Trần Phương Dung: 30 tuổi làm CEO Ba Thức Food, livestream bán khô bò kiếm 800 triệu, được TikTok vinh danh
Trần Phương Dung là một nữ TikToker có tiếng kiêm CEO Ba Thức Food, là đại diện Việt Nam duy nhất được TikTok vinh danh ở Đông Nam Á.
TikToker Ba Thức Food Trần Phương Dung là ai?
Trần Phương Dung sinh năm 1993, quê Gia Lai, là một nữ doanh nhân kiêm TikToker đa tài. Cô sinh ra và lớn lên tại đại ngàn Tây Nguyên, sớm đã quen với việc vất vả, khó khăn. Được ba mẹ cố gắng cho đi học, 9x nuôi mộng làm giàu kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ.
Bản thân Dung rất thích marketing, nhưng vì định hướng của ba mẹ mà học tài chính. Ra trường, 9x xin về làm tại một ngân hàng ở TP.HCM với mức lương ổn định song sớm thấy nhàm chán vì công việc suốt ngày ngồi một chỗ. Làm một thời gian, cô quyết định nghỉ việc, bắt đầu khởi nghiệp.
Sau một thời gian dài trầy trật, cuối cùng, nữ doanh nhân cũng nhận được trái ngọt. Vừa qua, vợ chồng cô nhận được thư mời sang Indonesia tham dự Diễn đàn tác động Đông Nam Á do TikTok tổ chức. Khi ấy, Dung nghĩ rằng: "Chắc mình nằm trong số nhiều người ở Việt Nam được mời sang vinh danh mà thôi".
Hôm đó, CEO TikTok Chou Zi Chew bất ngờ gọi tên cô, rồi giới thiệu về kênh Ba Thức Food. Dung bật khóc vì bất ngờ, thì ra cô là đại diện Việt Nam duy nhất được vinh danh tại đây.
Trầy trật khởi nghiệp, tâm niệm thất bại là mẹ thành công
Trần Phương Dung nhớ lại thời gian đầu mới khởi nghiệp, nói: "Em giấu nên ba mẹ không biết". Lúc đó, cô xin đi bán vật liệu xây dựng cao cấp cho doanh nghiệp. Mọi việc không dễ như cô tưởng, mấy tháng đầu tiên không bán được hàng, lương chỉ vỏn vẹn 4 triệu. Thế nhưng, càng bán càng quen, cô sớm trở thành một trong những nhân viên có doanh số bán hàng top đầu ở công ty.
Khi quen bạn trai là anh Phan Minh Thức - chồng Dung bây giờ, cô quyết định nghỉ việc, chuyển qua kinh doanh son môi. 9x dốc hết tiền đã tích cóp, còn vay thêm mẹ để gia công 1.000 cây son. Khổ nỗi, mặt hàng quá thịnh hành, cô chỉ bán được 400 cây, còn lại đi tặng bạn bè.
Không nản chí, cô và bạn trai chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thảo mộc dùng để gội đầu, ngâm chân. Ban đầu, việc kinh doanh phát triển tốt, còn được xuất hàng sang nước ngoài. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 bất ngờ ập đến, nguồn khách bị đứt, hàng hóa ế ẩm. Khi ấy, Dung vừa kết hôn với anh Thức, không lâu sau lại có con nhỏ, nên việc kinh doanh tạm gác lại.
Khi con lớn hơn chút, 9x một lần nữa thử sức khởi nghiệp, lần này là bán quần áo trẻ em. Bấy giờ cô nghĩ, bán ế con sẵn mặc, không sao cả. Kết quả ế thật, đến giờ vẫn còn hàng tồn trong kho.
Mọi chuyện thay đổi khi cô về Gia Lai, và sớm nhận ra quê hương mình có vô vàn là đặc sản. Dung nghĩ tới chuyện khô bò khô, bởi các cô, dì trong gia đình cũng có cơ sở làm khô bò, kinh doanh là hợp lý. Nghĩ là làm, vợ chồng cô cùng nhau khởi nghiệp bán khô bò, mở công ty Ba Thức Food.
Một lần nọ, 9x tình cờ đọc được tin về một người đàn ông Trung Quốc kiếm bộn tiền nhờ livestream trên TikTok bán son môi. Cô nhớ lại: "Em rất ngạc nhiên, nghĩ mặt hàng giá trị cao như máy giặt còn bán được qua livestream, sao mình không làm vậy để bán khô bò".
Thế là, nữ CEO mày mò tự quay những video đầu tiên về khô bò Ba Thức Food, đăng lên TikTok. Dù vậy, ban đầu kênh mới, không có ai xem, đơn cũng không có cái nào.
Chán làm video, cô lại chuyển qua livestream bán hàng. Mỗi ngày Dung phát trực tiếp vài tiếng đồng hồ, nói khàn cả giọng mà chỉ có 5 người xem, vẫn không ai mua hàng. Miệt mài live đến ngày thứ 12, nữ doanh nhân chốt được 20 triệu đồng khách đặt mua khô bò. 9x kể: "Một hôm, em cầm điện thoại livestream ở ngoài vườn thấy quá nhiều người xem, rồi họ mua hàng. Bữa livestream đó chốt được hơn 200 đơn, gấp 10 lần lượng đơn bán trên Facebook".
Sau lần đó, Dung dần rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Cô live bán hàng một cách tự nhiên nhất, kể câu chuyện chân thực nhất về quê hương, về những đàn bò trên Tây Nguyên, về quá trình làm ra sản phẩm… để người xem hiểu được tấm chân tình của người sản xuất. Cứ như vậy, cô chăm chỉ livestream. Trước một ngày chỉ live một lần, khi bán được hàng, Dung ham mê làm sáng, tối. Một ngày live tới 6 tiếng đồng hồ.
Làm việc quá sức, cô bị sưng họng, chảy máu, tắt tiếng. Bác sĩ khám xong, khuyên cô không được nói trong vòng 1 tháng. 9x hối hận chia sẻ: "Lúc đó mình tiếc lắm vì đang livestream chốt được nhiều đơn. Giờ không nói được cảm thấy rất vô dụng. Vì mình mà chuỗi khô bò đang vận hành trôi chảy phải tạm dừng". Khi họng khỏi dần, cô chỉ còn live 3 tiếng vào buổi chiều. Đến giờ, nữ doanh nhân còn livestream ít hơn vì phải đi hỗ trợ bà con nông dân.
Quyết tâm đưa nông sản địa phương lên livestream
Khi được hỏi lý do trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được TikTok vinh danh ở khu vực Đông Nam Á vừa qua, Dung khá băn khoăn. Cô cho hay, một phiên livestream của cô có lượng người xem nhiều nhất khoảng 1 vạn, chốt 800 triệu tiền hàng.
So với những phiên live chốt cả 10 tỷ tiền hàng của những TikToker khác, kênh của cô “không là gì cả”. Đến thời điểm hiện tại, kênh Ba Thức Food cũng mới chạm mốc 400.000 lượt theo dõi trên TikTok. 9x chia sẻ: "Không hẳn vì doanh số bán hàng. Có lẽ những điều tụi em đang làm mang ý nghĩa cộng đồng nên được ghi nhận".
Quả thực, suốt thời gian qua, nữ doanh nhân cùng chồng lặn lội đi khắp vùng miền khám phá. Cô nhận thấy, ở nơi nào của Việt Nam cũng có các đặc sản, nông sản ngon. Rất nhiều loại được xuất khẩu ra nước ngoài, song người tiêu dùng ở trong nước không biết đến. Với cô, đây có lẽ là điều đáng tiếc, là thiệt thòi lớn với bà con nông dân.
Vì thế, tháng 9 năm ngoái, vợ chồng cô về lại Gia Lai, dự hội nghị xúc tiến thương mại. Cũng từ đó, họ bắt đầu dạy bà con nông dân livestream bán hàng trên nền tảng này.
Nữ doanh nhân bày tỏ: "Tụi em muốn đưa người nông dân lên livestream, để họ tự kể về hành trình tạo ra từng sản phẩm, để người xem hiểu về vùng đất đó, con người đó, văn hoá nơi đó". Với cô, đó từng là "cần câu cơm" hữu hiệu, là cách bán hàng bằng cảm xúc mình đã trải qua. Giờ đây, họ sẵn sàng chia sẻ lại cho người nông dân ở các vùng miền cùng làm.
Khi dạy người nông dân livestream, cô luôn định hướng cho họ thay vì chỉ giới thiệu bán sản phẩm đơn thuần, giờ hãy bán cảm xúc thông qua các câu chuyện. Đến nay, Dung cùng chồng đã đi rất nhiều tỉnh, từ Gia Lai ra Huế, tới Hà Nội, lên Lai Châu, Bắc Kạn, rồi lại vòng về Nghệ An… và mới đây là Đồng Tháp.
Các bác nông dân rất ham học hỏi, có hôm miệt mài học đến 17h vẫn chưa muốn nghỉ. Nhiều nông dân chốt được đơn hàng ngay ở buổi học đầu tiên. Mặc dù không giỏi về máy tính hay điện thoại trên các nền tảng, nhưng bà con vẫn hăng hái học và hỏi cho tới khi “chìa khóa trao tay mới thôi”. Đây là những gì Dung cảm nhận được qua những buổi đứng lớp.
Thông thường, một khóa livestream bán hàng như vậy có thể thu học phí từ 10 - 20 triệu/học viên. Thế nhưng, vợ chồng cô lại không làm vậy mà dạy miễn phí. 9x chia sẻ: "Tụi em xác định làm từ trái tim đến trái tim. Bà con làm được, tụi em cũng vui. Đây cũng là nguồn năng lượng tích cực giúp ích rất lớn cho em trong quá trình bán sản phẩm của mình. Bởi, khi livestream cảm xúc phải vui vẻ thì người xem cũng vui vẻ mua hàng".
Hiện tại, vợ chồng Trần Phương Dung đang trong quá trình xây dựng học viện livestream. Ngoài việc dạy miễn phí cho bà con nông dân, ở đây sẽ tập hợp các bạn trẻ. Đây sẽ là đầu mối kết nối để người "biết nói" gặp được người nông dân có hàng tốt cần tiêu thụ. Từ đó tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.
Theo Vietnamnet
Xem thêm: Muốn lan tỏa sản vật quê hương, 9x Gia Lai khởi nghiệp trà dược liệu bổ dưỡng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận