Mày mò nuôi lươi không bùn trong bể lót bạt, bà con ở xã nghèo tỉnh Hậu Giang thu lời đều tay
Vài năm trở lại đây, nông dân nghèo ở xã Hòa An, tỉnh Hậu Giang chuyển sang nuôi lươn không bùn. Giờ đây thu nhập của họ ổn định hơn trước, mỗi tháng lời vài chục triệu đồng.
Vài năm trở lại đây, nông dân ở xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đang chuyển hướng nông nghiệp, tận dụng diện tích nhỏ hẹp tự có để phát triển mô hình chăn nuôi. Một số mô hình được bà con chú trọng là nuôi cá, nuôi ếch vèo trên sông, nuôi baba, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo,...
Đây là những mô hình chăn nuôi tận dụng diện tích sẵn có. Dù vậy, do bà con chỉ mới manh nha nuôi, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro như giá cả không ổn định, dịch bệnh xảy ra tương đối nhiều, người dân thiếu khoa học kỹ thuật, nhất là chi phí đầu tư lớn,... Tuy nhiên, hiện nay bà con ở xã Hòa An đang dần khắc phục nhược điểm này, chuyển sang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn trên bể lót bạt.
Theo các chuyên gia, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm. Nông dân có thể tận dụng diện tích nhỏ hẹp ở nhà nên chi phí đầu tư thấp. Chưa kể, lươn còn ít bị nhiễm bệnh, đầu ra dễ dàng lại thu lời lớn khi so cùng diện tích chăn nuôi với các loài khác. Cách đây khoảng 2 năm, toàn xã chỉ đếm trên đầu ngón tay hộ nuôi lươn không bùn, nay đã có hơn 20 hộ nuôi. Dự tính trong tương lai, mô hình này sẽ được nhân rộng hơn.
Anh Nguyễn Văn Quý (trú ấp Bàu Môn, xã Hòa An) là một người nuôi lươn không bùn trên bể lót bạt lâu năm. Anh chia sẻ, hiện nay gia đình anh nuôi được 6.000 lươn giống, việc chăm sóc cũng không quá khó khăn. Mỗi ngày anh chỉ cần thay nước 1 lần, cho lươn ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối.
Anh nông dân Hậu Giang cho biết: "Nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt là mô hình dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ ít đất sản xuất". Chỉ cần diện tích 4m2 bể lót bạt là đã nuôi được 1.000 con lươn giống, sau 9 - 12 tháng nuôi đã trừ tất cả các chi phí cho lợi nhuận 30 triệu đồng.
Khi nuôi lươn không bùn, bà con nên chọn thức ăn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp,... sơ chế hoặc nấu chín. Để giảm bớt chi phí, người nông dân có thể phối chế thức ăn cho lươn với tỉ lệ đạm động vật và thực vật là 7:3 hoặc 8:2. Trong suốt quá trình nuôi, chỉ nên nuôi 1 loại thức ăn, nếu bắt buộc phải thay đổi thì cần thay đổi từ từ. Lươn giống thả từ 100 - 300 con/kg, thời gian nuôi từ 8- 10 tháng. Lươn thương phẩm thả từ 300 - 500 con/kg thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng. Trước khi thu hoạch, cho lươn nhịn ăn 1 ngày, thu hoạch xong nhớ dọn sạch bể để lứa mới sống khỏe.
Được biết, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang là vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hộ dân nơi đây canh tác chủ yếu cây lúa, chiếm 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích lúa tính trên hộ lại không nhiều, do đó người dân vẫn gặp khó. Việc nhân rộng mô hình nông nghiệp hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi lươn không bùn giúp nông dân giảm nghèo, vươn lên ổn định thu nhập.
Theo Trịnh Hoài Phong (TTKN tỉnh Hậu Giang)/Dân Việt
Xem thêm: Áp dụng mô hình nuôi lươn không bùn, anh nông dân ở Đồng Nai thu trăm triệu một lứa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận