, tiếp tế và cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho công an quận Đất Đỏ. Qua nhiều lần thử thách, chị luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1947, công an quận đã quyết định kết nạp chị vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ khi mới 14 tuổi.

Với trí thông minh, dáng vóc nhỏ, nhanh nhẹn, chị Sáu đã luồn sâu vào vùng tạm chiếm từ thị trấn Đất Đỏ đến Phước Lợi, Long Mỹ, Phước Hải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm bắt tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trong, đã giúp cho Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động để phòng và tấn công địch có hiệu quả.

Chị Sáu đã phát hiện kịp thời tên Sáu Thoại - nữ gián điệp làm chỉ điểm cho Pháp để báo cáo tổ chức xử lý. Tháng 7/1948, chị phát hiện tên Sớm là nhân viên công an xã đã phản bội, đang chỉ đường dẫn Pháp vào đánh úp căn cứ của Đội Công an xung phong. Nhờ thông tin báo cáo kịp thời công an huyện và Đội Công an xung phong đã thoát khỏi nguy hiểm, bảo vệ được cách mạng.

Ngày 14/7/1948, Võ Thị Sáu mai phục ném lựu đạn về phía khán đài cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do tên tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Tiếp đó, chị còn tham gia nhiều trận diệt tề trừ gian giành thắng lợi. Tiêu biểu là trận đánh vào sào huyệt địch để diệt tên tổng Tòng là việt gian khét tiếng chống phá cách mạng, làm hắn bị thương nặng, lính đồn khiếp sợ, không dám lùng sục như trước.

Hiên ngang trước họng súng quân thù

Tháng 2/1950, chị Sáu dẫn đầu một tổ, dùng lựu đạn tập kích diệt hai tên Cả Day và Cả Suốt, không may bị địch bắt. Mười lăm tuổi, chị Sáu bước vào nhà tù Bà Rịa. 

Trong tù, chị Sáu bị địch tra tấn dã man. Tra tấn ai chúng cũng bắt chị Sáu phải chứng kiến, hành động man rợ này nhằm uy hiếp tinh thần của chị. 

Nhưng điều này chỉ để lại trong tâm trí chị Sáu một ấn tượng khá sâu sắc. Sáu tự nhủ: “Kẻ thù là một con vật ghê tởm, không thể chung sống được với chúng. Còn một phút, một hơi thở thì cũng phải chiến đấu để góp phần tiêu diệt chúng”. Không khiếp sợ kẻ thù nếu một khi ta đã căm thù chúng. Đó là bài học đầu tiên của Sáu khi bước chân vào nhà tù.

Ba tháng sau, chúng đưa chị Sáu về giam ở Khám Lớn Sài Gòn. Ở đây, chị Sáu được chúng cho vào ban nấu bếp của nhà tù. Nhờ đó mà chị đã làm tốt nhiệm vụ mà cơ sở bí mật của cách mạng trong tù giao phó. Đó là thông tin chỉ thị từ cơ sở đến từng phòng giam. 

Tuy nhiên, trong quá trình chị làm nhiệm vụ đã có kẻ phản bội khai báo. Hắn cung cấp cho kẻ thù toàn bộ hoạt động của chị. Vì thế, vào tháng  5/1951 chị bị thực dân Pháp đưa ra tòa xét xử và bị kết án tử hình.

Nhưng kết án tử hình một cô bé 16 tuổi là điều khó chấp nhận. Do đó chúng đã sửa lại trong hồ sơ là chị sinh năm 1933 cho đúng với luật “công pháp quốc tế”.

Ngày 21/01/1952, chị bị đưa ra Côn Đảo với số tù G.267 và bị giam riêng trong xà lim Sở Cò (nay là trường mẫu giáo Măng Non, huyện Côn Đảo). Đêm 22/01/1952, chị được Chi bộ nhà tù kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sáng 23/01/1952, sau khi tên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo liền lên tiếng: “Trước khi con chết, cha đến rửa tội cho con. Cha cầu nguyện cho linh hồn của con được lên thiên đàng”. Chị Sáu phẫn nộ đứng vụt dậy, chỉ vào mặt hắn thét lớn: “Tao là người yêu nước! Tao không có tội gì cả. Chỉ có chúng mày, quân giết người mới có tội!”.

Quân ác man đưa chị Sáu ra pháp trường xử bắn. Tên chánh án hỏi chị: “Còn yêu cầu gì trước khi chết?”. Chị nói: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!”. 

Nói xong, chị bắt đầu cất cao tiếng hát. Chị hát bài Tiến quân ca. Giọng hát của người con gái Đất Đỏ lúc này thiết tha bay bổng, say sưa át cả tiếng tên chánh án đọc lệnh thi hành án tử hình và tiếng hô ra lệnh cho toán lính lên đạn của tên đội trưởng lê dương. Khi tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính chuẩn bị nổ súng thì chị lập tức ngưng hát và hô vang: “Đả đảo thực dân Pháp!”. “Việt Nam độc lập muôn năm!”. “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Chị Sáu vẫn ngẩng cao đầu và tiếng hô cuối cùng của chị không mất đi mà vang vọng mãi đến thiên thu.

Sau cuộc hành hình Võ Thị Sáu, một người lính lê dương già đã bỏ ăn 3 ngày, ông ta luôn khóc than và sám hối với những tù chính trị ở công quán Côn Đảo: “Cô ta tin vào chính nghĩa dân tộc, bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến phút chót, dũng khí tỏa ra cả khi ngã xuống. Đó mới chính là anh hùng”.

Tuổi 17 của chị Võ Thị Sáu mãi mãi nằm lại ở Côn Đảo. Mộ của chị hiện nay được đặt tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Ngày 2/8/1993, Chủ tịch Lê Đức Anh thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định số 149 XT/CTN phong tặng chị Võ Thị Sáu danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì “đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, giữ vững khí tiết người chiến sĩ công an, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.

Nữ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu là một biểu tượng huyền thoại, tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng, trước họng súng kẻ thù không hề run sợ, tỏ rõ được khí phách của người yêu nước, yêu cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của cuộc cách mạng, chấp nhận hy sinh đời mình vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Chị mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo, nhất là thế hệ trẻ.

Xem thêm: Ký ức của họa sĩ anh hùng Lê Duy Ứng: 2 lần tắt thở và bức huyết họa chân dung Bác Hồ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận