12 năm lặn biển nhặt rác của người đàn ông Đà Nẵng

Suốt 12 năm qua, anh Đào Đặng Công Trung (SN 1980, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) âm thầm lặn biển, nhặt rác, bảo vệ môi trường.

Đỗ Thu Nga
09:02 28/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Người truyền cảm hứng “Sống xanh”

“Đủ sức khỏe leo núi, đủ sức khỏe lặn biển, mang rác về được không”, đó là câu hỏi mà anh Trung luôn đặt ra, với những bạn trẻ muốn đồng hành cùng anh trong chiến dịch nhặt rác trên bán đảo Sơn Trà, các bãi biển Đà Nẵng, hay biển Cù Lao Chàm. Những chuyến đi thực tế dã ngoại lên rừng, xuống biển của nhóm Trung, mọi người luôn mang theo “đồ nghề” để nhặt rác. Hay các tour du lịch lặn biển ngắm san hô, du khách đều được anh khuyến cáo mang theo dụng cụ để nhặt rác dưới đại dương mang về. Đó cũng là hình ảnh nhiều người hay nhìn thấy anh chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, sau mỗi hành trình “mang rác từ rừng, từ biển về phố”.

Bắt đầu nhặt rác trên khu vực đường lên bán đảo Sơn Trà, cách đây hơn 12 năm, từ một suy nghĩ giản đơn là rừng Sơn Trà xanh đẹp, rác thải, đặc biệt rác thải nhựa nếu không được tìm dọn, sẽ nguy hại nhiều đến môi trường sinh thái ở đây. Anh bắt đầu công việc với một chiếc túi nhỏ, rồi tới túi lớn hơn và đến bây giờ, trên chiếc xe máy của mình, anh luôn mang theo nhiều bao tải lớn. Rảnh là nhặt đầy rác, mang về khu vực tập trung.

Anh đưa ra lịch trình “nhặt rác” cụ thể, vào mùa mưa sẽ nhặt rác trên rừng quanh bán đảo Sơn Trà và vùng phụ cận vào các buổi sáng từ 6 đến 7 giờ 30 phút; buổi chiều từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút sẽ dọn tại tuyến đường Sơn Trà chia ra hai hướng, ngày nghỉ hoặc có việc đột xuất thì tạm dừng. Mùa hè sẽ lặn nhặt rác ở các khu vực biển khi trời yên biển lặng trong, cá nhân và nhóm sẽ lên lịch vào các sáng cuối tuần, còn bản thân thì bốn ngày/tuần vào các sáng thứ hai, tư, sáu, chủ nhật.

12-nam-lan-bien-nhat-rac-cua-nguoi-dan-ong-da-nang
Anh Đào Đặng Công Trung có hơn 12 năm tình nguyện nhặt rác, bảo vệ môi trường

Những chuyến đi như vậy, anh Trung đều mang về phố từ 10 đến 15kg rác gồm hộp xốp, vỏ chai nước, vỏ lon bia, lon nước ngọt, mảnh vỡ của xe máy, ly trà sữa, bao nylon… Những loại rác thải có thể tái chế, anh sẽ trao lại cho các hội nhóm hoặc câu lạc bộ thiện nguyện bán lấy tiền tổ chức các hoạt động từ thiện.

Hiện nay, đồng hành với anh Trung trong hành trình nhặt rác có rất nhiều cơ quan, đoàn thể trường học, đoàn viên, sinh viên các công ty, doanh nghiệp, cá nhân với các chương trình thu gom rác quanh bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng. Phong trào đã lan tỏa, góp một phần làm xanh - sạch - đẹp thành phố. Về dưới nước, hiện có Team Câu lạc bộ bơi lặn quận Thanh Khê với 25 người, Team Danang Free Diving với 35 người, họ là những người yêu biển, yêu môi trường biển, có kỹ năng dưới nước nên đã thực hiện các công việc lặn nhặt rác dưới đại dương rất trôi chảy và an toàn.

Tích góp tiền đầu tư thiết bị chuyên dụng lặn biển nhặt rác

Chia sẻ về công việc hiện tại, anh Trung cho biết: Hiện đang là quản lý trải nghiệm của khách tại Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang và là Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch Mân Thái. Dù rất bận nhưng anh vẫn lên kế hoạch riêng ngoài giờ để thực hiện công việc đưa rác từ rừng, từ biển về phố. Với anh, việc nhặt rác như một sứ mệnh cho môi trường, thấy rác là phải nhặt. Ý thức đó thấm sâu trong máu, túc trực thường nhật trong anh.

12-nam-lan-bien-nhat-rac-cua-nguoi-dan-ong-da-nang-0
Những người bạn đồng hành nhặt rác bảo vệ môi trường cùng anh Đào Đặng Công Trung

Sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), anh Trung chọn TP Đà Nẵng để sinh sống và làm việc từ năm 2011. Thích làm công việc xã hội, đam mê lặn biển và làm thiện nguyện vì cộng đồng. Anh nói rằng, sẽ tiếp tục hành trình nhặt rác, tiếp tục hoàn thành trọng trách của một đại sứ môi trường và môi trường biển nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng. Cùng với đó là triển khai các sáng kiến và đóng góp kêu gọi các tổ chức nước ngoài hỗ trợ cho những dự án môi trường tại Việt Nam, như một cách truyền đi thông điệp sống xanh đến với mọi người.

“Mỗi lần tôi và anh em lặn biển nhặt rác, buồn là lượng rác ngày càng nhiều, đây là điều báo động! Mỗi người cần hành động vì chính môi trường sống của chúng ta. Hãy nói không với rác thải nhựa, thay thế bằng các dụng cụ, sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường. Cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng lộ trình và hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ thân thiện môi trường, tăng thuế với các công ty sản xuất đồ nhựa, tuyên truyền vận động người dân không sử dụng đồ dùng tiện lợi và dùng một lần. “Bỏ rác đúng nơi quy định, rác mang đi nhớ mang về. Chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân”, anh Trung nhắn gửi.

Để thuyết phục người khác thì nói và giải thích thôi chưa đủ mà chứng minh bằng việc làm cụ thể. Đối với việc nhặt rác, tôi đã xây dựng thói quen này cho bản thân, tích góp tiền để mua dụng cụ lặn biển, chụp ảnh dưới biển chuyên dụng và đề ra mục tiêu phải đạt được. Nói đi đôi với làm và phải làm, làm liên tục và làm bằng cái tâm, trách nhiệm, từ hành động nhỏ nhất. Từ đó, tôi nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty và các câu lạc bộ yêu môi trường tại Đà Nẵng. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn.

Anh Đào Đặng Công Trung

(Theo Báo Nhân Dân)

Xem thêm: Những chuyến lặn biển nhặt rác, bảo vệ san hô của thanh niên Nhơn Hải

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận