Những điểm tối kỵ bên trong "Tử Cấm thành" Huế: Được bảo vệ nghiêm ngặt, vô cớ đi lạc bị phạt trượng, lưu đày
Tử Cấm thành Huế thuộc quần thể di tích cố đô Huế, chính là trung tâm sinh hoạt của vua và hoàng gia triều Nguyễn.
Xét về phạm vi của từng địa phận, tất nhiên mỗi vòng thành lại có chức năng riêng của nó. Trong đó, Tử Cấm thành Huế được xem là cái trung tâm, cốt lõi của hệ thống thành quách. Tử Cấm thành (紫禁城) thuộc quần thể di tích cố đô Huế, nằm sau lưng điện Thái Hòa, được xây vào năm Gia Long thứ 3 (1804). Nơi đây còn được gọi là Cung thành (宮城), sau vua Minh Mạng đổi tên là Tử Cấm thành, tức "Tòa thành cấm màu tía".
Tử Vi Viên trên trời là nơi ở của Trời, mà vua là con Trời nên tất nhiên nơi ở của Vua cũng là Tử, Cấm thành nghĩa là cấm dân thường ra vào, qua lại. Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc với quy mô lớn nhỏ, là trung tâm sinh hoạt của vua và hoàng gia triều Nguyễn.
Kết cấu Tử Cấm thành Huế
Nhà Nguyễn cho xây dựng 3 vòng thành ở Kinh đô Huế, ngoài lớn, trong nhỏ dần. Bao gồm Kinh thành có chu vi 10km, Hoàng thành có chu vi hơn 2.4 km và Tử Cấm thành chu vi khoảng 1.2 km. Tử Cấm thành nằm trong lòng Hoàng thành, cả hai vòng thành này với một hệ thống cung điện ở bên trong thường được gọi chung là Hoàng cung hay Đại Nội.
Pháp luật triều Nguyễn quy định chặt chẽ về hình phạt với người ngoài đi vào Tử Cấm thành mà không có phép. Theo "Hoàng Việt luật lệ" quyển 10, người nào vô cớ đi vào bên trong Tử Cấm thành sẽ bị phạt 100 trượng, lưu đày ra biên giới, sung làm lính. Nếu người đó mang theo vũ khí, dù chỉ là một mũi nhọn cũng sẽ bị xử tử.
Tử Cấm Thành có bố cục thể hiện rõ tư tưởng độc tôn quân quyền, là "tiểu vũ trụ" của hoàng gia. Nơi đây có 7 cánh cửa, bao gồm nam là Đại cung (Đại Cung môn) kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, lợp ngói hoàng lưu ly; đông là cửa Hưng Khánh và cửa Đông An, về sau lấp cửa Đông An, mở thêm cửa Duyệt Thị ở phía đông Duyệt Thị Đường, ở mặt này cũng mở thêm cửa Cấm Uyển nhưng rồi lại lấp; tây là cửa Gia Tường và Tây An; bắc là cửa Tường Loan và Nghi Phụng (trước năm 1821 mang tên Tường Lân), dưới thời Bảo Đại, sau khi xây lầu Ngự Tiền Văn phòng mở thêm cửa Văn phòng.
Trong đó, Đại Cung môn là cửa chính vào Tử Cấm thành, sau đó đến một sân rộng và tới điện Cần Chánh - nơi vua làm việc và thiết triều. Hai bên điện Cần Chánh là nhà Tả Vu và Hữu Vu để các quan ở ngoài chờ, chỉnh đốn quan phục trước khi thiết triều. Điện Cần Thành là nơi vua ở, phía trước có sân rộng, ao sen cùng bức bình phong chắn giữa điện Càn Thành và diện Cần Chánh. Cung Khôn Thái nằm ở phía bắc điện Càn Thành, bao gồm điện Khôn Thái, điện Trinh Minh... là nơi ăn ở sinh hoạt của các phi tần nội cung.
Đặc biệt, xung quanh bên ngoài Tử Cấm thành không có hào nước, bên trong vòng thành được bảo vệ nghiêm ngặt, cẩn thận. Tử Cấm thành còn có những cung điện, lầu tạ khác phục vụ việc ăn uống, giải trí của vua và hoàng gia như: Thượng Thiện đường, Thái Y viện, Duyệt Thị Đường, vườn Thiệu Phương, vườn Ngự Uyển, gác Đông Các, Tu Khuê tơ lầu,... Ngoài ra, bên trong còn có một số công trình kiến trúc khác dành cho tín ngưỡng tâm linh như chùa thờ Phật, miếu thờ trời, tinh tú và Quan Công.
Tử Cấm thành được nâng cấp ra sao
Dưới thời vua Gia Long, các công trình ở Tử Cấm thành còn đơn giản, thưa thớt. Thế nhưng, tới thời vua Minh Mạng, vua đã cho quy hoạch, nâng cấp cùng lúc với Hoàng thành. Kiến trúc nơi đây được cải tạo phong phú và đa dạng hơn, rồi tiếp tục được sửa chữa, bổ sung trong các đời vua kế tiếp. Đến thời vua Khải Định, một số cung điện được trùng tu, một số được xây mới bằng vật liệu bê tông cốt thép hiện đại.
Nhìn chung, diện mạo tổng thể kiến trúc trong Tử Cấm thành không có nhiều thay đổi đáng kể. Trục giữa vẫn là các cung điện chính, theo thứ tự từ trước đến sau là Đại Cung Môn, điện Cần Chánh, điện Càn Thành,Cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung,...
Dù vậy, không may là những cung điện vàng son, lộng lẫy bậc nhất ở Tử Cấm Thành đã bị hư hỏng nặng nề qua năm tháng. Với sự đầu tư kinh phí ở trong và ngoài nước, hiện tại mới có một số ít công trình được trùng tu. Một vài trong số đó là Tả Hữu Vu, Thái Bình Lâu, Duyệt Thị Đường, hệ thống Trường lang, điện Kiến Trung,...
Xem thêm: Những chính sách bài bản, quyết liệt của vua Minh Mạng với chủ quyền biển đảo Việt Nam
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận