Phùng Đức Minh: Từ nam sinh chỉ đạt 0.93/4 đến tốt nghiệp bằng giỏi ĐH Bách Khoa

Ban đầu, Phùng Đức Minh không quá chú ý học tập, GPA rất thấp. Nhưng nhờ sự bừng tỉnh kịp thời, anh bạn đã lội ngược dòng ngoạn mục.

Chi Nguyễn
17:35 14/04/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phùng Đức Minh, 26 tuổi, là cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hàng không, Đại học Bách khoa Hà Nội, khóa 2015-2020. Hiện, Minh làm việc tại Viện Hàng không Vũ trụ Viettel. Công việc cho Minh áp dụng nhiều kiến thức đã học trong nghiên cứu, chế tạo các vật thể bay phục vụ an ninh quốc phòng với mức thu nhập "hấp dẫn".

"Nếu không có sự thức tỉnh vào năm thứ ba đại học, chắc chắn mình không ở vị trí ngày hôm nay", chàng trai Hà Nội nói.

Năm 2015, Minh trúng tuyển Bách khoa Hà Nội với 24 điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau thời gian dài ôn thi, Minh gần như dành cả năm thứ nhất để xả hơi.

nam-sinh-loi-nguoc-dong-tot-nghiep-bang-gioi-dh-bach-khoa

Mỗi ngày, sinh viên cần lên lớp 6 tiết, nhưng Minh trốn học 5. Trong tiết học duy nhất, cậu cũng thường chọn bàn cuối trong giảng đường 200 chỗ để không bị thầy cô chú ý. Minh chủ yếu ngủ trên lớp, nếu thức, cậu sẽ "nghe gì ghi nấy" vào quyển vở được dùng cho cả năm môn.

Hết học kỳ đầu tiên, Minh trượt môn Giải tích I, còn lại đạt loại D, tức 1/4 điểm. Do đó, điểm trung bình của Minh chỉ đạt 0,93 - mức kém. Tình hình không khá hơn trong học kỳ sau khi cậu trượt tiếp môn Giải tích II, điểm trung bình đạt 1,82 - mức yếu.

Minh bắt đầu sực tỉnh và quyết định cố gắng hơn trong năm thứ hai. Lúc đó, cậu mới biết có thể mua giáo trình và đề cương ôn tập các môn học ở phía sau thư viện. Điểm của Minh có cải thiện, nhưng không đáng kể, vẫn chỉ loanh quanh mức trung bình hoặc trung bình yếu.

"Là người hiếu thắng, mình thấy bực bội khi đã có ý thức học hơn trước, nhưng kết quả không đổi", Mình nhớ lại, cho biết tổng số tín chỉ bị nợ khi đó đã lên 7. Theo quy chế của trường, Minh sẽ bị cảnh cáo mức một nếu nợ thêm một tín chỉ nữa. Nam sinh cho rằng đây là ngưỡng của mình.

Để cải thiện điểm số, điều đầu tiên Minh làm là lập kế hoạch. Cậu điền tất cả môn đã học và chưa học vào một file excel, xem để tốt nghiệp với điểm trung bình 2,5 - mức khá, cậu cần đạt bao nhiêu điểm A, B.

nam-sinh-loi-nguoc-dong-tot-nghiep-bang-gioi-dh-bach-khoa

Năm thứ ba cũng là thời điểm bắt đầu học chuyên ngành nên Minh hào hứng hơn. Thay vì ngồi bàn cuối để "trốn" giảng viên, Minh bắt đầu phát biểu và tìm thầy cô để hỏi khi gặp vấn đề chưa hiểu. Tương tác nhiều hơn với bạn bè, cậu được hướng dẫn cách học, chia sẻ đề cương, tài liệu ôn tập.

Môn chuyên ngành đầu tiên Minh học là Nhập môn Kỹ thuật Hàng không, sinh viên được chế tạo, lắp động cơ để máy bay bằng xốp bay được. "Lần đầu được thực hành, mình rất hào hứng và bắt đầu trả lời được câu hỏi ra trường làm gì - điều mà mình đã băn khoăn suốt hai năm đầu", Minh nói.

Đạt điểm B+ đầu tiên, tương đương 3,5/4 điểm, Minh có cảm xúc chiến thắng nên càng cố gắng. Sau đó, cậu cũng đạt điểm tuyệt đối môn Kỹ thuật thủy khí, học về sự chuyển động của dòng chảy, giải thích nguyên lý bay của máy bay. Hai học kỳ của năm thứ ba, Minh lần lượt đạt 3,42 và 3,38, nâng điểm trung bình cả ba năm lên 2,58 và hoàn thành sớm mục tiêu đặt ra. Có đà học, Minh tiếp tục hướng đến điểm tốt nghiệp 3,2 để ra trường bằng giỏi - giấc mơ với nhiều sinh viên Bách khoa.

Song song với học chương trình mới, Minh tận dụng các kỳ hè để học lại những môn đã trượt hoặc điểm thấp. Minh nhận định một môn từ điểm D lên B giúp kết quả trung bình tăng nhiều hơn là đạt điểm A một môn mới. Do đó, Minh luôn sử dụng hết 24 tín chỉ mỗi kỳ để học mới và học lại. Chàng trai Hà Nội nói điều may mắn trong giai đoạn này là được gia đình tạo điều kiện để chuyên tâm học, không cần đi làm thêm.

nam-sinh-loi-nguoc-dong-tot-nghiep-bang-gioi-dh-bach-khoa

Khẳng định được năng lực, Minh được bạn bè tin tưởng trong mỗi bài tập nhóm. Cậu thường đảm nhận việc lên khung, ý tưởng và tổng hợp tư liệu, sau đó làm slide và thuyết trình. Thời gian rảnh, cậu gặp bạn cùng lớp, tham gia hoạt động đoàn, đội, thay vì chơi game như trước.

Trong đồ án tốt nghiệp, Minh chọn đề tài về cải thiện tốc độ, thời gian bay của diều lượn có người lái, tải trọng 150 kg. Minh được đánh giá cao vì đã chế tạo được sản phẩm thực tế. Đồ án sau đó được chấm điểm A+, là đồ án duy nhất của khóa đạt điểm này.

Dù vậy, có những môn khó như Giải tích III, Minh phải học đến ba lần để cải thiện điểm. Đây là môn biết điểm cuối cùng nên Minh rất hồi hộp. Nếu dưới điểm C+, tương đương 2,5, cậu không thể đạt 3,2 để tốt nghiệp loại giỏi. Kết quả, nam sinh được điểm B, điểm trung bình cả khóa đạt 3,22.

Là chủ nhiệm của Minh, PGS.TS Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc chương trình Kỹ thuật Hàng không và Cơ khí Hàng không, Đại học Bách khoa Hà Nội, đánh giá cao và cảm thấy tự hào trước thay đổi của học trò. Cô cho biết giai đoạn học đại cương khó, nhiều sinh viên điểm thấp nhưng không phải ai cũng có thể thay đổi và vươn lên.

"Minh không phải sinh viên Bách khoa đầu tiên vượt khó, nhưng những gì em làm được vẫn xứng đáng được công nhận", cô Dung nói.

Tháng 4/2020, Minh tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội sớm nửa năm. Vượt qua 7 vòng thi tuyển, cuối năm đó cậu trở thành kỹ sư của Viện Hàng không Vũ trụ Viettel và làm việc đến nay.

nam-sinh-loi-nguoc-dong-tot-nghiep-bang-gioi-dh-bach-khoa

Theo Minh, bằng cấp không phải là tất cả nhưng vẫn rất quan trọng về cơ hội việc làm. Vị trí Minh từng ứng tuyển bắt buộc ứng viên phải tốt nghiệp bằng giỏi ngành Kỹ thuật Hàng không. Khi đi làm, cậu thấy một số đầu việc chỉ có thể được thực hiện bởi người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ hoặc cao hơn. Do đó, Minh cho rằng sinh viên dù xả hơi sau các kỳ thi cũng không nên bỏ bê việc học, mà cần lập kế hoạch rõ ràng và cố gắng ngay từ đầu.

Về hành trình của mình, Phùng Đức Minh từng nghĩ có thể ra trường với bằng xuất sắc nếu chuyên tâm học từ đầu. Dù vậy, 9x cũng thừa nhận nếu không có vấp váp, có lẽ bản thân cũng không có động lực để bứt phá. "Mình cũng không hối hận về những gì đã trải qua, mình nghĩ nên nhìn về phía trước và cố gắng hết sức cho những thứ đang và sắp đến", nam sinh nói.

Theo Thanh Hằng/VnExpress

Xem thêm: Nữ thủ khoa với GPA 3.9/4.0 bật mí bí kíp học tập: Không bao giờ đợi "nước đến chân mới nhảy"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận