Những triết lý lãnh đạo giúp Lý Quang Diệu viết nên "câu chuyện thần kỳ" mang tên Singapore
Trong 3 thập kỷ nắm quyền, Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một "làng chài" nghèo đói thành một con rồng châu Á khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923. Ngay từ nhỏ ông đã bộc lộ là một người thông minh, ưu tú. Ông là 1 trong những học sinh đứng đầu của toàn Singapore và sang Anh học ngành luật tại trường Đại học Cambridge.
Sau khi chứng kiến thực dân Anh thất bại trong việc bảo vệ Singapore khỏi sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2, ông Lý Quang Diệu cho rằng Singapore phải tự lãnh đạo chính mình. Sau khi tốt nghiệp tại Anh, ông quyết định quay về nước.
Ngày 12/11/1954, ông cùng thành lập đảng Nhân dân Hành động (PAP) với mục đích giành quyền tự trị cho Singapore và chấm dứt sự cai trị của thực dân Anh. Dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, đảo PAP đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử đưa Singapore trở thành lãnh thổ tự trị, tuy nhiên chưa giành được độc lập hoàn toàn. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore vào năm đó.
Đến tháng 8/1965, Lý Quang Diệu chính thức tuyên bố Singapore tách khỏi Malaysia và là quốc gia độc lập hoàn toàn. Khi tách khỏi Malaysia, ngoài cảng biển, Singapore chẳng có gì đáng kể, thiếu thốn đủ thứ, tài nguyên nghèo nàn, diện tích nhỏ bé, dân số ít, phải nhập khẩu lúa gạo đến nước sách...
Tuy nhiên, ông Lý đã giải quyết mọi vấn đề một cách trơn tru để giờ đây đảo quốc nhỏ bé này sở hữu nền kinh tế phát triển hàng đầu châu Á, thuộc nhóm có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Vào năm 2020, Singapore năm thứ 2 liên tiếp dẫn đầu thế giới về khả năng cạnh tranh kinh tế, theo bảng xếp hạng thường niên của Viện Quản lý phát triển (IMD) tại Thụy Sĩ.
Ông Lý Quang Diệu giữ chức Thủ tướng đến năm 1990., nhưng sau đó vẫn được coi là người ảnh hưởng đến chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long (con trai cả của ông). Cách Lý Quang Diệu Singapore từ đất nước thuộc thế giới thứ ba thành một trong những "con hổ châu Á" được cho là bài học đối với bất kỳ lãnh đạo nào.
Các chuyên gia nhận định, trong 3 thập kỷ cầm quyền, Lý Quang Diệu đã có 4 triết lý lãnh đạo siêu sáng suốt. Những triết lý này đã làm nên "phép màu" Singapore. Cụ thể:
1. Chủ nghĩa đa sắc tộc
Theo chuyên gia diễn thuyết David Lim của Singapore, nền tảng đầu tiên đối với triết lý lãnh đạo của Lý Quang Diệu là chủ nghĩa đa sắc tộc, trong bối cảnh đất nước non trẻ là tập hợp những người nhập cư và xuất thân đa dạng.
Ông Lý Quang Diệu dường như hiểu rằng cần phải kiến thiết 1 quốc gia mà người dân được đánh giá dựa trên năng lực. Chính vì vậy, triết lý chính trị bất thành văn của PAP là xây dựng chế độ trọng dụng nhân tài. Bất kỳ chủng tộc nào không có khởi đầu thuận lợi hậu độc lập đều được giúp đỡ đa dạng về xã hội và giáo dục nhờ các nhóm hỗ trợ.
Điều này đã giúp Singapore tránh được nền chính trị mang tính cộng đồng như Malaysia, nơi các chức vụ, quyền lợi và nguồn lực được cho là phân bổ dựa trên sắc tộc nhiều hơn so với tính hiệu quả. Singapore cũng tránh được những vụ bạo lực sắc tộc vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối tại châu Á.
2. Xây dựng cơ chế nhà nước mạnh mẽ
Triết lý lãnh đạo thứ 2 của Lý Quang Diệu đó là xây dựng chế độ nhà nước mạnh mẽ thông qua chế độ nhân tài, giáo dục và không khoan nhượng với tham nhũng. Nhờ vậy mà quốc đảo này được đánh giá sở hữu cơ chế điều hành tài chính, giáo dục và phát triển quốc hiệu quả.
Theo các chuyên gia, Singapore từ năm 1960 đến 1970 tồn tạo 1 quy ước ngầm là người dân tin rằng chính phủ của họ bầu ra đang làm việc vì lợi ích của họ. Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc buộc họ phải chấp nhận những chính sách không được ưa chuộng nhưng cần thiết.
Diễn giả Lim đánh giá, việc quốc đảo này đạt tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới (90%) không chỉ là thành công lớn, mà còn cho thấy mọi người đều được hưởng lợi ích. Bên cạnh đó, quốc đảo còn dự trữ nhiều quỹ tài sản nhà nước.
"Các chính sách này đã giúp hàng nghìn người thoát khỏi cảnh nghèo đói và những khu ổ chuột hoang tàn, đồng thời giúp cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và sức khỏe tổng thể của người dân", Lim nhận định. Song diễn giả này nói thêm rằng, cơ chế nhà nước mạnh mẽ đi kèm với những điều luật và quy định về trật tự nghiêm ngặt.
3. Tách biệt phát triển kinh tế với hệ tư tưởng
"Nếu PAP có một tư tưởng bất thành văn, thì đó là họ không tuân theo hệ tư tưởng nào cả", diễn giả Lim nhận xét. Người này còn bổ sung rằng, ông Lý Quang Diệu dường như ưa thích chủ nghĩa thực dụng chiến lược.
Vào những năm 1960, quốc đảo này bị vây quanh bởi nhiều đối thủ tiềm tàng. Vì vậy, việc xây dựng một quốc đảo nhỏ bé mà không thành lập liên minh, hoặc đi theo bất kỳ hệ tư tưởng chính trị nào, trở nên thiếu thực tế.
Tiến sĩ Albert Winsemius, cố vấn kinh tế do Liên Hợp Quốc chỉ định của Singapore, và Goh Keng Swee, người đảm nhiệm vấn đề kinh tế của ông Lý Quang Diệu, đã bắt tay vào xây dựng đất nước hoan nghênh đầu tư nước ngoài. Họ thành lập các khu công nghiệp đầu tiên ở phía tây quốc đảo. Đồng thời phát triển chính sách giáo dục để hỗ trợ công việc và nỗ lực đổi mới giáo dục, bao gồm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ giảng dạy, sử dụng trong thương mại.
Singapore cũng vươn mình khỏi những lĩnh vực cần nhiều lao động sang các công việc cần nhiều công nghệ của các tập đoàn đa quốc gia, chương trình giáo dục cũng thay đổi theo thời đại. Và giờ đây, nửa kinh tế có động lực từ các công ty đa quốc gia trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu, sản xuất hoặc dịch vụ.
4. Khiến đất nước trở nên hòa hợp
Triết lý lãnh đạo cuối cùng của Lý Quang Diệu đó là hiến đất nước trở nên hòa hợp với những cường quốc lớn hơn nhiều tại khu vực, cũng như các siêu cường.
Diễn giả Lim nói rằng, đây là cách duy nhất giúp Singapore tồn tại. Để đạt được mục tiêu này, ông cho phép Singapore trở thành điểm giao thoa của thương mại toàn cầu và xây dựng một lực lượng quốc phòng hùng mạnh.
Với những thành tựu mang đến cho đất nước, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu nhận được sự kính trọng của nhân dân. Đặc biệt là là những người lớn tuổi luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia.
Ông Lý cũng được quốc tế nhiều lần vinh danh như nhận huân chương Mặt trời mọc năm 1967, giải thưởng Woodrow Wilson cho dịch vụ công do Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson trao tặng. Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama gọi ông là "người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế Châu Á" và "huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21".
Xem thêm: Những câu nói bất hủ của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận