Tấm lòng vàng của thầy giáo mù ở Quảng Nam cưu mang trẻ khiếm thị
Dù bản thân bị mù từ sớm, nhưng thầy giáo Đặng Ngọc Duy (Quảng Nam) vẫn cố gắng vượt qua nghịch cảnh, cưu mang những em nhỏ đồng cảnh ngộ.
Hơn 15 năm qua, thầy giáo Đặng Ngọc Duy (45 tuổi, ở P.Phước Hòa, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) không quản khó khăn, vẫn miệt mài bên mái ấm tình thương cho trẻ khuyết tật. Được biết, vốn dĩ thầy sinh ra khỏe mạnh bình thường, nhưng một biến cố cuộc đời đã xảy ra khiến thầy không còn nhìn được nữa.
Khi đang học lớp 6, thầy Duy không may gặp tai nạn khiến mù đôi mắt, cụt vài ngón tay nên phải bỏ học giữa chừng. Năm 1992, khi Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) được thành lập, gia đình gửi thầy tới đây học chữ nổi Braille.
Khát khao được đi học, nên ngay khi có cơ hội, anh dốc sức học hành. Sau khi học hết cấp 3, anh thi đậu vào vào Khoa Ngữ văn của Đại học Quảng Nam. Đến khi ra trường, thầy trở về quê và thành lập Mái ấm Hướng Dương đưa nhiều trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam về học văn hóa miễn phí.
Thầy Duy nhớ lại: "Khi còn đi học, tôi đã có một ước mơ là thành lập trung tâm và cưu mang những đứa trẻ có hoàn cảnh giống mình. May mắn thay, ra trường được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm cùng với số tiền tích góp được khi phát hành tập thơ Sắc màu âm thanh, tôi đã thực hiện được ước mơ đó".
Ban đầu, Mái ấm Hướng Dương chỉ có khoảng 16 học sinh, dạy bảo, chăm nom cho 16 em nhỏ với nhiều dị tật khác nhau như khiếm thị, khiếm thính,... Năm 2018, nơi đây được đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt, đến nay đang cưu mang gần 50 trẻ em. Trong suốt thời gian đó, để có tiền duy trì cơ sở dạy học, thầy giáo Quảng Nam miệt mài tìm kiếm và xin các nhà hảo tâm tài trợ.
Không chỉ dạy các em học văn hóa, Trung tâm còn mở ra con đường mới cho trẻ khuyết tật khi dạy âm nhạc, kỹ năng sống. Với những em khuyết tật nặng, giáo viên nơi đây sẽ cố gắng hỗ trợ phục hồi, chăm sóc đặc biệt.
Thầy giáo mù tâm sự: "Các em đều là trẻ khuyết tật nên việc nuôi dạy vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng tôi phải kiên trì. Trong quá trình giảng dạy còn phải tìm hiểu, nắm bắt tâm lý các em... Nhờ có sự hỗ trợ từ nhà nước và các nhà hảo tâm, trung tâm được xây dựng khang trang hơn, đầy đủ trang thiết bị để có thể nuôi dạy các em một cách tốt nhất".
Em Lưu Thị Khánh Uyên (10 tuổi) không may bị mù bẩm sinh, sau khi được nhận vào trung tâm như được tìm thấy niềm vui mới. Cô gái nhỏ tâm sự: "Ở đây, em có rất nhiều bạn bè, lại được thầy cô dạy chữ, dạy chơi đàn khiến em rất vui. Em mong muốn sau này sẽ trở thành một nhạc công để có thể biểu diễn ở nhiều chương trình âm nhạc".
Theo Mạnh Cường, Đức Tài/thanh Niên
Xem thêm: Nguyễn Ngọc Nữ: Nữ giáo viên nghỉ dạy để theo nghề thuốc, hơn 40 năm miệt mài bốc thuốc miễn phí
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận