Bản "cáo trạng" về tình trạng khí hậu toàn cầu của IPCC có những nội dung gì?

"Hành tinh đang bị 'nghẹt thở', hàng tỷ người gặp nguy hiểm ngay lập tức" - đó là nhận định của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres.

Đỗ Thu Nga
12:35 10/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 2021 mới đi qua được 1 nửa nhưng nhân loại đã chứng kiến hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan từ cháy rừng trên diện rộng đến nắng nóng cực độ, lượng mưa quá lớn và cả lũ quét. Những sự kiện này đang dần trở nên phổ biến. 

Và đương nhiên, chúng ta đừng mong đợi sẽ có một bản báo cáo lạc quan từ Liên Hợp Quốc bởi diễn biến khí hậu cực đoan là mối đe dọa có tác động đến xã hội và môi trường ở cấp độ toàn cầu, quốc và khu vực. 

Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc đã đưa ra bản báo cáo đánh giá về tình trạng khí hậu toàn cầu. Bản "cáo trạng" này được tổng hợp sau 7 năm nghiên cứu, thu thập hàng nghìn dữ liệu của 243 nhà khoa học hàng đầu thế giới về Trái đất.

6-noi-dung-chinh-trong-bao-cao-ve-tinh-hinh-khi-hau-toan-cau-cua-ipcc-5

Liên Hợp Quốc nhận định: "Rõ ràng, sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn so với nỗi sợ hãi của nhân loại, và không ai khác, con người chính là tác nhân gây ra hiện trạng báo động đó.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết, báo cáo do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố hôm 9/8/2021 là "mã màu đỏ cho nhân loại" (Code Red for humanity). 

"Những hồi chuông báo động đang vang lên chói tai, và bằng chứng là không thể chối cãi: Khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và phá rừng đang làm nghẹt thở hành tinh của chúng ta và khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm ngay lập tức!" - Website của Liên Hợp Quốc trích dẫn lời của ông António Guterres.

Bản "cáo trạng" này có 6 nội dung đặc biệt quan trọng:

1. Chúng ta đang chạm đến ngưỡng "báo động đỏ"

Trong tất cả 5 kịch bản về hậu quả của phát thải khí nhà kính - từ lạc quan đến ảm đạm nhất - đều nói rằng: Đến khoảng năm 2030, nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất được dự báo sẽ đạt 1,5 độ C hoặc 1,6 độ C so với mức ở thời tiền công nghiệp.

Vào 3 năm trước, IPCC còn dự báo rằng đến năm 2040, Trái đất mới có thể nóng hơn 1,5 độ C. Có nghĩa là chúng ta đang đưa Trái Đất chìm sâu trong tình trạng nóng nhanh hơn bao giờ hết.

Trong thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, các quốc gia đã đồng ý hướng đến mục tiêu: Giữ cho nhiệt độ bề mặt trung bình của Trái Đất ở mức 1,5 độ C - không thể tăng lên 2 độ C. Mức chênh lệch 0,5 độ C có vẻ quá ít. Nhưng không! Mỗi một con số tăng lên sau dấu phẩy đó, con người và sinh vật trên Trái Đất đều phải lãnh chịu hậu quả rất đáng sợ.

Đáng báo động, IPCC đưa ra dự báo: Vào giữa thế kỷ 21 này, ngưỡng 1,5 độ C sẽ bị PHÁ VỠ TRÊN DIỆN RỘNG!

6-noi-dung-chinh-trong-bao-cao-ve-tinh-hinh-khi-hau-toan-cau-cua-ipcc-0
Hãy xem chúng ta bị tác động như thế nào cho mỗi một độ nóng lên của Trái Đất qua hình ảnh đăng trên Tạp chí Earth System Dynamics, do các nhà nghiên cứu tại CarbonBrief (Anh) thực hiện:

2. Các đồng cỏ tự nhiên "quay lưng" lại với con người

Nếu không có rừng, đại dương, băng... thì Trái đất sẽ là một nơi vô cùng nắng nực, khắc nghiệt và rất khó sống. Những "đồng minh" này được biết đến với vai trò là bể hấp thụ carbon - đang có dấu hiệu bão hòa; và tỷ lệ carbon thải ra do biến đổi khí hậu nhân tạo mà chúng có thể hấp thụ đã GIẢM kể từ khi thế kỷ này bắt đầu.

Kể từ năm 1960, rừng, đất và đại dương đã hấp thụ 56% tổng lượng CO2 mà con người thải ra bầu khí quyển. Đến nay, quá trình hấp thụ đó đang suy yếu! "Đồng minh" tự nhiên đang quay lưng lại với con người!

3. Biến đổi khí hậu chính là nguyên nhân

Nếu ai đó còn mơ hồ về sự nóng lên của toàn cầu và biến đổi khí hậu tác động đến mọi ngóc ngách đời sống thì hãy hình dung bức tranh" Bạn có chưa từng bị mưa bão, lũ lụt, nắng nóng, sóng nhiệt, cháy rừng, nước biển xâm lấn... tác động lên sức khỏe và cuộc sống của mình không? Nếu câu trả lời là CÓ thì 'Đúng rồi đấy, bạn đã là nạn nhân của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu!'

Bấy lâu nay chúng ta thường né tránh bàn đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Nhưng chúng chính là quan hệ nhân - quả. Biến đổi khí hậu gia tăng/nóng lên toàn cầu đã kích hoạt hàng loạt sự kiện thời tiết khắc nghiệt (sóng nhiệt, siêu bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng...) ở mức độ thường xuyên và quy mô rộng lớn.

6-noi-dung-chinh-trong-bao-cao-ve-tinh-hinh-khi-hau-toan-cau-cua-ipcc-9
Bức tranh đau khổ của nhân loại trong một thế giới ngày một nóng hơn. Ảnh: BI, Getty Images, Forbes.

Cụ thể, ở Nam Âu đang chìm trong đợt nắng nóng chưa từng có trong lịch sử; các vùng Địa Trung Hải vốn nổi tiếng với khí hậu ôn hòa cũng đang vật lộn với cái nắng nóng hơn 40 độ C liên tục trong nhiều ngày. 

Hay đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá British Columbia (Canada) hồi tháng 6 sẽ là "hầu như không thể xảy ra" nếu không có ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; Còn Mỹ thì đang hứng chịu những trận cháy rừng lớn chưa từng có; Lũ lụt chết người diễn ra tại châu Âu, Trung Quốc... khiến hàng trăm người thiệt mạng!

Đó chính là hậu quả mà chúng ta phải gánh trong một thế giới nóng hơn bao giờ hết.

4. Nước biển dâng lên cao hơn, nhanh hơn

Các đại dương trên toàn cầu đã tăng khoảng 20cm kể từ năm 1900. Các tảng băng vỡ vụn và chảy tại Nam Cực; Greenland do nóng lên toàn cầu. Điều này đã khiến mực nước biển tăng lên với tỷ lệ gấp 2 lần so với thập kỷ trước đó.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến Trái Đất nóng lên 2 độ C thì mực nước biển dâng cao nửa mét trong thế kỷ 21. Nó sẽ tiếp tục tăng gần 2 mét vào năm 2300 - gấp đôi so với dự đoán của IPCC vào năm 2019.

Những tiến bộ lớn trong cổ sinh học - khoa học về khí hậu tự nhiên trong quá khứ của Trái Đất - đã đưa ra những cảnh báo hoàn toàn nghiêm túc.

Ví dụ, lần cuối cùng bầu khí quyển của hành tinh này ấm lên như ngày nay, là khoảng 125.000 năm trước, khi đó mực nước biển toàn cầu có thể cao hơn 5-10 mét - mức có thể khiến nhiều thành phố ven biển lớn chìm nghỉm trong nước.

3 triệu năm trước, khi nồng độ CO2 trong khí quyển tương tự với mức ngày nay và nhiệt độ khi đó cao ở mức 2,5 đến 4 độ C thì mực nước biển dâng tới 25 mét.

5. Khí metan cao nhất trong 800.000 năm

Bản "cáo trạng" của IPCC bao gồm nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết về khí metan (CH4) - khí nhà kính quan trọng thứ hai sau CO2. Các nhà khoa học cho biết, mức CH4 trong khí quyển hiện nay là mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm.

6-noi-dung-chinh-trong-bao-cao-ve-tinh-hinh-khi-hau-toan-cau-cua-ipcc-8
CO2 và CH4 là hai khí nhà kính chủ yếu gây nóng lên toàn cầu. Ảnh: Tatiana Grozetskaya/Shutterstock.com

Liên Hợp Quốc cảnh báo, không hạn chế phát thải CH4 có thể làm suy yếu các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu. Các nguồn khí CH4 do con người gây ra được chia giữa một bên là rò rỉ từ sản xuất khí đốt tự nhiên, khai thác than và bãi chôn lấp - một bên là chăn nuôi gia súc và xử lý phân.

CH4 tồn tại trong khí quyển chỉ bằng một phần nhỏ so với CO2, nhưng khí này giữ nhiệt hiệu quả hơn nhiều so với CO2.

6. "Tĩnh mạch Trái đất" chậm lại

Theo phát hiện mới nhất của các nhà khoa học, hệ thống dòng hải lưu lớn ở Đại Tây Dương - Vòng tuần hoàn đảo lộn kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) - có thể đã mất ổn định từ thế kỷ trước.

AMOC giống như tĩnh mạch hình cầu của Trái đất - chúng là hệ thống các dòng hải lưu có vai trò điều chỉnh sự truyền nhiệt toàn cầu từ vùng nhiệt đới vào Bán cầu bắc. Và quá trình điều chỉnh đó đang bị chậm lại - một xu hướng "rất có thể" sẽ tiếp diễn trong suốt thế kỷ 21.

Các nhà khoa học chỉ có ít niềm tin rằng AMOC sẽ không hoàn toàn bị đình trệ, như nó đã từng xảy ra trong quá khứ. Nếu điều đó xảy ra, mùa đông của châu Âu sẽ trở nên khắc nghiệt hơn nhiều, các mùa gió mùa có thể bị gián đoạn và mực nước biển ở lưu vực bắc Đại Tây Dương có thể tăng lên đáng kể.

(Theo Soha)

Xem thêm: Chuyên gia dự đoán Trái đất sắp quay trở lại kỷ Paleogen

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận