Triết lý quản trị ngược đời của tỷ phú Inamori Kazuo: "Quên tập trung vào cổ đông đi, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc"
Inamori Kazuo được mệnh danh là "vị thần kinh doanh" nước Nhật, từng cứu Japan Airlines khỏi nguy cơ phá sản đã chia sẻ một triết lý quản trị ngược đời là "hãy làm cho nhân viên hạnh phúc".
Nhắc đến tỷ phú Inamori Kazuo, người ta nhớ ngay đến "vị thần kinh doanh nước Nhật với những triết lý sống đầy sâu sắc. Dù xuất thân bần hàn, chẳng phải là con nhà nòi, Kazuo vẫn khiến nhiều người nể phục với tinh thần vượt lên số phận và làm được những điều không tưởng.
Năm 27 tuổi, ông thành lập công ty Kyocera, từ đó gây dựng và phát triển nó trở thành công ty đứng top 500 thế giới chỉ trong vòng 10 năm. Đến năm 50 tuổi, thay vì nghỉ hưu, ông lại thử sức với lĩnh vực công nghệ, đưa KDDI trở thành tập đoàn viễn thông đứng thứ hai xứ hoa đào chỉ sau sau công ty NTT Docomo.
Năm 77 tuổi, dù đã về hưu và đi tu, ông lại nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản để "xuống núi" giải cứu hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines sắp phá sản. Dưới sự dẫn dắt của Kazuo, chỉ sau 424 ngày, Japan Airlines từ thua lỗ 180 tỷ đã lội ngược dòng ngoạn mục và thu về lợi nhuận 188 tỷ.
Chia sẻ về bí quyết thành công, Inamori Kazuo hé lộ rằng đó là thay đổi trạng thái tâm lý của nhân viên. Ông từng thẳng thừng nói rằng: "Tập trung tất cả cho cổ đông? Quên nó đi! Thay vào đó, hãy làm cho nhân viên hạnh phúc". Điều này có thể làm các cổ đông phật lòng, nhưng với Kazuo thì đó mới là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công.
Vị tỷ phú 89 tuổi này giải thích: "Nếu nhân viên vui, họ sẽ làm việc tốt hơn và doanh thu sẽ được cải thiện. Vả lại, doanh nghiệp chẳng có gì phải đắn đo khi lợi nhuận của công ty góp phần mang lại lợi ích cho xã hội".
Khi đảm nhiệm vai trò CEO không lương ở Japan Airlines, Kazuo đã cho in vô số những cuốn sách nhỏ thấm nhuần tư tưởng "vì nhân viên" và phát cho mỗi người một cuốn. Ông cũng giải thích về ý nghĩa xã hội công việc của họ, đưa ra nguyên tắc sống sâu sắc lấy cảm hứng từ Phật giáo. Theo Kazuo, điều này khiến nhân viên cảm thấy tự hào về công ty của mình hơn, và họ sẽ sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn vì thành công của hãng. Ông chia sẻ: "Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nên đặt ra mục tiêu làm cho nhân viên của mình hạnh phúc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chứ đừng nên chỉ luôn chú trọng vào các cổ đông".
Quan điểm bất di bất dịch của của Kazuo Inamori là: "Nếu bạn muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu bạn đối xử tệ với con gà mái, nó sẽ không làm việc cho bạn nữa". Tức là, tuy doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của các cổ đông, nhưng sự hiện diện của hàng trăm nhân viên cũng đóng góp rất lớn vào thành công. Vì thế, những "con gà mái" phải luôn khỏe mạnh và được quan tâm.
Tất nhiên, triết lý của vị doanh nhân "tu sĩ" này không có nghĩa là để cho nhân viên làm việc chểnh mảng. Nhưng Kazuo cho rằng, hạnh phúc phải đến từ việc lao động chăm chỉ, và nhờ có sự chăm chỉ, họ mới xứng đáng được đền đáp.
Dù không tuân theo các nguyên tắc thông thường, triết lý quản trị của Inamori vẫ thu hút sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo khác. Được biết, có hơn 4.500 chủ doanh nghiệp đã tham gia hội nghị thường niên của ông tại trường Seiwajyuku (Yokohama, Nhật Bản) để học hỏi và trò chuyện với vị tỷ phú này.
Inamori Kazuo quan niệm, doanh nhân không phải là người thúc ép nhân viên bằng phương pháp huấn luyện khắc nghiệt, cũng không cần phải treo mức thù lao cao ngất ngưởng để thúc đẩy nhân viên. Thay vào đó, doanh nhân chính là người thắp lên ngọn lửa quyết tâm của cả tổ chức, là nhân tố quyết định việc công ty phát triển hay tàn lụi.
Tỷ phú Nhật Bản Inamori Kazuo: 4 thứ người nghèo rất hay lãng phí
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận