Quán "cháo hành cho tâm hồn" ở TP.HCM gần 20 năm chỉ bán với giá 1.000 đồng giúp người nghèo ấm bụng
Gần 20 năm nay, mặc cho vật giá leo thang, quán cháo của vợ chồng ông Lê Công Minh (TP.HCM) vẫn giữ giá 1.000 đồng/tô, giúp người nghèo được bữa ấm bụng.
Trên đường Phan Văn Khỏe, quận 6, TP.HCM, có một quán cháo nhỏ tên "Về đây em" vô cùng đặc biệt. Suốt 20 năm qua, mặc cho vật giá leo thang, quán cháo này vẫn chỉ giữ nguyên mức giá 1.000 đồng.Đó là quán cháo của vợ chồng ông Lê Công Minh (68 tuổi) và Nguyễn Thị Kim Phượng (55 tuổi).
Trước kia, ông Minh là thợ hồ, nhưng ông làm việc vất vả mà vẫn không đủ ăn. Sau khi vợ sinh con gái thứ hai, ông nghỉ việc rồi cùng vợ mở quán cháo kiếm thế thêm nhập. Quán cháo nhỏ, đồ ăn cũng không có gì đặc biệt, khi mới mở cũng chẳng có mấy khách. Ông Minh kể: "Thấy khu này mọi người đa phần là công nhân, phụ hồ, sinh viên... nên tôi bán giá phải chăng. Dần dà quán có khách ổn định hơn".
Được biết, ban đầu giá mỗi tô cháo trắng chỉ là... 500 đồng. Nhưng tầm chục năm trở lại đây, chẳng có mấy người dùng tờ tiền mệnh giá này, lại thêm giá nguyên liệu tăng nên vợ chồng ông mới bán thành 1.000 đồng. Ngay cả những món ăn kèm là kho quẹt, dưa mắm, hột vịt muối, củ cải,... cũng được bán với giá phải chăng, từ 2.000 - 10.000 đồng.
Nói về cái tên "Về đây em", ông Lê Công Minh thừa nhận là ông "đặt đại", vì khi phát âm nghe nhẹ nhàng, trìu mến. Thấy vợ không có ý kiến gì, gần 20 năm qua tên quán vẫn được giữ nguyên như thế. Quán cháo cũng chỉ rộng khoảng 15m2, là khoảng hiên nhà được vợ chồng ông tận dụng, tối đa được 5 người cùng ăn.
Chia sẻ về bí quyết nấu cháo, bà Phượng bật mí cháo phải nấu cả tiếng đồng hồ để được nhuyễn và không pha bột, bởi sẽ bị mất đi hương thơm đặc trưng của gạo. Nồi nấu bằng than lúc nào cũng phải đỏ lửa cho cháo nóng thì ăn mới ngon. Mỗi ngày họ bán hết 4 nồi nhỏ, khoảng 4 kg gạo trắng, bán từ 15h - 20h hằng ngày.
Hầu hết khách của quán là người nghèo, cũng có khi là bà con trong xóm ăn ủng hộ. Thậm chí, cónhững thực khách thấy nghe tin thì đến ăn thử cho biết cháo 1.000 đồng là thế nào. Ông Minh tâm sự, dù giá rẻ nhưng không phải ai ông cũng bán. Vài năm trước, có người đặt tới 500 phần nhưng ông nhất quyết từ chối. Chủ quán cháo bày tỏ, nếu bán hết ngay thì ông sợ sẽ không còn cháo cho những người, công nhân, xe ôm, bán vé số...
Bà Phương nói thêm, quán có thể bán với giá rẻ như vậy nhiều năm là vì họ không phải thuê thêm mặt bằng, nấu bằng bếp than nên tiết kiệm hơn. Bà cười: "Tất nhiên chúng tôi vẫn có lời nhưng không nhiều đâu, nhưng được cái hôm nào cũng bán hết. Hơn nữa mình bán rẻ xíu, miễn sao khách ăn được no là niềm vui, động lực rồi".
Thực ra, với vợ chồng ông bà, bán cháo cũng chẳng phải để lời lỗ gì nhiều. Quán cháo ấy chính là niềm vui tuổi xế chiều, cũng là nơi mà họ góp sức nhỏ giúp đỡ cho người nghèo. Ông Minh bày tỏ: "Nhiều ăn rồi họ trả dư nhưng tôi không lấy, miễn là họ thích quán là thấy vui rồi. Bán quen bao năm nay giờ mà nghỉ thì buồn lắm, nên tôi cứ cố gắng đến khi nào không nổi nữa thì thôi".
Theo VnExpress, Thanh Niên, Báo Phụ nữ
Xem thêm: Thầy giáo miền núi "vác tù và hàng tổng", gần 10 năm dốc sức trẻ giúp đỡ học sinh nghèo
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận